Nga tấn công Ukraine, Tesla tăng giá ô tô điện ở Trung Quốc và Mỹ hai lần sau 5 ngày

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:18, 15/03/2022

Hôm 15.3, Tesla đã tăng giá tại Trung Quốc và Mỹ lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tuần, sau khi Giám đốc điều hành Elon Musk cho biết nhà sản xuất ô tô điện này phải đối mặt với áp lực lạm phát đáng kể.

Sự tăng giá diễn ra khi chi phí nguyên liệu thô tăng cao và trầm trọng hơn bởi cuộc khủng hoảng do Nga tấn công Ukraine. Tỷ phú Elon Musk cho biết hai công ty của ông là Tesla và Space X phải đối mặt với áp lực trong các lĩnh vực như nguyên liệu thô và hậu cần.

Tesla đã tăng giá tất cả mẫu ô tô điện của mình tại Mỹ. Tại Trung Quốc, Tesla đã tăng giá chiếc Model 3 và Model Y do nước này sản xuất lên thêm khoảng 5%, sau khi giá tăng vọt vào ngày 10.3.

Cách đây 5 ngày, Tesla đã tăng giá các mẫu ô tô điện SUV và sedan phổ biến của mình tại Trung Quốc và Mỹ thêm 1.000 USD.

Sau khi tăng giá tại Trung Quốc, ô tô điện Model Y Long Range có giá 375.900 nhân dân tệ (58.952,68 USD), tăng 18.000 nhân dân tệ so với ngày 10.3, thời điểm giá tăng 10.000 nhân dân tệ.

Giá ô tô điện Model 3 là 367.900 nhân dân tệ do tăng 18.000 nhân dân tệ hôm 15.3, sau mức tăng 10.000 nhân dân tệ 5 ngày trước.

tesla-tang-gia-o-to-dien-o-trung-quoc-va-my-hai-lan-trong-5-ngay.jpg
Ô tô điện Model 3 do Tesla sản xuất tại Trung Quốc trong một sự kiện giao hàng ở nhà máy của hãng thuộc thành phố Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Trong tweet hôm 13.3, Elon Musk nói rằng hai công ty của ông không đơn độc khi được hỏi về triển vọng tỷ lệ lạm phát. Ông đăng lại một bài viết nói rằng cuộc chiến giữa Ukraine và Nga đã đẩy giá hàng hóa lên mức cao nhất kể từ năm 2008.

Việc Nga tấn công Ukraine khiến giá kim loại được sử dụng trong ô tô tăng vọt, từ nhôm trong thân xe, palladium ở bộ chuyển đổi xúc tác cho đến niken cao cấp trong pin ô tô điện, và khách hàng ít khả năng chấp nhận chi trả.

Trong khi kim loại vẫn chưa phải là mục tiêu của các lệnh trừng phạt từ phương Tây, một số nhà giao hàng và hãng cung cấp phụ tùng ô tô đã loại bỏ hàng hóa của Nga, gây thêm áp lực lên các nhà sản xuất ô tô vốn đang quay cuồng vì thiếu chip và giá năng lượng cao hơn.

Giá nguyên liệu thô tăng cao đã làm dấy lên lo ngại về kinh tế ô tô điện, khi các nhà sản xuất ô tô cũ và các công ty khởi nghiệp chuẩn bị tung ra mẫu mới trong năm nay sau khi khắc phục các vấn đề liên quan đến tình trạng thiếu chip.

Ngoài ra, những thách thức địa chính trị phát sinh từ cuộc tấn công Ukraine đã ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy ở Mỹ và gây khó khăn cho các nhà cung cấp nguyên liệu thô trong việc báo giá.

Nhà phân tích Susannah Streeter của công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown (Anh) nói: “Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn không giảm bớt, trong khi cuộc tấn công Ukraine đã gây ra sự gián đoạn mới với nguồn cung nguyên liệu thiết yếu và sự gia tăng đáng lo ngại về giá cả”.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Wells Fargo (Mỹ) lưu ý rằng giá niken, một nguyên liệu quan trọng được sử dụng trong pin, đã tăng 130%, còn giá coban, lithium và nhôm tăng 16% đến 88% trong năm nay.

Trước đó, Gregory Miller, nhà phân tích tại công ty dự báo công nghiệp Benchmark Mineral Intelligence (Anh), cho biết giá niken, lithium và các vật liệu khác tăng cao đe dọa làm chậm và thậm chí tạm thời đảo ngược xu hướng giảm giá thành pin, bộ phận đắt nhất ô tô điện trong dài hạn. Điều này xảy ra khi chuỗi cung ứng đã gặp khó khăn bởi đại dịch và tình trạng thiếu chip toàn cầu.

Giá nguyên liệu thô tăng chắc chắn có khả năng làm trì hoãn tiến trình làm giá thành EV (ô tô điện) và ICE (ô tô động cơ đốt trong không được hỗ trợ bằng điện) trở nên tương đương, điều này có thể cản trở việc áp dụng rộng rãi hơn ô tô điện”, Gregory Miller nhận định.

Ông cho rằng năm nay có thể đánh dấu mức tăng đầu tiên so với năm trước về giá trung bình của pin lithium-ion.

Việc Nga tấn công Ukraine đẩy giá niken lên mức cao nhất trong 11 năm qua do lo ngại xuất khẩu từ nhà sản xuất hàng đầu là Nga có thể bị gián đoạn. Giá lithium cũng tăng, hơn gấp đôi kể từ cuối năm 2021, do nguồn cung giảm so với nhu cầu tăng.

Nga sản xuất khoảng 7% lượng niken được khai thác trên thế giới, đồng thời là nhà cung cấp nhôm và paladi lớn.

Công ty sản xuất ô tô điện Rivian Automotive thông báo sẽ cắt giảm một nửa sản lượng theo kế hoạch, trong khi Toyota Motor cho biết sẽ giảm quy mô sản xuất do các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Sơn Vân