Dự kiến khoảng hơn năm nữa Việt Nam sẽ có vắc xin ngừa COVID-19

Sự kiện - Ngày đăng : 15:55, 16/07/2020

Dự án nghiên cứu phát triển vắc xin COVID-19 của Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đang bước vào giai đoạn tối ưu hóa để chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng trên người. Dự kiến 12 đến 18 tháng nữa sẽ thực hiện thử nghiệm lâm sàng trên người và sau đưa đưa vào tiêm chủng đại trà.
Một đơn vị nghiên cứu chế biến vắc xin tại Việt Nam - Ảnh: PV

Ai sẽ được tiêm vắc xin ngừa COVID-19?

Công tác thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 gặp khó

Nữ bác sĩ tự tiêm thử nghiệm vắc xin mới trước khi tiêm cho khách hàng

Nhanh hơn 2 tháng so với kế hoạch

Ngày 16.7 trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Đỗ Tuấn Đạt – Giám đốc Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH, Bộ Y tế)- đơn vị đang nghiên cứu sản xuất vắc xin COVID-19, cho biết khoảng 12 đến 18 tháng nữa vắc xin COVID-19 của Việt Nam sẽ được thử nghiệm lâm sàng ở người và sau đó đưa vào tiêm chủng đại trà cho mọi người.

Theo ông Đạt, hiện vắc xin COVID-19 đã hoàn thành giai đoạn 1 với kết quả đáp ứng miễn dịch khá cao của vắc xin dự tuyển. Đây là kết quả đánh giá, phân tích của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương với 2 lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột đã tiêm dự tuyển vắc xin COVID-19 mà các nhà nghiên cứu của Viện đã nhận được bằng việc tiêm so sánh với chính chủng vi rút hoang dại đã được bất hoạt cho chuột. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác định các mẫu huyết thanh này đã đáp ứng kháng thể, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao.

Sau khi thử nghiệm trên chuột, các chuyên gia nghiên cứu vắc xin COVID-19 tiếp tục tối đa hóa để tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người nhằm đảm bảo hiệu suất cao. Khoảng thời gian thử nghiệm lâm sàng trên người ổn định sẽ triển khai tiêm chủng đại trà.

Riêng việc tiêm bao nhiều liều vắc xin COVID-19 để đạt miễn dịch cần thiết thì cũng cần phải có thời gian nghiên cứu để có được một số liệu chính xác, có thể 1 liều hoặc 2 liều.

“Để có vắc xin ngừa COVID-19 hoàn chỉnh cần 12 đến 18 tháng nữa, nhưng chúng tôi đang nỗ lực để rút ngắn thời gian này. Dù vậy, so với mức trung bình 10 năm của 1 vắc xin bình thường, thời gian 18 đến 24 tháng để phát triển được một vắcxin đã là quá nhanh rồi”, ông Đạt nói.

Với tiến độ sản xuất vắc xin COVID-19 như hiện tại, ông Đạt cho biết đang vượt so với kế hoạch khoảng 2 tháng. "Sở dĩ có được điều này là do VABIOTECH được “hưởng lợi” từ những kết quả của đề tài nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học của vi rút SARS-CoV-2 mà Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang triển khai. Nhờ các thông tin “giải mã” này mà dù nhiều nước đã “việt vị” trong dự đoán về dịch bệnh nguy hiểm bậc nhất đầu thế kỷ 21 Việt Nam vẫn có thể làm chủ tình hình", ông Đạt lý giải.

Theo ông Đạt, ở giai đoạn tiếp theo, vắc xin dự tuyển sẽ được phát triển thành vắc xin hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu liều.

Sử dụng công nghệ véc tơ vi rút để sản xuất vắc xin COVID-19

Ngay từ đầu tháng 2.2020, VABIOTECH đã cử 2 cán bộ nghiên cứu sang làm việc và phối hợp với các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm của Đại học Bristol (Anh) nỗ lực triển khai thực hiện nhiều công đoạn nghiên cứu nhằm đẩy nhanh tiến độ của dự án nghiên cứu phát triển vắc xin COVID-19.

Tại đây, nhóm nghiên cứu đã làm việc gần như 24/7, mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng, để kịp hoàn thành kế hoạch đặt ra. Hai thành viên của nhóm nghiên cứu từ VABIOTECH kịp quay về Việt Nam ngay sát thời điểm đóng cửa đường hàng không hồi cuối tháng 3. Mẫu cũng được chuyển về tới Việt Nam như dự định. Sau thời gian 14 ngày cách ly tập trung sau khi về nước, ban lãnh đạo công ty và nhóm nghiên cứu quyết định biến phòng thí nghiệm của VABIOTECH thành “phòng cách ly để nghiên cứu” bù đắp lại thời gian bị gián đoạn. Sau 1 tháng nỗ lực của nhóm nghiên cứu, dự tuyển vắc xin đã được hoàn thành để tiêm thử nghiệm trên chuột.

"Công nghệ mà VABIOTECH sử dụng trong sản xuất vắc xin COVID-19 lần này là công nghệ véc tơ vi rút thay vì các công nghệ vắc xin bất hoạt hay sống giảm độc lực như truyền thống. Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắc xin đại dịch. Nhờ nguồn kinh phí tài trợ, chúng tôi đã nâng cấp được hệ thống nuôi cấy tế bào Bioreactor vốn đã được trang bị gần 10 năm trước. Model thế hệ mới này thích ứng hơn với công nghệ véc tơ vi rút mà chúng tôi đang dùng”, ông Đạt chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Đạt, việc nghiên cứu sản xuất vắc xin COVID-19 trong thời gian dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc nhập nguyên liệu vào Việt Nam phục vụ cho việc nghiên cứu, chế biến vắc xin. Bên cạnh đó, các chuyên gia nghiên cứu gặp khó khăn khi học ở bên Anh trong điều kiện quốc gia này đóng cửa do dịch bệnh COVID-19.

Ông Đạt cho rằng dự án lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vắc xin mà cả thế giới đang trông đợi, mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vắc xin cho Việt Nam, nhất là các vắc xin đại dịch. Nếu trong tương lai xuất hiện thêm chủng coronavirus mới gây đại dịch ở người, với công nghệ sẵn có trong tay, chỉ cần “lắp ráp” phần gien của chủng vi rút mới vào là rất nhanh sẽ cho ra đời loại vắc xin mới, sẵn sàng và chủ động vắc xin phòng chống dịch bệnh cho người dân.

Hồ Quang