Số ca COVID-19 của Hà Nội gần gấp đôi TP.HCM
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:30, 20/03/2022
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 7.791.841 ca mắc COVID-19, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 78.878 ca nhiễm). Tổng số ca được điều trị khỏi là 3.991.393 ca.
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay): số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 7.784.177 ca, trong đó có 3.988.576 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.151.105), TP.HCM (581.285), Bình Dương (358.382), Nghệ An (336.515), Hải Dương (310.501). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 168.014 ca/ngày.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.691 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 2.982 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 338 ca; Thở máy không xâm lấn: 92 ca; Thở máy xâm lấn: 275 ca; ECMO: 4 ca
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 75 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.817 ca, chiếm tỷ lệ 0,5%so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số liệu của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho biết so với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới ngày 19.3 đã giảm hơn 10%, số tử vong giảm 31,8%, số ca nặng giảm 27,3%.
So sánh tháng này với tháng trước, số mắc mới tăng 6 lần nhưng số tử vong ít hơn 21,1%, số ca khỏi bệnh cũng tăng 6 lần, số đang điều trị tại bệnh viện tăng 28,9% nhưng số thở máy xâm lấn lại thấp hơn 0,5%.
Mặc dù đã bước sang ngày thứ 8 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 giảm, tuy nhiên với việc bổ sung thêm 190.000 F0 ngày 19.3, hiện tổng số ca mắc COVID-19 của Hà Nội đã lên đến 1.151.105; gần gấp đôi tổng số mắc đến nay của TP.HCM.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM về tình hình dịch COVID-19 và công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM ngày 19.3, hiện số F0 điều trị tại 3 tầng đã vượt thời điểm tháng 12.2021. Tuy nhiên số ca thở máy xâm lấn và tử vong vẫn ở mức thấp.
Hiện, TP.HCM đang điều trị 63 ca thở máy xâm lấn, trong đó có 60/63 ca có bệnh nền (chiếm 95%). Trong đó, 42/63 ca không báo y tế địa phương khi biết mình nhiễm bệnh và không điều trị bằng thuốc kháng virus Molnupiravir trước khi nhập viện (chiếm 66,6%).
Sở Y tế cho biết, Bệnh viện Hồi sức COVID-19, đóng tại Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2) ngưng nhận bệnh nhân từ ngày 18.3. Đây là bệnh viện hồi sức đầu tiên và có số giường bệnh lớn nhất tại TP.HCM với quy mô 1.000 giường.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đi vào hoạt động từ tháng 7.2021 ở thời điểm dịch bùng phát trên diện rộng tại thành phố. Bệnh viện chuyên tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng và nguy kịch có quy mô lớn nhất cả nước. Giai đoạn cao điểm, bệnh viện đã điều trị cho trên 700 bệnh nhân.
Sau khi ngừng nhận bệnh nhân tại BV Hồi sức COVID-19, ngành y tế Thành phố vẫn tiếp tục duy trì hoạt động các BV dã chiến số 13, 14, và 16. Các Bệnh viện dã chiến số 14, 16, BV đa tầng Tân Bình, BV Quân y 175, BV Bệnh nhiệt đới và BV Chợ Rẫy tiếp tục duy trì giường hồi sức để điều trị người bệnh mắc COVID-19 nặng.
Sở Y tế đề nghị tất cả các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa phải thành lập khoa hoặc đơn vị điều trị COVID-19 để tiếp nhận các trường hợp có bệnh lý cấp tính kèm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Đồng thời, Sở Y tế phân công theo từng mức độ bệnh của bệnh nhân COVID-19 mà sẽ được đưa đến bệnh viện thích hợp điều trị. Cụ thể, đối với người mắc COVID-19 mức độ trung bình hoặc nhẹ, ưu tiên điều trị tại các bệnh viện dã chiến quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Đối với người mắc COVID-19 có các bệnh lý đi kèm và các bệnh lý đi kèm là nguyên nhân chính gây diễn tiến nặng, liên hệ chuyển các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối.
Đối với F0 nặng do COVID-19, liên hệ 6 trung tâm hồi sức COVID-19 theo địa bàn được phân công. Đối với người F0 có bệnh thận mạn cần chạy thận, đơn vị đang thực hiện chạy thận cho người bệnh có trách nhiệm bố trí khu vực cách ly để tiếp tục chạy thận cho F0.