Chuyên gia khẳng định bụi mù sẽ uy hiếp an toàn bay
Sự kiện - Ngày đăng : 15:45, 19/07/2020
Sau phản ánh về tình trạng bụi xuất hiện mù mịt trong khu vực cảng hàng không quốc tế Phú Bài chiều ngày 16.7 khiến nhiều người lo lắng, các chuyên gia hàng không trong nước và quốc tế đã phân tích cụ thể tác hại của môi trường xấu đối với quá trình cất, hạ cánh của máy bay cùng những ảnh hướng nghiêm trọng đến an toàn của hành khách và phi hành đoàn.
Với nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực hàng không ở châu Âu, chuyên gia hàng không Nguyễn Minh Đồng khẳng định: “Nếu trong trường hợp bụi mù mịt, quá trình cất cánh không thể được diễn ra. Quá trình hạ cánh cũng sẽ mất an toàn, tuy nhiên đối với những sân bay có hệ thống hạ cánh tự động thì vẫn đảm bảo, ở Việt Nam rất ít sân bay có hệ thống hạ cánh tự động”.
Cụ thể, ông Đồng phân tích, nếu như máy bay khởi động và cất cánh trong môi trường khói bụi thì tuabin của máy bay sẽ hút bụi vào trong, nhiều trường hợp hy hữu sẽ gây cháy ngoài, ảnh hưởng nặng nề đến an toàn của hành khách. Đặc biệt nhất, môi trường bụi sẽ gây khuất tầm nhìn của phi công, thời điểm cất cánh là thời điểm người điều khiển máy bay phải tập trung cao độ.
“Đối với quá trình hạ cánh cũng vậy, nếu môi trường ở sân bay đang bụi mù mịt thì máy bay không thể đáp xuống, theo tôi biết thì chắc chắn sân bay Phú Bài không có hệ thống hạ cánh tự động cho máy bay, nên buộc phi công phải quan sát rất kỹ khi đáp xuống để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra”, ông Đồng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên, PGS-TS Lý Hùng Anh, khoa Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, trong các quy định về hàng không thì môi trường bụi mù mịt được gọi là uy hiếp an toàn bay, lúc đó nếu máy bay được phép cất – hạ cánh là không phù hợp, nếu gặp điều kiện môi trường như vậy thông thường các máy bay sẽ lùi giờ cất cánh hoặc hạ cánh.
PGS-TS Hùng Anh bất ngờ với những hình ảnh và video ghi nhận môi trường tại cảng hàng không quốc tế Phú Bài: “Bụi như thế là quá kinh khủng, trong điều kiện như vậy phi công rất khó quan sát để đảm bảo an toàn. Chưa kể động cơ máy bay sẽ hút bụi vào đốt ảnh hưởng về lâu dài đối với động cơ. Cùng với đó, các thiết bị bay và thiết bị mặt đất như máy đo tốc độ, đài không lưu… có thể bị ảnh hưởng ít nhiều là điều không tránh khỏi”.
Cả chuyên gia Nguyễn Minh Đồng và PGS-TS Lý Hùng Anh đều chung quan điểm rằng, nếu thi công xây dựng gần khu vực sân bay thì nên có biện pháp hạn chế tối đa bụi mù, có thể là làm hệ thống tưới nước thường xuyên, hoặc có thể làm hàng rào ngăn bụi, tình trạng bụi như vậy nếu xảy ra thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến máy bay rất nhiều.
Như Một Thế Giới đã thông tin, ngày 16.7, một người dân đã quay lại hình ảnh bụi như “bão cát” tại cảng hàng không quốc tế Phú Bài, lúc đó tại sân bay có 1 máy bay của Vietnam Airlines đang đỗ cùng nhiều phương tiện mặt đất khác đang hoạt động. Sau đó đại diện cảng hàng không quốc tế Phú Bài có xác nhận sự việc.
Trả lời báo chí, ông Đỗ Chí Thành, Giám đốc cảng hàng không quốc tế Phú Bài cho biết tình trạng trên xảy ra do gặp phải 1 cơn lốc xoáy, gió đưa bụi vào khu vực sân bay và đơn vị đã có giải pháp chuyển sân đỗ cho máy bay để tránh bụi. Ông Thành cũng thừa nhận rằng việc xây dựng dự án nhà ga hành khách T2 – cảng hàng không quốc tế Phú Bài có gây bụi nhưng chưa đủ để gây ảnh hưởng đến an toàn các chuyến bay.
Ngược lại, từ nhiều nguồn tin của người dân cho biết, khoảng 18 giờ chiều ngày 16.7, tại khu vực gần Cảng hàng không quốc tế Phú Bài không có cơn lốc xoáy nào xảy ra, chỉ có gió vừa.
Quế Sơn