Thế khó của các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Trung Quốc

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 21:22, 20/03/2022

Bà Châu Thị Lệ, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho rằng: “Lệnh 248 từ Bộ Công thương Trung Quốc - không quá mới đối với ngành Công thương Việt Nam và một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, Lệnh 248 của Bộ Công thương Trung Quốc và nhiều cái khó khi xuất khẩu sang thị trường này đang là vấn đề nóng".

Theo Bộ Công thương, Lệnh 248 của Cơ quan Hải quan Trung Quốc có hiệu lực từ 1.1.2022 ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Đây cũng là một cái khó mới.

ben-xe-tan-thanh.jpg
 Bến xe Tân Thanh-Ảnh: TL

Bộ Công Thương đang phối hợp các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp sớm đăng ký mã số xuất khẩu sang thị trường này. Trong đó, cụ thể là mã số vùng trồng và mã số kho hàng xuất khẩu. Còn sản xuất hàng theo tiêu chuẩn VietGap cũng là một trong những yêu cầu đối với trái cây xuất khẩu.

Lệnh 248 quy định rõ, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu đi Trung Quốc đều phải đăng ký với hải quan Trung Quốc. Doanh nghiệp thuộc nhóm này phải đăng ký mã số thông qua các cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn phổ biến tới địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp triển khai thực hiện đáp ứng các quy định tại Lệnh 248 của Trung Quốc.

tl.jpg
Điểm thu mua thanh long. Ảnh: TL

Hiện nay Bộ Công thương đôn đốc Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm phản hồi và cấp mã số đăng ký đối với danh sách doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam, đảm bảo cho hoạt động thương mại được ổn định. Tuy nhiên, đằng sau chuyện này còn nhiều cái khó.

Tại Cần Thơ, Hậu Giang, nhiều nông dân phải bán tháo xoài Đài Loan với giá có 5.000-7.000 đồng/kg. Tại An Giang, nơi có nhiều vườn xoài Đài Loan trái oằn cây, đang thu hoạch tình hình cũng không sáng sửa hơn. Anh Trần Văn Vinh, một chủ vườn ở Thị trấn Mái Dầm (Châu Thành, Hậu Giang) cho biết: “Trước đây, với 3.000m2 đất trồng xoài Đài Loan, mỗi năm tôi thu nhập vài chục đến trăm triệu. Cả năm nay bán xoài chưa được 30 triệu đồng, trong khi đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu đã 20-30 triệu đồng rồi. Năm nay xoài xuống giá rất thấp”.

Tình trạng thanh long cũng không khác gì hơn. Với 13.000ha thanh long ở tỉnh Long An, hàng ngàn hộ trồng thanh long 2 năm qua vẫn khổ dài dài. Anh Nguyễn Văn Lập ở xã Bình Quới (Châu Thành - Long An) cho biết: “Tôi trồng 6.000m2 thanh long, giá đầu tư theo VietGap, phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc... từ 10.000-12.000 đồng/kg. Giá bán cho thương lái xuất đi Trung Quốc hiện nay là 3.000-7.000 đồng/kg. Thử nghĩ xem, như vậy nông dân trồng thanh long khổ như thế nào?”

thanh-long-xuat-khau-truoc-day-my-tho.jpg

Thanh long chuẩn bị đóng thùng xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh: TL

Thật vậy, trong 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL xuất khẩu hàng sang Trung Quốc gặp vô vàn khó khăn. Khó do dịch bệnh COVID-19, khó do chính sách Zero F0 của Trung Quốc.

Bà Châu Thị Lệ, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho rằng: “Nông nghiệp ĐBSCL thường là đất manh mún. Một số đã vào HTX, tuy nhiên, đăng ký mã số vùng trồng và canh tác theo tiêu chuẩn VietGap đòi hỏi nông dân phải có tổ chức sản xuất”.

Theo đánh giá từ các chuyên gia thương mại, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, đây cũng là thị trường quan trọng bậc nhất của Việt Nam đối với riêng mặt hàng nông sản và thực phẩm. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7 tỷ USD nông sản sang thị trường Trung Quốc, trong tổng số khoảng gần 50 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới. Bởi vậy, bất kỳ sự thay đổi nào của thị trường Trung Quốc cũng khiến cho người nông dân, doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng.

Xung quanh vấn đề xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, Huỳnh Văn Thòn có những nhận xét rất xác đáng: “Thị trường Trung Quốc là một thị trường lớn tiêu thụ nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang thị trường của họ có nhiều cái khó. Tính không bền vững là đặc điểm của thương nhân Trung Quốc. Họ buôn bán với ta giống như thương lái buôn bán với nông dân. Cho đến giờ buôn bán với họ qua tiểu ngạch vẫn là dòng chảy lớn nhất. Chính vì đặc điểm này, chúng ta phải nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm chuẩn của thế giới. Phải tránh cảm tính, phải chấp hành quy định của họ về pháp lý xuất nhập khẩu. Bên cạnh thị trường Trung Quốc, ta cũng nên mở rộng giao thương của mình sang nhiều thị trường khác của thế giới. Có như thế nông dân và doanh nghiệp Việt Nam mới lớn lên được với thị trường quốc tế”. 

Văn Kim Khanh