Pfizer phát triển vắc xin chống mọi biến thể SARS-CoV-2, duy trì nguồn cung thuốc cho Nga
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 22:12, 14/03/2022
Cuộc tấn công của Nga khiến các nhà sản xuất thuốc phải tìm cách để những bệnh nhân đăng ký thử nghiệm lâm sàng ở Ukraine nhận được thuốc, trong khi hàng triệu người tìm nơi trú ẩn tránh các đợt bắn phá và chạy sang các nước láng giềng. Nga đã mô tả các hành động của họ ở Ukraine là "hoạt động đặc biệt".
Pfizer cho biết sẽ làm việc với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cùng các cơ quan quản lý khác để chuyển tất cả thử nghiệm lâm sàng sang các địa điểm thay thế bên ngoài Nga. Hãng dược Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp thuốc cho những bệnh nhân ở Nga đã đăng ký nghiên cứu.
Pfizer cho biết việc tự nguyện dừng chuyển thuốc đến Nga sẽ "vi phạm trực tiếp nguyên tắc cơ bản là đặt bệnh nhân lên hàng đầu".
"Việc kết thúc phân phối thuốc, bao gồm cả các liệu pháp điều trị ung thư hoặc tim mạch, sẽ gây ra đau đớn đáng kể cho bệnh nhân và có khả năng gây chết người”, Pfizer nói thêm.
Các nhà sản xuất dược phẩm và công ty thiết bị y tế phương Tây đã cảnh báo rằng kế hoạch tiếp tục bán sản phẩm sang Nga có thể trở nên phức tạp do lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này.
Ngoại trừ thuốc men và thiết bị y tế, các lệnh trừng phạt đã loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế, làm gián đoạn việc vận chuyển hàng hóa vào nước này.
Các công ty toàn cầu như McDonald's, Nestle và Sony đã quyết định dừng hoạt động ở Nga trước áp lực gia tăng từ người tiêu dùng phương Tây để phản đối cuộc tấn công Ukraine.
Pfizer cho biết sẽ quyên góp tất cả lợi nhuận từ các đơn vị của mình ở Ukraine cho hoạt động hỗ trợ người dân nước này. Không sở hữu hoặc vận hành bất kỳ cơ sở sản xuất nào ở Nga, Pfizer thông báo sẽ ngừng tất cả khoản đầu tư theo kế hoạch với các nhà cung cấp địa phương.
CEO Pfizer: Liều vắc xin COVID-19 thứ 4 cần thiết, đang phát triển vắc xin chống mọi biến thể SARS-CoV-2
Giám đốc điều hành Pfizer - Albert Bourla cho biết hãng dược chuẩn bị gửi dữ liệu liều vắc xin COVID-19 thứ 4 cho FDA.
Albert Bourla nói trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS News: “Ngay bây giờ, theo cách mà chúng tôi thấy, liều vắc xin thứ tư là cần thiết lúc này. Sự bảo vệ mà bạn đang nhận được từ liều vắc xin thứ 3, nó đủ tốt, thực sự khá tốt để ngăn những trường hợp nhập viện và tử vong. Thế nhưng nó không tốt để chống lại nhiễm vi rút. Chúng tôi chỉ gửi những dữ liệu này cho FDA và sau đó sẽ xem các chuyên gia bên ngoài Pfizer nói gì”.
Ông chia sẻ rằng Pfizer đang nghiên cứu để tạo ra một loại vắc xin COVID-19 có thể bảo vệ con người chống lại tất cả biến thể từng biết đến, bao gồm cả Omicron và duy trì hiệu lực ít nhất 1 năm. Giám đốc điều hành Pfizer ví đây như một đợt tiêm phòng cúm hàng năm.
“Chúng ta cần hiểu rằng COVID-19 sẽ không biến mất trong những năm tới. Chúng ta sẽ phải sống, học cách chung sống với nó. Điều đó hoàn toàn có thể vì chúng ta đang sống với rất nhiều loại vi rút khác”, Albert Bourla nói.
Albert Bourla cho biết dữ liệu sơ bộ về sự phát triển loại vắc xin này rất hứa hẹn, nhưng thông tin từ các nghiên cứu thử nghiệm sẽ không có sẵn cho đến cuối tháng 3.
Nghiên cứu cho thấy 2 liều vắc xin Pfizer-BioNTech đầu tiên suy yếu đáng kể với biến thể Omicron, dù mũi tiêm nhắc lại khôi phục phần lớn khả năng bảo vệ đó.
Theo Albert Bourla, các nhà khoa học Pfizer cũng thấy mũi tiêm tăng cường bắt đầu mất dần khả năng chống lại Omicron sau 3 hoặc 4 tháng, đồng nghĩa là có thể cần đến liều thứ 4.
Dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố vào tháng trước cũng cho thấy rằng mũi vắc xin tăng cường sẽ mất rất nhiều hiệu quả sau 4 tháng.
Một số quốc gia, trong đó có Israel, Chile và Thụy Điển, đã cung cấp liều vắc xin thứ 4 cho người lớn tuổi và các nhóm nguy cơ cao khác.
Số ca mắc COVID-19 trong đợt dịch Omicron ở Mỹ đã giảm đáng kể những tuần gần đây, sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 1.
Các quan chức y tế liên bang cho biết đang tiếp tục đánh giá xem liệu có cần thêm một liều vắc xin nữa không, đặc biệt là vào mùa thu, khi các ca COVID-19 dự kiến sẽ tăng trở lại.
Các nhà sản xuất vắc xin, bao gồm cả Pfizer và Moderna, chuẩn bị cập nhật mũi tiêm vào mùa thu này để nhắm mục tiêu vào biến thể nổi trội đang lưu hành.
Tiến sĩ Archana Chatterjee, chuyên gia về vắc xin và là hiệu trưởng Trường Y Chicago thuộc Đại học Rosalind Franklin (Mỹ), nói trong tương lai, nhiều chuyên gia y tế đồng ý rằng sẽ cần thêm liều vắc xin khác.
CDC hiện khuyến nghị người dân nên tiêm mũi vắc xin tăng cường sau 5 tháng nhận mũi thứ 2 Pfizer và Moderna hoặc 2 tháng sau khi nhận vắc xin Johnson & Johnson loại một liều.
Theo tiến sĩ Paul Offit, chuyên gia về vắc xin tại Bệnh viện Nhi Philadelphia (Mỹ), nếu cần phải tiêm mũi vắc xin COVID-19 bổ sung thì có thể sẽ không được khuyến nghị cho tất cả mọi người.
Ông nói những người sống trong viện dưỡng lão, người cao tuổi, những người bị suy giảm miễn dịch và những ai nguy cơ cao có thể được hưởng lợi từ liều vắc xin COVID-19 bổ sung.
Bill Hanage, nhà dịch tễ học của Đại học Harvard (Mỹ), đồng ý rằng có thể cần một liều vắc xin bổ sung cho một số nhóm nhất định, nói nồng độ kháng thể sẽ suy giảm hơn nữa trong mùa hè khi vi rút có thể tiếp tục lây lan ở mức thấp.
Theo ông, những người trẻ tuổi, ít có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nặng hơn không chắc sẽ được hưởng lợi từ liều vắc xin COVID-19 bổ sung.