Giá xăng và bão giá ập xuống đầu công nhân

Góc bình luận - Ngày đăng : 11:58, 17/03/2022

Bắt đầu từ giá xăng dầu tăng, do chiến tranh Nga-Ukraine.

Người ta thường nói, một cánh bướm đập nhẹ ở Nam Mỹ cũng có thể khiến Đông Nam Á chịu một cơn bão, huống chi đây là chiến tranh, chết chóc, sụp đổ, cấm vận... Nó lập tức đưa cả thế giới vào khó khăn, khủng hoảng kinh tế trên tất cả các mặt. Đầu tiên là giá xăng dầu tăng vọt. Công nhân không chỉ chịu giá xăng tăng, mà còn chịu cơn bão giá kéo theo từ giá xăng tăng, không cách gì tránh được. Lương hay thu nhập do tăng ca trở nên quá nhỏ bé trước cơn bão giá đồng loạt này. Và không chỉ tại TP.HCM phải hứng chịu "cơn bão" này, mà cả nước Việt Nam chúng ta cùng phải chịu.

Khi người công nhân cùng gia đình họ phải ở trọ để đi làm trong khu công nghiệp, trong nhà máy, thì câu chuyện phải hứng bão giá là không sao tránh khỏi. Hồi trước bão giá, dù không thể tích lũy được tiền dự phòng, nhưng vẫn có thể tháng nào cũng đắp đổi để sống qua ngày không phải vay mượn, thì nay đã khác hẳn.

Một khi bão giá không phải khởi phát từ Việt Nam, thì thật không biết kêu ai. Vì chẳng ai giải quyết cho chuyện này cả. Đời người công nhân đã phải trải qua những khó khăn kiểu này hay kiểu khác quá nhiều, nhưng với bão giá lần này, chắc phải chờ chiến tranh ngừng lại, chuyện hoạt động kinh tế toàn cầu trở lại gần với mức bình thường, thì may ra, chuyện bão giá ở Việt Nam mới bớt căng thẳng.

Nói bão giá, thì không chỉ riêng công nhân phải chịu, mà doanh nghiệp cũng phải è cổ gánh, nhưng dù sao, thân phận người công nhân cũng bé nhỏ hơn rất nhiều, và bão giá dù ào ạt hay len lỏi, vẫn khiến người công nhân tức thở.

Đây là câu chuyện giữa công nhân và doanh nghiệp. Cần có sự chia sẻ, nâng đỡ nhau cùng vượt qua ách nạn này, chứ không thể phần doanh nghiệp tự lo, phần công nhân tự chịu. Chia sẻ lợi nhuận trong hoàn cảnh quá khó khăn này thật không dễ, nhưng muốn doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, thì không thể thiếu chia sẻ. Bởi, đây cũng có thể là một “dịch COVID mới, COVID-giá” mà mức độ tác hại đến đồng lương ít ỏi của người công nhân là tính hết sức dễ. Tính được nhưng không khắc phục được, đó mới là vấn đề.

Với bão giá lần này, không chỉ Việt Nam phải chịu, mà toàn thế giới đều phải chịu, nhưng với mức độ khác nhau. Với Việt Nam, mức độ không hề nhẹ. Khi doanh nghiệp và người công nhân thấy cùng chung lợi ích, nếu doanh nghiệp không tìm cách “bù lương” cho công nhân, thì lợi ích chung kia sẽ tụt xuống mức báo động. Và thiệt hại thì cả chủ và người lao động cùng phải chịu, một thiệt hại mà ngay bây giờ chưa tính hết được.

Phải thực sự đoàn kết mới chống lại bão giá có hiệu quả. Nếu doanh nghiệp chỉ lo phần mình, thì khi bão giá gây thua lỗ, công nhân lại không thể trụ bám nơi làm việc mà phải bỏ về quê lần nữa, câu chuyện sẽ dẫn tới đâu thì ai cũng biết.

Với người nông dân, tuy chịu khổ vì bão giá, nhưng họ còn mảnh vườn thửa ruộng để có thể rau cháo qua ngày, còn công nhân thì đúng là... vô phương.

Nhà thơ Thanh Thảo