Lý do Hồng Kông rơi vào thảm cảnh như Vũ Hán đầu 2020 với tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:20, 16/03/2022
Các bệnh viện tại Hồng Kông tràn ngập người, nhà xác và lò hỏa thiêu quá tải khi số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tăng cao. Các nhân viên chăm sóc sức khỏe báo cáo tình trạng kiệt sức và tinh thần thấp khi làm việc 80 giờ một tuần.
Ngoài ra, các viện dưỡng lão cũng đang bị tàn phá, với tỷ lệ tiêm vắc xin thấp ở những người lớn tuổi, khiến tỷ lệ tử vong trên đầu người do COVID-19 ở Hồng Kông lên mức cao nhất thế giới, theo trang Our World in Data.
Calvin Kong, bác sĩ cấp cứu tại một bệnh viện công, cho biết ông và các đồng nghiệp đang ở trong một “địa ngục trần gian”, gợi lại ký ức những ngày đầu đại dịch ở Vũ Hán, nơi vi rút SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện vào cuối năm 2019.
Ông nói: “Chúng tôi có rất nhiều thời gian và kinh nghiệm, nhưng chúng tôi vẫn phải gánh chịu sự cố hệ thống chăm sóc sức khỏe. Các cơ quan y tế đã không rút ra được bài học nào sau 2 năm".
Sự bùng phát dịch vì biến thể Omicron đã gây ra cú sốc với thành phố 7,4 triệu dân, nơi chiến lược Zero COVID gồm xét nghiệm hàng loạt, truy tìm liên lạc, đóng cửa biên giới và các yêu cầu cách ly nghiêm ngặt giữ cho số ca nhiễm và tử vong ở mức tối thiểu trong gần 2 năm.
Trong khi các chuyên gia đồng ý rằng cách tiếp cận này có hiệu quả với Hồng Kông ở thời kỳ đầu đại dịch, các nhà phê bình cho rằng nó cũng tạo ra sự tự mãn và chính quyền không chuẩn bị trước cho một đợt bùng phát dịch mà nhiều người cảnh báo là không thể tránh khỏi.
Ben Cowling, chủ nhiệm bộ môn dịch tễ học tại Đại học Y tế Công cộng Hồng Kông, nhận định: “Các biện pháp Zero COVID cuối cùng sẽ không ngăn được vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập. Chúng sẽ chỉ trì hoãn việc này. Ở Hồng Kông, chúng tôi sẽ không thể ngăn chặn một đợt bùng phát dịch sau khi nó được hình thành và đó chính xác là những gì đã xảy ra bây giờ”.
Omicron đang tàn phá Hồng Kông theo cách mà nó đã làm ở những nơi khác trên thế giới. Đã có hơn 740.000 ca mắc COVID-19 ở Hồng Kông kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát vào cuối tháng 12.2021. Thế nhưng các nhà nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông ước tính rằng 3,6 triệu người, hoặc gần một nửa dân số, đã nhiễm vi rút trong đợt dịch Omicron hiện tại.
Các đợt bùng phát dịch Omicron tương tự đang xảy ra ở Singapore và New Zealand, những nước đang chuyển đổi sang sống chung với SARS-CoV-2 thay vì loại trừ hoàn toàn. Sự khác biệt là trong khi các nước trên đã có kế hoạch chi tiết về cách kiểm soát COVID-19 thì chính quyền Hồng Kông lại không.
Adrian Kwan, bác sĩ nội trú tại một bệnh viện công, cho biết: “Chính quyền và cơ quan quản lý bệnh viện đã không chuẩn bị cho sự bùng phát dịch bệnh. Họ không có kế hoạch dự phòng cho đến cuối tháng 2. Họ đã không lường trước được những gì sẽ làm khi có sự bùng phát dịch ở các cơ sở, nhà người già trong trường hợp này”.
Việc ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 ở Hồng Kông phụ thuộc vào cắt đứt các chuỗi lây truyền ngay khi chúng xuất hiện. Bất kỳ người nào nhiễm SARS-CoV-2 đã được xác nhận, ngay cả khi không có triệu chứng, thì đều phải nhập viện, trong khi những người tiếp xúc gần họ sẽ bị đưa đến cơ sở cách ly của chính quyền trong tối đa 3 tuần. Thế nhưng, khi Omicron thống trị, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh hơn mức các quan chức có thể phản ứng.
Ngay cả trong bối cảnh số người chết do COVID-19 ngày càng gia tăng (tổng cộng 4.566, nhiều hơn ở Vũ Hán), chính quyền Hồng Kông vẫn chậm chạp trong việc điều chỉnh chiến lược của mình, hiện được gọi là Dynamic zero COVID. Trong những tuần gần đây, các quan chức đã công bố kế hoạch xét nghiệm hàng loạt và xây dựng thêm các cơ sở cách ly, khiến các chuyên gia y tế công cộng bối rối vì cho rằng ưu tiên nên là cứu mạng người.
Sự hoang mang của công chúng về thời điểm tiến hành xét nghiệm hàng loạt, cũng như việc liệu nó có đi kèm với đợt phong tỏa thực sự đầu tiên của Hồng Kông không, đã gây ra các đợt mua bán hoảng loạn và khiến người dân tháo chạy khỏi thành phố.
Tuần trước, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông - Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã thông báo về một sự thay đổi lớn, nói rằng xét nghiệm hàng loạt sẽ bị hoãn lại trong khi chính quyền tập trung vào việc giảm số người chết và mắc COVID-19 nặng.
Sự thay đổi này phù hợp với khuyến nghị của các quan chức Trung Quốc, những người đã can thiệp sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ sự không hài lòng với việc Hồng Kông xử lý dịch bùng phát. Trung Quốc cũng đang đối phó với đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất trong 2 năm, với nhiều thành phố bị phong tỏa, trong đó có Thâm Quyến, thành phố 17,5 triệu dân ngay bên kia biên giới với Hồng Kông.
Dù cho biết các quan chức đã làm hết sức mình để kiểm soát đại dịch, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga thừa nhận họ đã không làm đủ để khuyến khích người lớn tuổi đi tiêm vắc xin COVID-19. Chỉ khoảng 35% cư dân từ 80 tuổi trở lên đã tiêm 2 liều vắc xin COVID-19, so với hơn 80% của những người từ 12 tuổi trở lên.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt nói trong cuộc họp báo: “Chúng tôi cần bắt kịp và tiêm vắc xin cho mọi người dân Hồng Kông”.
Chính quyền cho biết các nhóm tiếp cận vắc xin sẽ đến thăm mọi viện dưỡng lão trong thành phố vào cuối tuần này.
Những người lớn tuổi, đôi khi theo lời khuyên của bác sĩ hoặc thành viên gia đình, đã chống lại việc tiêm vắc xin COVID-19 vì lo ngại các tác dụng phụ có thể xảy ra. Những người khác chỉ đơn giản là không cảm thấy họ có nguy cơ bị lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở một thành phố “Zero COVID”.
Annisa Lee, phó giáo sư báo chí tại Đại học Trung văn Hồng Kông chuyên về truyền thông sức khỏe, nói: “Không khoan nhượng với COVID-19 trong xã hội khiến bạn cảm thấy mình không có khả năng hoặc không nên mắc bệnh. Nếu vậy, chắc chắn có điều gì đó bạn đã làm sai".
Vào tháng 1, các phần của khu nhà ở công cộng Kwai Chung (Hồng Kông) đã bị phong tỏa trong tối đa 1 tuần để xét nghiệm hàng loạt sau khi đợt bùng phát dịch gây xôn xao khắp thành phố.
Cư dân Susan So (31 tuổi) cho biết: “Tôi cảm thấy bị xa lánh dù không hề bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Chính quyền đã làm cho vụ bùng phát dịch trở nên kinh hoàng đến nỗi nhiều người nhìn tôi ở một góc độ khác, chỉ vì tôi sống trong khu nhà ở đó. Sự hoảng loạn này là không cần thiết”.
Sự lo lắng của công chúng về bùng phát dịch tăng cao đi kèm với việc kỳ thị liên quan đến COVID-19, tạo ra nỗi sợ hãi dữ dội về chính căn bệnh này cũng như ý tưởng bị buộc phải cách ly. Những người mắc COVID-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng đã tràn vào bệnh viện và gọi xe cấp cứu, trong khi những người khác hy vọng tránh được sự quản thúc của chính quyền đã chọn cách giấu tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 và lặng lẽ hồi phục tại nhà.
Evelyn Wong (31 tuổi) cho biết anh do dự báo cáo tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 của mình sau khi xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính vì sợ sẽ ảnh hưởng đến những người khác như thế nào.
“Tôi lo lắng rằng tất cả bạn bè của tôi sẽ bị cách ly khi chính quyền quyết định truy tìm chuỗi lây truyền và họ có thể đổ lỗi cho tôi”, anh nói.
Quá choáng ngợp trước số ca mắc COVID-19, chính quyền Hồng Kông đã nhượng bộ một số điều, cho phép những người tiếp xúc gần được cách ly tại nhà cùng F0 đang chờ được đưa vào cơ sở cách ly hoặc bệnh viện. Các quan chức cũng từ bỏ việc cấp vòng đeo tay theo dõi điện tử cho những người cách ly tại nhà.
Những cư dân quen với việc chính quyền quản lý từng F0 đơn lẻ có thể mất phương hướng vì không tìm được sự giúp đỡ.
Khi có kết quả xét nghiệm dương tính tại một bệnh viện công vào đầu tháng trước, Justin Ho (44 tuổi) muốn đến cơ sở cách ly để tránh lây SARS-CoV-2 cho cha mẹ mình. Thế nhưng Justin Ho nói cơ quan y tế không bao giờ theo dõi sau khi khuyên anh về nhà. Hậu quả là cha mẹ Justin Ho nhiễm SARS-CoV-2, nhưng họ đều đã bình phục.
“Tôi không sợ căn bệnh này, nhưng tôi cảm thấy bất lực khi biết mình đang bị chính sách của chính quyền đùa giỡn”, Justin Ho thổ lộ.