Xăng dầu tăng giá: Nông dân cũng chịu nhiều hệ lụy

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:15, 18/03/2022

Trong khi giá phân bón tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì gần đây xăng dầu cũng liên tục tăng giá mới. Điều này ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa của nông dân ở tỉnh An Giang.

Chi phí sản xuất tăng vọt

Vụ đông xuân năm nay, gia đình anh Tuấn (ngụ xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn) cấy 7 công lúa. Nếu như năm 2021, để cày bừa hết 7 công này tốn khoảng 21 lít dầu diezel, tương đương với số tiền gần 360.000 đồng, thì năm nay do xăng dầu tăng giá nên chi phí mua dầu đã đội lên gần 600.000 đồng.

“Năm nay, giá phân bón tăng gấp ba, xăng dầu cũng tăng liên tục. Trong khi đó giá đầu ra của lúa lại thấp hơn mùa rồi. Ví dụ, lúa hạt dài chỉ khoảng 5.800 đồng/kg, lúa hạt ngắn chỉ khoảng 5.600 đồng/kg. Cứ đà ấy gia đình tôi và bà con chắc thu hoạch vụ này không ổn”, anh Tuấn than thở.

1-lua-moi.jpg
Xăng dầu tăng giá ảnh hưởng nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp, chi phí đầu vào rất lớn, nông dân càng thêm khó khăn, thiệt thòi - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo anh Tuấn, việc xăng dầu tăng giá ảnh hưởng lớn tới việc bơm nước, làm đất, vận chuyển... kéo theo nhiều hệ lụy cho bà con.

“Tôi mong mỏi nhà nước tăng giá lúa lên để bù lại phần phân bón, xăng dầu để cho người dân ổn định cuộc sống. Chứ kiểu sống trong “cơn bão giá”, nông dân như chúng tôi rất khổ”, anh Tuấn chia sẻ.

Có thể thấy việc giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất cho người dân hiện đa phần phải thuê máy cày bừa, máy gặt, máy bơm nước… Ngoài ra người dân còn thêm gánh nặng do chi phí giao hàng, vận chuyển hàng hóa tăng.

2-lua.jpg
Hiện giá lúa còn thấp, người dân mong mỏi nhà nước tăng giá lúa lên để bù lại phần chi phí cho phân bón, xăng dầu tăng cao - Ảnh: Tô Văn

Chị Nga (nông dân xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn) cho biết khi xăng dầu lên giá, việc cày, bừa, bơm, xới lại càng khó khăn bởi gánh nặng chi phí.

“Năm nay, người dân khổ rồi, giá xăng dầu, phân bón tăng. Trong khi đó, giá lúa thấp, thêm dịch bệnh, muỗi hành nên bây giờ bà con đang trong giai đoạn lo lắng nhất”, chị Nga nói.

Chị Phượng tiểu thương cũng nói: “Nếu như trước đây, trung bình một thùng hàng chúng tôi gửi đi ngoài tỉnh chỉ mất chi phí 50.000 đồng, giờ đã tăng lên 70.000 đồng. Trung bình 1 ngày, chúng tôi gửi 5 thùng hàng phải tốn thêm 100.000 đồng. Hiện dịch bệnh phức tạp, chi phí vận chuyển leo thang nên công việc buôn bán gặp khó khăn”.

Cần tiết kiệm xăng dầu

Thạc sĩ Bạch Nhật (chuyên ngành quản trị kinh doanh) cho biết hiện nay giá xăng dầu tăng mạnh đang gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của nông dân, doanh nghiệp và đời sống của người dân.

“Đặc biệt càng khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Với mức giá tăng cao liên tục, áp lực đối với sản xuất và tiêu dùng trong những tháng đầu năm 2022 càng lớn và tác động rất mạnh tới tăng trưởng kinh tế của nước ta.

Điều lo ngại nhất là hiệu ứng tăng giá dây chuyền tác động đến giá cả của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường và cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu.

Giá xăng dầu tăng làm giá nguyên vật liệu đầu vào tăng. Trong hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ, tùy theo quy mô và ngành hàng cụ thể, hầu như bất kỳ ngành nào dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu như một yếu tố đầu vào quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất kinh doanh”, thạc sĩ Bạch Nhật nhận định.

Ngoài ra, giá xăng dầu tăng nhanh còn gián tiếp làm tăng giá hàng hóa, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa cả thị trường trong nước và quốc tế, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

“Chính vì lý do trên, các bộ ngành có liên quan cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, đặc biệt quan tâm tình hình chính trị thế giới (cuộc xung đột Nga - Ukraine) ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu. Từ đó, có những giải pháp ứng phó linh hoạt với giá xăng dầu tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát. Hai công cụ hiệu quả hiện nay là “quỹ bình ổn giá” và “thuế xăng dầu” cần được quan tâm xem xét”, thạc sĩ Bạch Nhật mong mỏi.

Các bộ ngành cũng nên khuyến khích người dân sử dụng xăng dầu tiết kiệm vì nguồn cung có hạn. Việc chuyển đổi năng lượng thay thế, giảm dần tiêu dùng xăng dầu chính là giải pháp hữu hiệu góp phần đảm bảo nguồn cung, giảm phụ thuộc vào xăng dầu, gas.

Đối với doanh nghiệp, chi phí sản xuất là yếu tố quan trọng quyết định đến mức lợi nhuận và giá thành sản phẩm. Tiết kiệm xăng dầu trong sản xuất kinh doanh là vấn đề hết sức cần thiết vì nó ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh về giá của sản phẩm trên thị trường.

“Cần quan tâm nhiều hơn chỉ tiêu tiêu hao xăng dầu và xem đây là một trong những nội dung quan trọng của quá trình quản trị sản xuất. Chủ động tiết kiệm chi phí, bảo trì, kiểm tra máy móc, giảm hao phí nguyên liệu, áp dụng các biện pháp quản trị sản xuất tối ưu: trang bị máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại tuy cần một khoản đầu tư của doanh nghiệp trong thời gian đầu nhưng chuyển đổi sử dụng các loại thiết bị công nghệ hiện đại để phục vụ cho quá trình sản xuất cũng giúp nâng cao năng suất, giảm các chi phí liên quan đến nhân công, hao hụt nguyên liệu.

Cải tiến quy trình sản xuất theo hướng loại bỏ tối đa thao tác dư thừa để loại bỏ những công đoạn, quy trình không cần thiết, gây tốn nhân sự, nguyên liệu; tăng năng suất lao động và tăng chất lượng sản phẩm. Thêm vào đó, vấn đề tìm nguồn năng lượng mới thay thế cũng cần được quan tâm trong dài hạn”, thạc sĩ Bạch Nhật lưu ý.

Tô Văn