Khoảng trống cần lấp đầy về Trường Sa năm 1988

Văn hóa - Ngày đăng : 12:07, 13/03/2022

Cuốn "Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử" của Võ Hà (Phanbook & NXB Đà Nẵng, 2021) hơn 500 trang, là một bộ tài liệu chính thống có ý nghĩa thúc đẩy tiến trình tìm hiểu vấn đề Trường Sa từng bước được trực tiếp và tỏ tường hơn. Đây là công trình đầu tay của một cái tên rất mới trong giới viết khảo cứu lịch sử.

Sự kiện Trung Quốc khai hỏa, thảm sát, xâm chiếm Trường Sa của Việt Nam vào năm 1988, vì những tế nhị trong quan hệ ngoại giao, thường chỉ được nhắc lại một cách dè dặt trên báo chí và xuất bản nhiều năm qua. Trong khi, đặt trong bối cảnh quan hệ quốc tế và tranh chấp trên Biển Đông hiện tại, đây là một sự kiện lịch sử cần được soi tỏ thấu đáo để đi đến những nhận thức, hành động và bài học kịp thời.

Tác giả Võ Hà dành cho Người Đô Thị cuộc trao đổi thẳng thắn về cuốn sách đang gây chú ý của anh. Một Thế Giới đăng lại.

Chủ động trước “tiểu chiến tranh”

Có thể thấy vấn đề tranh chấp Trường Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đặc biệt trở nên nóng bỏng ngấm ngầm trên địa hạt ngoại giao, báo chí truyền thông và nghiên cứu ngay từ sau 1975, khi Việt Nam vừa thống nhất. Đặt trên bình diện rộng, đây là cuộc chiến có tương quan đặc biệt với cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Về phía Việt Nam, việc biên soạn sách trắng Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (các năm 1979 và 1982), các hoạt động khẳng định chủ quyền trên thực địa cho đến những thông điệp cứng rắn trên hai tờ báo chính thống Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân sau cuộc "hải chiến" Gạc Ma (14.3.1988) cho thấy rõ bản lĩnh và thái độ chính thức trước sự cậy thế vũ lực của Trung Quốc. Xin chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của anh khi sở đắc các mảnh sử liệu đầy “máu lửa”, tái hiện sự kiện bi tráng này đặc biệt trong phần thứ hai của cuốn sách?

Trước hết xin nói thêm rằng, tập sách gồm có 5 phần, ngoài phần I trình bày tổng quan về sự kiện Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép một bộ phận quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 (Gạc Ma ngày 14.3.1988), thì phần II như anh đặt vấn đề đã cho thấy rõ quan điểm, thái độ chính thức của nhà nước Việt Nam trong sự kiện này.

Đây chính là nội dung quan trọng nhất trong hệ thống cơ sở pháp lý đấu tranh khẳng định chủ quyền trong hiện tại và tương lai của nhà nước Việt Nam đối với Trường Sa năm 1988; và cũng vì thế tôi sắp xếp nội dung này ở phần đầu trong tổng số 4 phần về giới thiệu tư liệu của tập sách.

Tôi nhận thấy các tài liệu này rất giá trị, cần thiết khi đặt trong bối cảnh nghiên cứu về chủ đề liên quan hiện nay. Những ai quan tâm chủ quyền biển đảo sẽ biết rằng, số lượng sách về Biển Đông nói chung của Việt Nam còn rất hạn chế (nếu so sánh với Trung Quốc). Tôi có đọc các sách, tài liệu về sự kiện Trường Sa 1988 thì lại thấy càng ít, thông tin thiếu tính kết nối trong hệ thống một sự kiện.

empty.gif

Tác giả Võ Hà sinh năm 1984 tại Duy Xuyên - Quảng Nam, học sư phạm lịch sử; hiện sống và làm việc tại Ðà Nẵng - Ảnh: NVCC

Ở đây tôi chỉ nêu một câu chuyện nhỏ để minh họa cho giá trị của các tài liệu thuộc phần II có trong tập sách: trước khi hoàn chỉnh tập sách này, năm 2020, tôi có hỏi một chuyên gia Biển Đông (công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) rằng, anh có nội dung bản Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 14.3.1988 về việc tàu Trung Quốc nổ súng vào tàu vận tải của Việt Nam ở vùng biển quần đảo Trường Sa hay không, và xin sao chụp như thế nào. Thì tôi nhận được câu trả lời rằng “văn bản này mật, chỉ có đến Ủy ban Biên giới quốc gia chép tay; lúc anh làm luận án tiến sĩ cũng như vậy, không công bố”.

Vậy, nghĩa là các tư liệu mà mình sao chụp được trên báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân khi các báo này đăng nguyên văn các tài liệu này là có ý nghĩa quan trọng, để chúng ta biết rõ số lượng và nội dung tài liệu này một cách công khai, dễ dàng.

Ngày 14.3.1988, quân Trung Quốc bắn vào công binh và tàu HQ-604, HQ-605 của Việt Nam đang bám giữ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao khiến 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam tử trận, 9 người bị bắt. Đó là một cuộc thảm sát thực sự, khác với cách hiểu “hải chiến” (có sự chuẩn bị chủ động từ cả hai phía). Theo anh, câu chuyện được tái hiện trong cuốn sách từ lăng kính báo chí chính thống ngoài việc để sáng rõ thêm về một sự kiện lịch sử, thì còn có ý nghĩa hay bài học nào trong bối cảnh hiện tại, khi vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc vẫn còn phức tạp và luôn đe dọa bùng phát bạo lực từ phía bên kia?

Khi đọc lại diễn biến của sự kiện qua báo chí chính thống, bắt đầu từ thời điểm tháng 2.1988 đến hết tháng 6.1988, nhất là sự kiện Gạc Ma ngày 14.3.1988 thì tôi thấy có một vấn đề, cũng là bài học cần khẳng định lại và nhận thức rõ hơn. Đó là Việt Nam với quan điểm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nên về mặt quân sự không có động thái tương ứng với tính leo thang và âm mưu của Trung Quốc.

Mặc dù Việt Nam không mắc mưu “ai nổ súng trước”, nhưng lại bị mắc kẹt trong một âm mưu khác, đó là Trung Quốc đã tiến hành một “tiểu chiến tranh” hay chiến tranh chớp nhoáng để xâm chiếm lãnh thổ khi Việt Nam không sẵn sàng kịp cho tâm thế này; và trên thực tế, trước đó chiến tranh biên giới phía Bắc cũng có tính chất chiến tranh chớp nhoáng, chỉ khác về mục đích. Điều này để lại một bài học về cảnh giác cao độ đối với từng hành động của Trung Quốc trên Biển Đông nói riêng và các vấn đề liên quan an ninh quốc gia trong tất cả các hoạt động khác như kinh tế, văn hóa…, tránh trường hợp Trung Quốc thực hiện lại một “tiểu chiến tranh” ở Trường Sa; đồng thời, Việt Nam luôn cần đề cao tính tự chủ, tự lực, tự cường.

Với một sự kiện lớn liên quan đến một phần lãnh thổ đất nước, theo anh, vì những lý do gì mà suốt gần 35 năm qua, việc trình bày sử liệu về sự kiện này vẫn còn ít nhiều dè dặt?

Tôi nghĩ rằng, kể từ sau sự kiện Trường Sa 1988 và tiếp đó đặt trong tình thế “sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu”, thì Việt Nam và Trung Quốc đã cùng chuyển hướng có tính thay đổi căn bản - khi hai nước bình thường hóa quan hệ kể từ năm 1991. Trung Quốc với quan điểm “không muốn nhắc lại những việc đã rồi” nên có thái độ gây bất lợi mỗi khi Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền về chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, cũng như lên án các hành động xâm lược của Trung Quốc (biên giới phía Bắc, Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988…). Trong khi đó, Việt Nam cũng đang tranh thủ các cơ hội để phát triển, nhất là hợp tác với Trung Quốc, nên có phần “mềm mỏng” về việc này.

Tuy nhiên, một điểm có thể nhận thấy là khi bình thường hóa quan hệ, hai nước đã giải quyết được hai trong ba vấn đề biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại (ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc năm 1999 và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định Hợp tác nghề cá trên Vịnh Bắc Bộ năm 2000); nhưng còn một vấn đề chưa giải quyết, đó là vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa trên Biển Đông.

Riêng sự kiện Trường Sa 1988 lại càng khó khăn và chậm chạp hơn trong nghiên cứu và truyền thông so với các sự kiện khác liên quan (như chiến tranh biên giới phía Bắc chẳng hạn), bởi vì Trường Sa, Hoàng Sa nằm ở vị trí trọng yếu để thực hiện chủ trương bành trướng ở Biển Đông, mở rộng không gian sinh tồn của Trung Quốc, do vậy họ sẽ dùng mọi cách để ngăn cản các hành động gây bất lợi đối với việc thực hiện chủ trương này của họ. Đặt trong nguyên nhân sâu xa và bối cảnh đó, việc nghiên cứu về chủ đề như anh đã nêu chắc sẽ gặp nhiều khó khăn.



empty1.gif

Tác giả Võ Hà sinh năm 1984 tại Duy Xuyên - Quảng Nam, học sư phạm lịch sử; hiện sống và làm việc tại Ðà Nẵng - Ảnh: NVCC

Đọc “Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử”, có thể thấy rõ ràng tác giả rất có thể dấn bước xa hơn phạm vi thể loại “sưu tầm, biên soạn” để có những phân tích và quan điểm rõ ràng hơn trong nghiên cứu. Vì sao anh chọn sử dụng phương pháp an toàn là dừng lại ở trích lục và tái hiện sử liệu chính thống vào thời điểm này?

Do đặc thù của sử liệu mà tôi có là báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân liên quan về Trường Sa năm 1988, cho nên tôi chọn thể loại sách “sưu tầm, biên soạn” sẽ phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay, bởi hai lý do chính sau:

Tôi nghĩ việc biên khảo về một sự kiện lịch sử có tính chất quan trọng đối với một quốc gia (Việt Nam) và liên quan đến nhiều nước khác (nhất là Trung Quốc) như sự kiện ngày 14.3.1988 thì cần sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau (tốt nhất là cả sử liệu của Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác như: Liên Xô, Mỹ…) thì công trình sẽ có tính khoa học và tính khách quan của sự kiện lịch sử cao hơn; trong khi đó, hiện tại tôi chưa thể tiếp cận nhiều các nguồn sử liệu của các nước khác như mong muốn.

Đồng thời, việc “sưu tầm, biên soạn” được thể hiện như trong tập sách này với sử liệu chính thống của nhà nước Việt Nam thì tập sách sẽ xuất bản được thuận lợi hơn trong tâm thế có nhiều sự “e ngại” của các nhà xuất bản và cơ quan quản lý. Trên thực tế, tôi tiếp cận vấn đề khi thực hiện tập sách này giống như nhà sử học Yuval Noah Harari (tác giả sách Lược sử tương lai) với đại ý nếu bạn không công bố được 100% như ý muốn, nếu được 80% cũng đã tốt rồi.

“Sự thật ở Trường Sa”?

Đối tượng độc giả mà anh kỳ vọng hướng đến?

Trong bối cảnh sách báo về sự kiện Trường Sa 1988 còn rất ít, đồng thời tôi đặc biệt quan tâm đến sự hiểu biết của các bạn trẻ, các em học sinh về sự kiện này. Do vậy, tôi mong muốn tập sách được ra đời càng sớm càng tốt để cung cấp tài liệu hữu ích, sống động, góp phần lấp một khoảng trống trong lịch sử, nhất là trong nhà trường - nghĩa là sách dừng lại thể loại “sưu tầm, biên soạn” sẽ đáp ứng tốt mục tiêu này.

Hiện nay, trong Chương trình tổng thể 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung này sẽ đưa vào giảng dạy chính khóa, được nói đúng, nói đủ trong chủ đề: “Lịch sử bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông”, thì chúng ta có điều kiện đưa nội dung Trường Sa 1988 vào “giáo án”. Bởi vậy, sau khi sách được phát hành, có rất nhiều giáo viên môn lịch sử mà tôi quen biết quan tâm và đặt mua.

Anh có viết trong Lời đầu sách rằng sự hy sinh của các chiến sĩ Trường Sa ngày 14.3.1988 là hình ảnh mà anh và mỗi người Việt Nam không thể và không được phép quên. Vậy, theo anh, bản chất câu chuyện về sự hy sinh của họ trong những khúc mắc của lịch sử thông qua sự kiện 14.3 đã được thể hiện đầy đủ ở mức độ nào thông qua cuốn sách này?

Đây là một câu hỏi “đúng điểm ngứa” của tập sách, cũng như một số sách khác có đề cập về sự kiện ngày 14.3.1988. Sở dĩ tôi nói vậy, vì một vấn đề rất nhiều độc giả quan tâm là tâm thế hy sinh của các chiến sĩ Trường Sa vào sáng ngày 14.3, bởi tâm thế đó liên quan đến bản chất sự kiện này.

Tài liệu trong tập sách đã thể hiện rõ câu chuyện “ai nổ súng trước”, cụ thể là Việt Nam lúc đó với quan điểm giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình và luôn cảnh giác trước sự khiêu khích của Trung Quốc để khỏi mắc bẫy trở thành bên nổ súng trước.

empty2.gif

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 14.3.1988 (báo Quân Đội Nhân Dân 15.3.1988) - Ảnh: Tài liệu sử dụng trong sách

Điều này được thể hiện ở việc Việt Nam ngay từ tháng 2.1988 đã ra các tuyên bố ngoại giao khẳng định chủ quyền của mình ở quần đảo Trường Sa khi Trung Quốc khiêu chiến. Và trong sự kiện ngày 14.3.1988, trên tàu HQ-604, Lữ đoàn phó Trần Đức Thông, cán bộ chỉ huy đứng trước mũi tàu nhắc nhở chiến sĩ tỉnh táo không để mắc mưu khiêu khích của Trung Quốc khi ra lệnh với các chiến sĩ của mình: “Tất cả không được nổ súng khi tôi chưa ra lệnh!”.

Hoặc thiếu úy Trần Văn Phương và các chiến sĩ lên tiếng trả lời: “Hãy bỏ súng xuống! Không nên gây đổ máu!” khi lính Trung Quốc chĩa mũi súng vào mình trên đảo Gạc Ma. Lệnh “không nổ súng” ở đây với ý nghĩa không nổ súng trước để tránh “duyên cớ” gây chiến tranh, xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc.

Cùng với các chiến sĩ hải quân, thì trên Trường Sa lúc này có nhiều chiến sĩ công binh tham gia xây dựng đảo và chỉ một số ít được trang bị súng bộ binh để tự vệ. Các tài liệu trong sách cho thấy rõ diễn biến hay “sự thật ở Trường Sa” trong sự kiện ngày 14.3.1988, nó không đơn thuần là hải chiến, mà là một cuộc chiến tranh xâm lược, một cuộc thảm sát để gọi đúng bản chất sự kiện này. Tôi cho rằng, sự hy sinh của các chiến sĩ Trường Sa ngày 14.3.1988 là hình ảnh không thể nào quên và không được phép quên có hàm ý sâu xa của nó là vì vậy.

Trường Sa và Hoàng Sa vẫn là mối quan tâm nghiên cứu của anh trong thời gian tới?

Tôi luôn quan tâm đến chủ đề này trong nghiên cứu, tìm hiểu của mình. Tuy nhiên, một vấn đề tôi quan tâm hơn hiện nay và mong các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu cần tập trung hơn. Thứ nhất, riêng sự kiện Trường Sa 1988 sau tập sách này đến thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều khoảng trống cần tiếp tục lấp đầy, nhất là cần có một khảo cứu chuyên sâu hơn để có góc nhìn tổng thể hơn và đa chiều từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau (không chỉ là từ báo chí chính thống).

Thứ hai, nhà nước Việt Nam cần giao cho một cơ quan chức năng phù hợp (như Ủy ban Biên giới quốc gia) xây dựng thư mục thống kê toàn bộ các công trình đã xuất bản, các luận án, luận văn… để làm ngân hàng, hồ sơ pháp lý đấu tranh chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa; đồng thời nghiên cứu công bố, phổ biến công khai.

Và cuối cùng, cần đẩy mạnh nghiên cứu, khai thác các tư liệu lịch sử này để sản xuất các sản phẩm văn hóa (sách, truyện tranh, văn hóa phẩm, phim ảnh, kiến trúc, điêu khắc, văn học, nghệ thuật…) để phổ biến rộng rãi trong công chúng. Các công việc này trên thực tế nhiều năm qua Trung Quốc đã làm rất mạnh mẽ và đạt được mục tiêu.

Cảm ơn anh

Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện

Theo Người Đô Thị