150 tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi được trưng bày tại triển lãm Pháp
Văn hóa - Ngày đăng : 16:19, 16/03/2022
Hàm Nghi (1871-1944) – vị hoàng đế thứ 8 của triều Nguyễn là một trong những nghệ sĩ người Việt đầu tiên được đào tạo bởi các họa sĩ và điêu khắc gia Pháp.
Hàm Nghi có tên húy Nguyễn Phúc Ưng Lịch. Sau khi phất cờ khởi nghĩa Cần Vương, ông đã bị kẻ phản bội chỉ điểm và bị thực dân Pháp bắt đày sang thủ đô Alger của Algeri năm 1888 vào năm 18 tuổi. Chính trong thời gian sống lưu đày ở Alger, ông đã trở thành một nghệ sĩ, vẽ rất nhiều tranh theo phong cách phương Tây.
Tranh của Hàm Nghi chịu ảnh hưởng của trường phái ấn tượng, hậu ấn tượng của Pháp và châu Âu, qua người thầy dạy vẽ trực tiếp cho ông 15 năm là hoạ sĩ Pháp Marius Reynaud sống ở Algeri. Ngoài ra, Hàm Nghi cũng từng là học trò của nhà điêu khắc nổi tiếng Auguste Rodin.
Sinh thời, năm 1926, cũng tại Paris, Vua Hàm Nghi đã lần đầu ra mắt công chúng bằng cuộc triển lãm cá nhân với 38 bức tranh sơn dầu, 12 bức tranh pastels và 8 tượng, trong đó có bức Chiều tà.
Vua Hàm Nghi thực sự là một họa sĩ hiện đại đầu tiên của nền hội họa Việt Nam, một nền hội họa mà đến những năm đầu thế kỷ 20 mới hình thành, khi Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập (1925).
Và lần đầu tiên hơn 150 tác phẩm, vật thể và tài liệu của nghệ sĩ Hàm Nghi, được thu thập từ các bộ sưu tập tư nhân và từ các viện bảo tàng ở Paris, sẽ được trưng bày tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật châu Á của thành phố Nice, miền nam nước Pháp, từ ngày 19.3 đến ngày 26.6. Triển lãm này mang tên "Nghệ thuật lưu vong (L'Art en exil) do Amandine Dabat, hậu duệ 5 đời của vua Hàm Nghi đứng ra tổ chức.
Amandine Dabat cũng chính là tác giả của cuốn sách Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger (tựa gốc: Ham Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger) xuất bản năm 2019 tại Pháp. Tác phẩm này chủ yếu dựa trên luận án tiến sĩ của cô về Hàm Nghi.
Trước đó, vào năm 2016, cô Dabat cũng đã có một triển lãm tranh, tượng của vua Hàm Nghi tại Paris, mở cửa từ 13.9 tới 5.11.2016 gây tiếng vang lớn, khẳng định thiên chất một họa sĩ lớn ở Hoàng tử An Nam (cũng là "tên" chính thức của vua Hàm Nghi trong hộ chiếu Pháp) bị lưu đày.
Về sự nghiệp của điêu khắc gia Hàm Nghi, cô Amandine Dabat cho biết trên trang RFI.fr của Pháp:
“Hàm Nghi bắt đầu thực hiện các tác phẩm điêu khắc rất có thể là từ năm 1895. Vết tích đầu tiên này có trong một bức thư mà chúng ta còn giữ được, đề cập đến việc ông tạc tượng. Ông gặp được Auguste Rodin vào khoảng năm 1899. Hàm Nghi thậm chí đã tặng cho Rodin một trong những bức tranh do chính ông vẽ, mà hiện còn được lưu giữ ở Viện Bảo tàng Rodin và sẽ được trưng bày ở Nice.
Khi hai người gặp nhau, Rodin tiếp Hàm Nghi trong xưởng điêu khắc của ông. Rodin không có các học trò chính thức, nhưng tại xưởng của mình, ông đã đào tạo nhiều điêu khắc gia, nhiều nghệ sĩ. Chính Rodin đã dạy cho Hàm Nghi những nguyên tắc tổng quát về điêu khắc.
Tác phẩm điêu khắc xưa nhất của Hàm Nghi còn được lưu giữ là có từ 1915 -1920. Người ta có thể thấy rõ dấu ấn của Rodin, phong cách của Rodin, cách mà ông thể hiện các cơ bắp. Các tác phẩm điêu khắc của Hàm Nghi vay mượn rất nhiều của Rodin".
Vào thời điểm mà Hàm Nghi đến Alger, Việt Nam chủ yếu chỉ có thủ công và những nghệ nhân xuất sắc nhất chỉ là những người sao chép. Hàm Nghi đã khám phá mỹ thuật phương Tây và đã ngay lập tức quan tâm đến những họa sĩ phương Tây mà ông cho là xuất sắc nhất, đó là các họa sĩ trường phái ấn tượng, hậu ấn tượng, dựa theo phong cách của họ để vẽ nên các tác phẩm của ông. Nhưng có một điểm khác giữa Hàm Nghi với những họa sĩ phương Tây đi trước ông, đó là ông không hề quan tâm đến xã hội công nghiệp, không vẽ tranh về xã hội chung quanh ông.
Trong các tác phẩm của Hàm Nghi, người ta thấy ông chỉ chú tâm vào thiên nhiên phong cảnh mà né xa xã hội đương đại. Ông thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên trên các bức tranh, hiệu ứng của ánh sáng.
Chúng ta có thể hiểu sự chọn lựa này nếu biết rằng trong suốt cuộc đời ông, Hàm Nghi vẫn bị nhà chức trách Pháp xem là một nhà hoạt động chính trị, thường xuyên bị mật vụ Pháp theo dõi khi ông đến nước Pháp chính quốc. Báo chí Pháp cũng theo sát nhất cử nhất động của ông.
Việc chỉ vẽ về thiên nhiên không chỉ là cách để ông thể hiện tâm trạng cô đơn, cảnh sống lưu vong, mà còn là cách để ông tách rời khỏi thế giới quanh ông, bảo toàn sự tự do của ông.
Có thể nói đây là cách để ông “lách” kiểm duyệt của Pháp.
Khi xem các tranh của Hàm Nghi, người ta không biết là ông vẽ lại những kỷ niệm về mà ông còn giữ lại, cũng như không biết là ông vẽ cảnh nước Pháp hay nước Algéri. Nói chung, ông sẽ thiên nhiên một cách rất phổ quát, không phân biệt nước này hay nước kia. Ông vẽ nước Pháp hay Algeri đều như nhau, điều ông quan tâm duy nhất là vẻ đẹp của thiên nhiên.
Khách đến xem triển lãm các tác phẩm của Hàm Nghi chắc cũng sẽ rất thích thú khi biết được rằng hoàng thân An Nam cũng là một trong những học trò của điêu khắc gia nổi tiếng Auguste Rodin, một trong những niềm tự hào của dân Pháp.
Sau cuộc triển lãm ở Nice, Amandine Dabat cho biết cô rất muốn các tác phẩm của Hàm Nghi được giới thiệu trong các cuộc triển lãm khác. Cô cũng đang nóng lòng chờ lúc Việt Nam mở cửa biên giới trở lại để quay lại Việt Nam. Lần cuối cùng mà cô đến Việt Nam là vào tháng 2.2020. Amandine Dabat tin rằng còn có thể tìm thấy những tài liệu, vật thể liên quan đến Hàm Nghi trong các kho tư liệu ở Việt Nam, ở Pháp và ở Algeri.