Làm giàu từ con tôm công nghệ cao
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:04, 17/03/2022
Đến cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang hỏi đến tên ông Tuấn Hiền - biệt danh của anh Ngô Minh Tuấn (44 tuổi), rất nhiều người biết đến. Đó là tấm gương lao động giỏi, làm giàu từ mô hình nuôi tôm trang trại theo hướng công nghệ cao.
Trước đây, gia đình anh Ngô Minh Tuấn nuôi tôm sú với diện tích khoảng 2 ha đất thuê, hiệu quả không cao do bị dịch bệnh. Từ năm 2015, thấy nuôi tôm theo hướng công nghệ cao có triển vọng, nhất là ít rủi ro nên anh Tuấn mạnh dạn sang nhượng đất ruộng để đầu tư nuôi thử nghiệm theo mô hình này. Nhờ có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ thuật học hỏi được, anh đã áp dụng quy trình nuôi tôm công nghệ cao khá thành công.
Sau mỗi năm, tích lũy được thêm vốn, anh sang nhượng thêm đất để mở rộng diện tích nuôi theo mô hình mới. Đến nay, anh Ngô Minh Tuấn đã làm chủ 5 trang trại nuôi tôm công nghệ cao với hơn 30 ha đất ở các xã Phú Thạnh (2 khu), Phú Tân (2 khu), Phú Đông (1 khu). Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Tuấn có quy mô lớn được đầu tư đúng chuẩn để con tôm phát triển.
Anh dành khoảng 20% diện tích các trang trại để xây các ao tôm, vách xung quanh bằng bê tông, đáy phủ bạc, mặt ao che lưới; 80% diện tích đất còn lại là các ao xử lý nước đầu vào, đầu ra đạt tiêu chuẩn “sạch” đúng quy định. Tính trung bình, anh Tuấn đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng cho mỗi ha đất nuôi tôm.
Qua hơn 6 năm gắn bó với con tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, trang trại nuôi ngày càng mở rộng và phát triển, năng suất tôm đạt từ 45-50 tấn/ha, cao gấp 2 lần so với các mô hình nuôi tôm truyền thống trước đây, thu lãi đạt trên 40%.
Năm 2020, anh thu hoạch tôm được 440 tấn, năm ngoái do dịch COVID-19 nên cắt vụ, giảm còn 360 tấn. Mỗi khi thu hoạch tôm, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xa gần hay các nhà vựa ở các chợ đầu mối tại TP. HCM đến thu mua theo hợp đồng, nên đầu ra rất ổn định. Thành công nhất của mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao này là tỉ lệ tôm sống đến khi thu hoạch đạt khoảng 90% nên đảm bảo có lãi. Mới đây, dù hết vụ nhưng anh Tuấn cũng thu hoạch được 40 tấn tôm thẻ chân trắng, bán với giá 180 nghìn đồng/kg (loại 30 con/kg).
Đề cập đến yếu tố quan trọng để nuôi tôm công nghệ cao thành công, anh Ngô Minh Tuấn chia sẻ: “Thứ nhất là quy trình nuôi, con giống phải tốt, nuôi nước sạch, đủ điều kiện về oxy, kiểm tra môi trường hàng ngày, quan trọng nhất phải có kỹ thuật nuôi. So với trước đây thì mô hình nuôi công nghệ cao này giảm rủi ro, không có dịch bệnh, rất an toàn, sản lượng đạt cao hơn”.
Ở thời điểm này, các trang trại nuôi tôm công nghệ cao của anh Ngô Minh Tuấn là một trong những mô hình quy mô lớn, đầu tư bài bản trong vùng ĐBSCL. Ngoài chuyện quy trình nuôi, anh còn tuyển chọn 40 lao động có tay nghề gắn bó với ao tôm, trong đó có 14 kỹ sư thủy sản có trình độ chuyên môn cao. Trước khi dịch bệnh bùng phát, các ao tôm này mỗi tháng tiếp đón gần 20 đoàn khách trong nước đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao.
Anh Tuấn cho biết: "Hiện tại tôi thấy thời tiết ngày càng khó, dịch bệnh nhiều nên bây giờ tôi xây khu nuôi mới với mô hình nuôi ao tròn, che mái để hạn chế dịch bệnh. Qua thu hoạch 2 vụ, tôi thấy rất an toàn. Hiện tại quỹ đất tôi đã khai thác hết, có thể tôi sẽ nhân rộng thêm. Đội ngũ kỹ sư lành nghề cũng sẵn sàng đi hỗ trợ khách hàng để triển khai mô hình này".
Đất không phụ lòng người, có chí sẽ thành công, đây là đúc kết của anh nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi Ngô Minh Tuấn ở cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Hy vọng thành công này sẽ mang lại niềm tin, hướng đi mới cho người dân vùng đất nhiễm mặn của vùng cù lao này vươn lên làm giàu.