Xăng dầu làm nóng nghị trường, công an kiên quyết xử lý vi phạm
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:38, 16/03/2022
Những ngày qua, người dân đã đổ xô đến các cây xăng mua tích trữ khi xăng tăng giá. PV ghi nhận thực tế thấy rõ tâm lý lo lắng của người dân khi giá xăng sau những lần tăng liên tiếp đang ở mức cao, kéo theo những mặt hàng thiết yếu cũng leo thang từng ngày…
Đã có thời điểm người dân vây kín một số cây xăng ở Đồng Nai để mua xăng dầu tích trữ, điều này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nhất là thời điểm mùa khô đang gần kề. Ngoài ra, xuất hiện tình trạng một số cây xăng vì lợi nhuận cũng tăng giá bất chấp quy định của nhà nước, vượt mức giá trần, gây thiệt hại cho khách hàng.
Xăng tăng giá cao, cùng với chuyên án xăng giả, xăng dầu lậu vì vậy cũng làm nóng nghị trường quốc hội, nhận được sự quan tâm của các đại biểu quốc hội trong phiên chất vấn sáng 16.3.
Thông tin về vụ buôn lậu, sản xuất xăng giả ở Đồng Nai, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết chuyên án xăng giả 920G tại Đồng Nai đã kết thúc điều tra giai đoạn 1, bắt và xử lý 100 bị can, phối hợp xử lý các đối tượng có liên quan trong quân đội, trong đó có 99 bị can về tội "buôn lậu", 1 bị can về tội "nhận hối lộ".
Cơ quan chức năng đã "tạm giữ 2,5 triệu lít xăng, kê biên tạm giữ 16 tàu thủy và nhiều phương tiện khác; tạm giữ số tiền trên 212 tỉ đồng, gần 300.000 USD; phong tỏa 30 tài khoản với số tiền gần 100 tỉ đồng, tạm giữ 51 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhiều tài sản có giá trị khác", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết và nói Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng giai đoạn 2 vụ án này.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết thời gian gần đây tình trạng gia tăng hoạt động buôn lậu gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng cấm... có xu hướng diễn biến rất phức tạp.
Hoạt động đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh trái phép, buôn bán hàng giả liên quan trang thiết bị vật tư, y tế, mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng chống dịch bệnh xảy ra nhiều ở các địa phương.
Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới diễn biến phức tạp do giá vàng trong nước và thế giới cùng tăng mạnh và chênh lệch ở mức cao.
Cùng với đó là xuất hiện tình trạng đầu cơ xăng dầu, găm hàng chờ lên giá, xuất lậu, nhập lậu; pha chế làm giả xăng dầu, tuồn ra thị trường để tiêu thụ.
"Xăng dầu là vấn đề các đại biểu quan tâm, diễn biến hoạt động buôn lậu, sản xuất hàng giả mặt hàng này vẫn còn rất phức tạp. Vừa qua Bộ Công an nỗ lực đấu tranh vụ sản xuất xăng giả ở các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Đồng Nai...", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, Bộ Công an đã phối hợp các bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp công tác.
Cụ thể là tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện các vi phạm, tội phạm phát sinh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, vàng, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19 và những vấn đề phức tạp nổi lên để chuẩn bị các điều kiện về lực lượng, phương tiện nghiệp vụ, chủ động sẵn sàng tấn công, trấn áp tội phạm.
Huy động tối đa lực lượng để tăng cường cho cơ sở, triển khai đồng bộ, có chiều sâu các biện pháp nghiệp vụ, xác định rõ các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng trọng điểm, đối tượng cầm đầu các đường dây buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả để tập trung đấu tranh, triệt phá.
Công an phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng như quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển trong công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp nhận và xử lý tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố; công tác điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.