Một số cây xăng tạm đóng cửa là thật vì nhập hàng từ Nghi Sơn

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:52, 16/03/2022

“Hiện tượng một số cây xăng đóng cửa với lý do không có nguồn cung là có thực, vì những của hàng này nhận xăng dầu từ Nghi Sơn, mà nhà máy này giảm đột ngột thì không thể trách những cửa hàng này có ngay được lượng xăng dầu”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Ngày 16.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng, điều hành giá xăng dầu.

Các đại biểu đề cập đến tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xung đột Nga - Ukraine tác động đến giá xăng dầu, giá mặt hàng này trong nước liên tục tăng, ảnh hưởng lớn sản xuất kinh doanh; đề nghị làm rõ tình trạng khan hiếm nguồn cung, "găm hàng", các đại lý treo biển hết hàng ở một số địa phương; trách nhiệm của bộ trong công tác điều hành, cung ứng xăng dầu và các giải pháp trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, những ngày qua, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến bởi lý do cơ bản là đứt gãy nguồn cung ở một số nước có sản lượng lớn, cũng như căng thẳng Nga - Ukraine. Những điều này khiến cho thị trường xăng dầu thế giới đảo lộn, tăng biên độ từ 40 - 60%. Còn trong nước lại gặp những khó khăn từ nguồn cung do Nghi Sơn - nhà máy cung ứng 35 - 40% sản lượng dầu trong nước mỗi tháng.

“Sản lượng nhà máy Nghi Sơn giảm một cách đột ngột, có lúc công suất giảm xuống chỉ còn 55%. Những thời điểm cao hơn trong 3 tháng qua chỉ lên 80% công suất”, ông Diên thông tin.

6d8a1704-48b4-4890-9670-969d3d628aa6.jpeg
Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn

Theo ông Diên, ngay từ tháng 1, bộ đã trực tiếp chỉ đạo hệ thống của mình, trong đó yêu cầu tất cả doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu kinh doanh xăng dầu phải nhập đủ sản lượng do nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt để đảm bảo đủ nguồn cung trong nước.

“Đến giữa tháng 2 nguồn cung xăng dầu trong nước khẳng định là đủ đáp ứng đến hết tháng 3. Sản lượng dầu chúng ta dùng trong mỗi tháng bình quân khoảng là 1,8 - 1,9 triệu m3, mà chúng ta có khoảng 3 triệu m3 ở giữa tháng 2. Điều này đồng nghĩa với việc hết tháng 3 chúng ta vẫn đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu”, ông Diên nói.

Ông Diên cũng cho hay, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu trong tháng 3 vượt sản lượng nhập khẩu bình thường. Mỗi tháng thông thường nhập khẩu 500.000m3, nhưng theo chỉ đạo của bộ là nhập gấp 2 lần. Nguồn cung xăng dầu không lúc nào thiếu.

Liên quan đến công tác thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Hồng Diên cho hay, cả nước có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 16.800 cửa hàng. Đã xử lý được những cửa hàng vi phạm, số cửa hàng vi phạm rất ít (211 cửa hàng).

“Hiện tượng một số cây xăng đóng cửa với lý do không có nguồn cung là có thực. Bởi vì những của hàng này nhận xăng dầu từ Nghi Sơn, mà nhà máy này giảm đột ngột thì không thể trách những cửa hàng này có ngay được lượng xăng dầu” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đặt vấn đề các nhà máy lọc dầu trong nước đóng vai trò như thế nào trong bối cảnh hiện nay để chúng ta chủ động về nguồn cung, bình ổn giá. Ngoài quỹ bình ổn giá, ĐB Bé đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra giải pháp căn cơ hơn, ổn định hơn để quản lý tốt về cung ứng xăng dầu, bình ổn giá.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh đây là “ẩn số trong phương trình” để giải bài toán về nguồn cung xăng dầu. Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư, hoạt động tốt, cung ứng khoảng 30-35% lượng xăng dầu trong nước. Trong khi đó, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn do liên danh đầu tư, trong đó có PVN, hoạt động đang gặp khó khăn về tài chính.

Theo Bộ trưởng, các cơ quan liên quan đang khẩn trương làm việc với các liên danh để giải quyết các khó khăn. "Chúng tôi đã đề nghị, khi PVN cam kết chắc chắn sản lượng từ Nghi Sơn đủ cung ứng thị trường, thì Bộ Công Thương mới dừng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm", Bộ trưởng nói và cho biết Bộ Công Thương đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến các nhà máy lọc dầu.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh đến việc rà soát để nâng cao hiệu quả của quỹ bình ổn giá xăng dầu, trong đó tính toán về quy mô của quỹ, xem xét nguồn tạo quỹ từ ngân sách hay nguồn nào.

Về điều hành giá, ông Nguyễn Hồng Diên thông tin, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính để điều hành linh hoạt. Sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Qua đó, biên độ tăng giá xăng dầu Việt Nam (từ 29-40%) thấp hơn so với thế giới (tăng từ 40-60% tùy mặt hàng).

Tuy nhiên hiện nay, dư địa điều chỉnh của Quỹ Bình ổn giá không còn nhiều. Hai bộ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường. Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế, sử dụng các quỹ bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cơ sở bán lẻ xăng dầu cố tình găm hàng tăng giá.

Lam Thanh