Thu nhập thấp nhưng giá xăng của Việt Nam cao hơn nhiều nước
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:48, 14/03/2022
Hiện mỗi lít xăng RON95 tại Việt Nam có giá 29.820 đồng, tương đương 1,297 USD. Theo số liệu của Gas Petrol Price, mức bình quân của các nước là 1,29 USD một lít. Như vậy, giá xăng hiện tại của Việt Nam vẫn cao hơn so với mức bình quân của các nước.
Trong khu vực, giá xăng của Việt Nam cao hơn Campuchia (1,157 USD, tương đương 26.600 đồng); Malaysia (0,491 USD tức 11.300 đồng); Indonesia (0,895 USD, tức 20.560 đồng); Phillipines (1,261 USD, tương đương 28.978 đồng). Thậm chí, giá xăng của Việt Nam còn cao hơn cả Mỹ và Nga.
Với giá xăng hiện tại là 29.820 đồng/lít thì mỗi lít xăng chiếm khoảng 12,7% thu nhập bình quân một ngày người Việt Nam. Ở các nước khác, như Lào, giá xăng chiếm khoảng 19,9% thu nhập bình quân mỗi ngày của người dân; Singapore gần 1,3%; Thái Lan 7,5%; Campuchia 24,4%; Indonesia 7,5%; Phillipines là 13,4%...
Hiện nay, mỗi lít xăng ở Việt Nam đến tay người tiêu dùng đang phải cõng hơn 40% thuế phí, bao gồm thuế nhập khẩu 20%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10% giá bán và thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít. Ngoài ra còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới nhờ sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu.
So với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của Việt Nam vẫn thấp hơn mức bình quân chung, tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước khoảng 45-60% (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mở lớn thì thấp hơn).
Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu đang được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua được sử dụng hợp lý, giúp việc điều hành giá trong nước tăng/giảm ở mức độ phù hợp, không đột biến. Năm 2021 , quỹ bình ổn giá gần như liên tục được sử dụng để giữ ổn định hoặc hạn chế mức tăng giá, góp phần bình ổn giá và hỗ trợ đời sống, sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Trước bối cảnh giá xăng trong nước đang tăng phi mã, để kìm giá mặt hàng này, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường trên mỗi lít xăng từ ngày 1.4 tới.