Tòa án sẽ sử dụng phần mềm Trợ lý ảo cho Thẩm phán

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:22, 17/03/2022

TAND Tối cao yêu cầu triển khai áp dụng thống nhất phần mềm Trợ lý ảo cho Thẩm phán trong hệ thống Tòa án.

TAND Tối cao vừa ban hành Kế hoạch Triển khai áp dụng phầm mềm Trợ lý ảo cho Thẩm phán.

Theo TAND Tối cao, mục đích đưa Trợ lý ảo làm việc trực tuyến 24/7 để hỗ trợ cho Thẩm phán tra cứu nhanh các văn bản pháp luật, chỉ dẫn áp dụng pháp luật cho các tình huống pháp lý cụ thể, quy định pháp luật, án lệ và văn bản có tình huống pháp lý tương tự để tham khảo.

Ngoài ra, điều này còn góp phần bảo đảm việc áp dụng, thống nhất pháp luật; giúp cho phần mềm Trợ lý ảo ngày càng thông minh hơn thông qua quá trình sử dụng, đóng góp ý kiến của các Thẩm phán.

Trên cơ sở xác định rõ mục đích, TAND Tối cao yêu cầu triển khai áp dụng thống nhất phần mềm Trợ lý ảo cho Thẩm phán trong hệ thống Tòa án. Bảo đảm 100% các Thẩm phán trong hệ thống Tòa án sử dụng phần mềm Trợ lý ảo phục vụ công tác chuyên môn ngay sau khi được tập huấn sử dụng.

Lãnh đạo TAND Tối cao yêu cầu các Thẩm phán tham gia tích cực vào việc huấn luyện, cung cấp và làm giàu tri thức cho phần mềm này thông qua quá trình sử dụng và đưa ra các ý kiến góp ý.

toa-an-se-su-dung-phan-mem-tro-ly-ao-cho-tham-phan-2-.jpg
Trợ lý ảo sẽ ngày càng thông minh hơn thông qua quá trình sử dụng - Ảnh: Internet

Trước đó, giữa tháng 7.2021, Chánh án TAND Tối cao và Bộ trưởng Bộ TT-TT đã ký kết chương trình phối hợp trong công tác chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử.

Tại lễ ký kết, theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số phải luôn hướng tới người dân. Trong công tác Tòa án, công khai án và án lệ để người dân có thể truy cập qua mạng là bước đầu tiên. Một trợ lý ảo để người dân có thể hỏi về các vấn đề pháp lý là bước tiếp theo…

Người đừng đầu Bộ TT-TT cũng nhấn mạnh: “Càng dùng nhiều thì trợ lý này sẽ càng thông minh và trợ giúp càng đắc lực. Chất lượng công việc tăng lên, chất lượng cuộc sống cũng tăng lên. Chuyển đổi số thường là cách tốt nhất để giải các mục tiêu kép”.

Trong Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2022 được diễn ra hồi đầu năm, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết trong nhiệm kỳ 2021-2026, Tòa án có một số ứng dụng về CNTT theo Nghị quyết của Quốc hội, bao gồm việc xét xử trực tuyến. Đây là xu thế toàn cầu trong điều kiện COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động xét xử khi nhiều phiên tòa phải hoãn.

Liên quan đến sử dụng phần mềm Trợ lý ảo, theo Chánh án, Trợ lý ảo đóng vai trò như một thư ký làm việc thường xuyên với các Thẩm phán, tư vấn cho các Thẩm phán ứng dụng pháp luật, điều khoản pháp luật. Đặc biệt, Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh đây được xem là bước tiến lớn, điểm sáng trong ứng dụng CNTT của Tòa án.

Theo Kế hoạch Triển khai áp dụng phầm mềm Trợ lý ảo cho Thẩm phán vừa được TAND Tối cao ban hành, Vụ Tổng hợp TAND Tối cao có trách nhiệm xây dựng chương trình triển khai cụ thể; đồng thời chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong kế hoạch.

Các đơn vị thuộc TAND Tối cao, TAND các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ chịu trách nhiệm phối hợp với Vụ Tổng hợp TAND Tối cao triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

Thu Anh