Từ nghi án lừa đảo 100 container hạt điều: Những bất cập từ phương thức D/P
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:35, 18/03/2022
Cơ quan chức năng vào cuộc
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 17.3, phóng viên đề nghị Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thông tin về việc 100 container hạt điều Việt Nam xuất sang Ý có nguy cơ bị lừa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết ngay sau khi nhận được thông tin từ Vinacas, Bộ đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ý liên hệ với các chủ tàu, trực tiếp đến thành phố Genova, Napoli để xác minh thông tin; gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Cảnh sát Tài chính và các cơ quan chức năng sở tại đề nghị nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ việc, triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Ý cũng đã trao đổi với các doanh nghiệp và Vinacas, hướng dẫn cách giải quyết cụ thể, đề nghị các đơn vị có liên quan liên hệ với Tòa án kinh tế quốc tế, Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế tại Việt Nam yêu cần can thiệp, có ý kiến với các hãng tàu dừng giao hàng cho người mua trong nhóm nghi vấn là lừa đảo, nhằm giảm tối đa tổn thất cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước giải quyết vụ việc này và đảm bảo an toàn tối đa cho các thương vụ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Ý trong thời gian tới.
Cùng ngày, Đại sứ quán Ý tại Hà Nội đã có thông báo về vụ việc container hạt điều xuất khẩu từ Việt Nam sang Ý và các vướng mắc mà một số doanh nghiệp sản xuất hạt điều Việt Nam đang gặp phải.
Theo đó, Đại sứ quán được thông báo về sự việc này vào ngày 9.3. Theo yêu cầu của Bộ Công Thương, Đại sứ quán đã có buổi làm việc với các cán bộ của Vụ thị trường Âu Mỹ ngay trong ngày 9.3 để xem xét vụ việc.
Ngay sau khi kết thúc buổi làm việc, tối ngày 9.3, Đại sứ quán đã gửi công văn tới các cơ quan chức năng Ý, chuyển văn bản đề nghị của phía Việt Nam về việc tạm dừng giao container tại Ý.
Ngày 10.3, Đại sứ Việt Nam tại Roma đã có buổi làm việc với Bộ Ngoại Giao Ý. Đồng thời, Tổng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli kết hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Roma đã có các cuộc tiếp xúc với các cơ quan chức năng Ý trên tinh thần hợp tác song phương chân thành.
Sau các cuộc tiếp xúc trên, Cảnh sát Kinh tế Ý đã ngay lập tức tiến hành các biện pháp ngăn chặn đầu tiên, trong khuôn khổ pháp luật cho phép, để phong tỏa các container đã cập cảng.
"Đây là một vụ việc rất phức tạp và cần phải xác định rõ sự việc và xác minh trách nhiệm của tất cả các chủ thể có liên quan. Rất hiếm khi xảy ra gian lận thương mại giữa Ý và Việt Nam do các biện pháp kiểm soát rất chặt chẽ. Với 41 triệu đô sản phẩm nhập khẩu năm 2021, Ý là thị trường tiêu thụ hạt điều quan trọng của Việt Nam. Đại sứ quán Ý cam kết thúc đẩy các mối quan hệ kinh doanh công bằng và có lợi cho tất cả các bên", Đại sứ quán khẳng định.
Bất cập phương pháp nhờ thu trả tiền trao chứng từ
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLaw đã chỉ ra những bất cập trong phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ.
Ông Hà cho hay, trong vụ việc này, các doanh nghiệp xuất khẩu điều tại Việt Nam đã ủy nhiệm thu cho 5 ngân hàng Việt Nam thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment - D/P).
Theo phương thức này, doanh nghiệp điều tại Việt Nam sau khi làm thủ tục xuất khẩu sẽ gửi bộ chứng từ cho hãng vận chuyển chứng từ, sau đó chuyển đến cho ngân hàng của người bán tại Việt Nam, ngân hàng Việt Nam có trách nhiệm chuyển phát nhanh bộ chứng từ này cho ngân hàng của nhà nhập khẩu ở Ý, nhà nhập khẩu sẽ tiến hành thanh toán cho ngân hàng nhập khẩu và nhận bộ chứng từ gốc. Với bộ chứng từ này, người mua hàng có thể nhận hàng tại cảng và ngân hàng nhập khẩu tiến hành chuyển giao tiền cho ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề xảy ra khi bộ chứng từ gốc tại Việt Nam chuyển qua Ý đã “bốc hơi”.
Từ vụ việc này cho thấy, việc thiếu thông tin về đối tác có thể tạo ra một tâm lý chủ quan cho doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam, mở ra một lỗ hổng lớn từ sơ hở của bên bán cũng như điểm yếu của phương thức thanh toán D/P để bên đối tác lợi dụng và tiến hành hành vi lừa đảo. Điều cần làm đối với các doanh nghiệp xuất khẩu điều là cần nhanh chóng liên hệ Thương vụ Việt nam tại Ý hoặc luật sư để có thể lấy lại được hàng.
Nói thêm về phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ đang được doanh nghiệp sử dụng, ông Hà cho biết ưu điểm lớn nhất của phương pháp thanh toán D/P đó chính là cho người bán giữ quyền kiểm soát hàng cho đến khi người mua thanh toán hối phiếu. Thủ tục của phương thức thanh toán D/P dễ dàng đối với cả người mua và người bán.
Ngoài ra, hối phiếu là bằng chứng chính thức, bằng văn bản, được chấp nhận ở hầu hết các tòa án, xác nhận rằng yêu cầu thanh toán (hoặc chấp nhận) đã được thực hiện cho người mua. Hối phiếu cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp tín dụng thương mại cho người mua.
Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất có thể xảy ra chính là việc người mua có thể từ chối hàng hoá với lí do không chính đáng và không thanh toán. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng người bán không bao giờ được trả tiền trong khi phải quản lý việc trả hàng từ cảng nước ngoài. Mặc dù có giữ quyền kiểm soát về hàng hoá khi mua hàng, nhưng nếu bên mua không nhận hàng hoặc nhận hàng mà không trả tiền, sẽ dẫn tới những tranh chấp pháp lý, gây tổn hại đến thời gian, nhân lực cũng như tài chính của cả hai bên.
Thêm nữa, ngân hàng của người xuất khẩu không chịu trách nhiệm thanh toán nếu người nhập khẩu từ chối hối phiếu, từ đó dẫn đến việc bên bán không nhận được tiền thanh toán.
Để hạn chế được rủi ro, ông Hà cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam khi làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài cần thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại các nước sở tại, cơ quan thương vụ, lãnh sự danh dự Việt Nam để tìm hiểu rõ thông tin về đối tác, đảm bảo an toàn tối đa cho các thương vụ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.
Theo luật sư Hà, hiện nay, trên thế giới đang có khá nhiều phương thức thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, những phương thức phổ biến nhất bao gồm: Phương thức ghi sổ - Open Account; Phương thức nhờ thu – Collection, bao gồm Phương thức nhờ thu trơn và phương thức nhờ thu kèm chứng từ (D/P hoặc D/A); Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ - Letter of Credit; Phương thức thanh toán Điện chuyển tiền (T/T).
"Trên thực tế, không có một phương thức nào là không có lỗ hổng, là an toàn tuyệt đối cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh. Mỗi phương thức thanh toán lại có những ưu, nhược điểm khác nhau, tuỳ vào doanh nghiệp là bên nhập khẩu hay bên xuất khẩu, hàng hoá trao đổi là gì, tình hình kinh tế, xã hội của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia ra sao mà các bên có thể thống nhất với nhau về phương thức thanh toán.
Điều quan trọng nhất để giảm thiểu rủi ro khi thực hiện giao dịch kinh doanh, đó chính là rà soát thật kĩ hợp đồng, lường trước các tình huống có thể xảy ra, đặt ra các điều kiện thanh toán hoặc các chế tài mà hai bên cùng đồng ý trong trường hợp xảy ra trục trặc, tranh chấp. Từ đó doanh nghiệp có thể hạn chế rủi ro ngay từ bước giao kết hợp đồng", ông Hà nhấn mạnh.