Trung Quốc đổi chiến lược Zero COVID có lợi hay gây hại cho thế giới?

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 15:54, 10/03/2022

Các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu cách sống chung với SARS-CoV-2 mà vẫn tránh được khủng hoảng như Hồng Kông. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo rằng "việc giải phóng COVID-19" trên dân số 1,4 tỉ của Trung Quốc có nghĩa là rất nhiều người sẽ phát tán vi rút và tạo nhiều cơ hội cho các biến thể mới xuất hiện.

Chiến lược Zero COVID của Trung Quốc đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nước này mới ghi nhận 112.385 ca mắc COVID-19 có triệu chứng với 4.636 trường hợp tử vong đến nay, một phần rất nhỏ so với con số của Mỹ. Song khi biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao xâm nhập đất nước này và các chi phí kinh tế, xã hội của chính sách Zero COVID tăng lên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang xem xét các lựa chọn để sống chung với SARS-CoV-2 như phần còn lại của thế giới đang làm. Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự thay đổi đó có thể sớm bắt đầu.

Đây sẽ là một quyết định quan trọng và Trung Quốc chắc chắn sẽ tiến hành một cách thận trọng. Trung Quốc muốn tránh bùng phát dịch như ở Hồng Kông, nơi ghi nhận hơn 56.827 ca mắc COVID-19 mới và 198 người chết chỉ trong ngày 3.3.

Yanzhong Huang, chuyên gia y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức tư vấn của Mỹ, nói cho đến gần đây, ông tin rằng Trung Quốc có thể sớm đưa ra các biện pháp linh hoạt hơn vào tháng này.

Bây giờ, rất có thể các nhà lãnh đạo Trung Quốc đợi cho đến khi 'khói bụi' lắng xuống từ cuộc khủng hoảng Hồng Kông”, Yanzhong Huang nhận định.

Xi Chen, nhà khoa học y tế công cộng tại Trường Y tế Công cộng Yale (Mỹ), nói rằng Trung Quốc cần nhiều hơn thời gian, tối đa 1 năm, để nâng cao hơn nữa mức độ bao phủ vắc xin và mũi thứ ba, đặc biệt là ở những người cao tuổi, và tăng cường khả năng chăm sóc sức khoẻ nông thôn.

Chính sách Zero COVID của Trung Quốc dựa vào xét nghiệm hàng loạt, truy vết liên lạc, cách ly người nhiễm SARS-CoV-2, hạn chế đi lại trong nước và quốc tế, đồng thời phong tỏa toàn bộ các thành phố. Hệ thống này đã giúp Trung Quốc dập tắt tất cả làn sóng dịch cho đến nay, bao gồm một số đợt bùng phát dịch Omicron kể từ giữa tháng 1.2022. Thế nhưng, các đợt bùng phát COVID-19 ngày càng thường xuyên và lan rộng.

Ngày 25.2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã báo cáo 93 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ở 10 tỉnh bất chấp các biện pháp đối phó nghiêm ngặt.

Hôm 6.3, Trung Quốc đã ghi nhận 526 ca mắc COVID-19, cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát ở Vũ Hán, trong đó có 312 người không có triệu chứng, theo tờ Bloomberg. Biến thể Omicron gây áp lực lên chính sách Zero COVID của Trung Quốc nhằm kiềm chế nhanh chóng từng đợt bùng phát dịch.

Thành phố Thâm Quyến, giáp với Hồng Kông, gần đây đã đóng cửa các viện bảo tàng, thư viện, nhiều công viên và bãi biển để đối phó với sự gia tăng số ca mắc COVID-19. Các khu chung cư phải đối mặt với tình trạng phong tỏa ngay cả khi chỉ một người dân có kết quả xét nghiệm dương tính. Hầu hết mọi người ở đó đều phải đi xét nghiệm COVID-19 sau mỗi 48 giờ.

trung-quoc-thay-doi-chien-luoc-zero-co-lo-hay-gai-hai-cho-the-gioi.jpg
Một cơ sở cách ly tạm thời dành cho bệnh nhân COVID-19 ở Hồng Kông, nơi số ca bệnh và tử vong đã tăng vọt kể từ tháng 12.2021 - Ảnh: Getty

Nhà phân tích chính trị Trung Quốc, Chen Gang của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), viết trong một bài bình luận hồi tháng 2.2022: “Những bất tiện và khó khăn to lớn với sinh kế và lối sống của người dân có thể khiến guồng máy chính sách của Trung Quốc xoay trục để xem xét một số loại điều chỉnh chính sách”.

Các biện pháp đối phó COVID-19 bắt đầu làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong nửa cuối năm 2021, theo Lu Xi, chuyên gia Đại học Quốc gia Singapore về chính sách kinh tế Trung Quốc.

Lu Xi nói: “Tất cả các chỉ số kinh tế đều cho thấy sự sụt giảm liên tục”.

Zhangkai Cheng, chuyên gia về hô hấp tại Đại học Y khoa Quảng Châu, cho biết: “Sẽ có khả năng xảy ra điều chỉnh chính sách khi chi phí cho Zero COVID lớn hơn lợi ích. Khi thời điểm đó đã đến thì hãy tranh luận".

Theo Huachen Zhu - nhà vi rút học Đại học Hồng Kông, dưới chiến lược mới với tên dynamic zero COVID, các địa phương có nhiều thời gian để điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp với điều kiện địa phương.

Chính phủ Trung Quốc đang đẩy lùi những gì họ coi là hạn chế địa phương không cần thiết.

Ngày 18.2, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan quản lý các vấn đề kinh tế Trung Quốc, đã yêu cầu các chính quyền địa phương tránh phong tỏa tùy tiện và cấm đóng cửa trái phép các nhà hàng, siêu thị, địa điểm du lịch, rạp chiếu phim.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đang nghiên cứu những thay đổi với các biện pháp kiểm soát hiện có để “đảm bảo giao thương quốc tế bình thường và phát triển kinh tế”. Zunyou Wu, nhà dịch tễ học trưởng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết điều này tại một diễn đàn ngày 15.2 ở thủ đô Bắc Kinh.

Thế nhưng, tình hình ở Hồng Kông cho thấy lý do tại sao cần phải thận trọng. Thành phố bán tự trị với 7,4 triệu người đã tuân theo chiến lược Zero COVID của riêng mình, tránh bị phong tỏa toàn bộ.

Chiến lược này hoạt động tương đối tốt cho đến tháng 12.2021, nhưng với sự xuất hiện của biến thể Omicron, số ca mắc COVID-19 đã tăng vọt nơi nhiều người lớn tuổi dễ bị tổn thương và chưa tiêm vắc xin.

Khoảng 90,5% người dân Hồng Kông từng tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 nhưng tỷ lệ người cao tuổi tụt hậu nghiêm trọng, chỉ khoảng 50% với nhóm từ 80 tuổi trở lên.

Nhiều người cao tuổi đã hoảng hốt trước những báo cáo ban đầu về các tác dụng phụ của vắc xin COVID-19 và cảm thấy tin tưởng vào khả năng ngăn chặn vi rút của Hồng Kông.

Jin Dong-Yan, nhà vi rút học của Đại học Hồng Kông, cho biết các trường hợp tử vong do COVID-19 tập trung nhiều ở những người tránh tiêm vắc xin.

Hồng Kông hiện có kế hoạch xét nghiệm mọi người dân ba lần vào tháng 3 để xác định các ca mắc COVID-19 và có thể hạn chế nghiêm ngặt hơn. Thế nhưng, mô hình của Đại học Hồng Kông cho thấy mọi thứ sẽ tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn.

Đại học Hồng Kông dự báo, nếu các biện pháp ngăn cách xã hội vẫn giữ nguyên, nghĩa là các nhà hàng ngừng phục vụ sau 18 giờ và các phòng tập thể dục, quán bar, tiệm làm tóc đóng cửa, 4,6 triệu cư dân Hồng Kông sẽ mắc COVID-19 vào giữa tháng 5.2022 và hơn 3.200 người sẽ thiệt mạng.

Các nhà dịch tễ học cho biết Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với một làn sóng dịch trong bất kỳ quá trình chuyển đổi nào. Ở những nơi thiếu phòng khám sức khỏe cộng đồng hoặc bác sĩ đa khoa, ngay cả những người có triệu chứng nhẹ cũng có thể vội vã đến bệnh viện và nguồn lực y tế sẽ nhanh chóng cạn kiệt.

Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin của Trung Quốc hiện hơn 87% và hơn 550 triệu người đã nhận mũi tăng cường, nhưng việc tiêm chủng cho người cao tuổi bị chậm lại, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Với nhiều loại vắc xin của Trung Quốc dựa vào vi rút bất hoạt thay vì công nghệ mRNA phổ biến ở phương Tây, không rõ khả năng bảo vệ của chúng giảm đi nhanh như thế nào hoặc sẽ chống lại các biến thể mới tốt đến đâu, nhà miễn dịch học Rustom Antia của Đại học Emory (Mỹ) nói.

Nhiều người dự đoán các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tiến hành thay đổi chiến lược Zero COVID một cách thận trọng. Huachen Zhu hình dung các bước như giảm thời gian cách ly và đưa ít F1 vào tình trạng cách ly hơn.

Xi Chen cho rằng Trung Quốc có thể mở cửa một thành phố hoặc khu vực đầu tiên như một trường hợp thử nghiệm.

Thế nhưng, Gabriel Leung, Trưởng khoa Y của Đại học Hồng Kông, nhận xét: “Bước nhảy vọt lớn của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến phần còn lại thế giới. Giải phóng COVID-19 trên dân số 1,4 tỉ có nghĩa là rất nhiều người sẽ phát tán vi rút. Điều đó sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các biến thể mới xuất hiện. Đó không chỉ là vấn đề quốc gia, mà còn là vấn đề toàn cầu".

Sơn Vân