Điện Kremlin khởi tố vụ án hình sự, Facebook vẫn bảo vệ chính sách kêu gọi chống lính Nga

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:39, 12/03/2022

Meta Platforms,chủ sở hữu Facebook, hôm 11.3 cho biết cần phải có sự thay đổi tạm thời trong chính sách nội dung của mình, chỉ dành cho Ukraine, để người nước này lên tiếng phản đối cuộc tấn công từ Nga.

Động thái trên diễn ra sau khi Nga khởi tố vụ án hình sự vì Meta Platforms thông báo sẽ cho phép các bài đăng kêu gọi bạo lực chống lại binh lính cùng lãnh đạo Nga.

Các công tố viên Nga đã yêu cầu tòa án chỉ định Meta Platforms là "tổ chức cực đoan" và cơ quan quản lý truyền thông nước này cho biết sẽ hạn chế quyền truy cập vào Instagram bắt đầu từ ngày 14.3. Meta Platforms cho biết quyết định này sẽ ảnh hưởng đến 80 triệu người dùng ở Nga.

Ủy ban Điều tra của Nga cho biết: "Một vụ án hình sự đã được khởi tố liên quan đến các lời kêu gọi bất hợp pháp về giết người và bạo lực với công dân Liên bang Nga từ các nhân viên Meta, công ty sở hữu mạng xã hội Facebook và Instagram".

Ủy ban Điều tra của Nga đã báo trực tiếp việc này với Tổng thống Vladimir Putin. Chưa rõ ngay lập tức vụ án hình sự có thể dẫn đến điều gì.

Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta Platforms, đã phản ứng sau hành động của chính phủ Nga bằng dòng tweet nói rằng công ty bảo vệ quyền phát biểu như một biểu hiện của sự tự vệ phản ứng trước cuộc tấn công vào Ukraine và chính sách này chỉ áp dụng cho Ukraine.

Nick Clegg nói thêm: "Chúng tôi không có sự tranh cãi với người dân Nga. Không có thay đổi nào trong chính sách của chúng tôi về lời nói căm thù với lính Nga".

Hai tuần sau cuộc chiến của Nga ở Ukraine, phát ngôn viên của Meta Platforms hôm 10.3 thông báo tạm thời thay đổi các quy tắc về phát ngôn chính trị, cho phép đăng các bài như "tử chiến với quân đội Nga" nhưng sẽ không cho phép các lời kêu gọi bạo lực với dân thường Nga.

Meta Platforms nói thay đổi tạm thời nhằm mục đích cho phép các hình thức thể hiện chính trị thường vi phạm các quy tắc của công ty này.

dien-kremlin-khoi-to-vu-an-hinh-su-facebook-van-bao-ve-chinh-sach-keu-goi-chong-linh-nga(1).jpg
Cuộc chiến giữa Nga và Meta Platforms thêm căng thẳng

Hôm 11.3, ban giám sát Meta Platforms nói đã được công ty thông báo tóm tắt về các chính sách liên quan đến Ukraine và ngữ cảnh đó rất quan trọng với các chính sách nội dung cùng việc thực thi.

Các email nội bộ mà Reuters từng thấy trước đây cho biết những thay đổi chính sách tạm thời về kêu gọi bạo lực với binh lính Nga được áp dụng cho các nước Armenia, Azerbaijan, Estonia, Georgia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Nga, Slovakia và Ukraine.

Người phát ngôn Meta Platforms từ chối đưa ra bình luận ngoài tuyên bố của Nick Clegg .

Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng nó không phải là sự thật vì nếu là sự thật thì đồng nghĩa với việc sẽ phải có những biện pháp dứt khoát nhất để chấm dứt hoạt động của công ty này”.

Cuộc chiến thông tin

Trong hơn một năm qua, Nga đã cố gắng kiềm chế ảnh hưởng của những gã khổng lồ công nghệ Mỹ gồm Facebook, Google và Twitter, liên tục phạt tiền họ vì cho phép nội dung bị mô tả là bất hợp pháp.

Thế nhưng, việc Nga tấn công Ukraine bị quốc tế lên án và áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có, làm tăng mạnh cuộc chiến thông tin.

Truyền thông xã hội nước ngoài tạo cơ hội cho những người bất đồng chính kiến ​​chống lại đường lối của ông Putin. Trong khi phương tiện truyền thông nhà nước Nga tuyên truyền rằng nước này phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" để bảo vệ những người nói tiếng Nga ở Ukraine, chống lại nạn diệt chủng, phi quân sự hóa đất nước.

Ủy ban Điều tra cho biết động thái này của Facebook có thể vi phạm các điều khoản trong luật hình sự Nga chống lại những lời kêu gọi công khai cho các hoạt động cực đoan.

Văn phòng Công tố nhà nước Nga cho biết: “Những hành động như vậy của ban lãnh đạo công ty Meta không chỉ hình thành ý tưởng rằng hoạt động khủng bố là được phép, mà còn nhằm kích động lòng thù hận và thù hận với công dân Liên bang Nga”.

Văn phòng Công tố thông báo đã nộp đơn lên tòa án để xác nhận Meta Platforms là một tổ chức cực đoan và nghiêm cấm các hoạt động của nó ở Nga.

Các dịch vụ khác của Meta Platforms cũng rất phổ biến ở Nga. Theo nhà nghiên cứu Insider Intelligence, năm ngoái Facebook ước tính có 7,5 triệu người dùng và WhatsApp có 67 triệu người dùng ở Nga.

Tuần trước, Nga cho biết đang cấm Facebook tại quốc gia này vì các phương tiện truyền thông Nga bị hạn chế quyền truy cập trên nền tảng này.

Instagram là công cụ ưa thích của Alexei Navaln – thủ lĩnh phe đối lập Nga, người đã nhờ các luật sư và những người ủng hộ ông đăng tải thông điệp kêu gọi người Nga tham gia các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến ở Ukraine.

Hãng thông tấn RIA (Nga) trích dẫn một nguồn tin cho biết WhatsApp sẽ không bị ảnh hưởng bởi các động thái pháp lý vì ứng dụng nhắn tin được coi là một phương tiện liên lạc chứ không phải là một cách để đăng tải thông tin.

Sơn Vân