An Giang nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch

Du lịch - Ngày đăng : 13:10, 21/03/2022

Tuy lượng khách không tăng đột biến nhưng đây là dấu hiệu tích cực để ngành du lịch của tỉnh An Giang phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới, tại khu du lịch Lâm viên Núi Cấm, Rừng tràm Trà Sư, Điện năng lượng mặt trời (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) lượng du khách đổ về đây không tăng đột biến so với vài tháng trước đó.

1-du-lich.jpg
Khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã thực hiện chương trình giảm giá, không cắt bớt dịch vụ để thu hút khách du lịch đến đây - Ảnh: Tô Văn

Chị Trần Thị Hà Ni (ngụ TP.Long Xuyên) cho biết, thường vào những ngày cuối tuần gia đình thường tổ chức đi đến các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để ăn uống, vui chơi, giải trí.

“Tôi nhận thấy tại các điểm du lịch này, họ đã chú trọng đầu tư từ khâu vệ sinh, cảnh quang, phong cách phục vụ so với trước đó. Mọi thứ hầu như được “lột xác” hoàn toàn. Bên cạnh đó, điều kiện phòng chống dịch COVID-19 tại đây cũng đảm bảo, tạo cảm giác an toàn. Việc lựa chọn các điểm du lịch trong tỉnh mà không lựa chọn ngoài tỉnh là một quyết định sáng suốt”, chị Ni nói.

Ông Lý Thanh Sang - Giám đốc khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm cho biết, đơn vị đã thực hiện những chương trình giảm giá nhưng không cắt bớt dịch vụ để thu hút du khách đến đây.

“Trước đây, khách phải chi nhiều tiền, thì nay, họ chi ít tiền hơn mà vẫn được tham quan, vui chơi giải trí đầy đủ tại các điểm đến. Ví dụ, trên đỉnh núi Cấm có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, Hồ Thủy Liêm, vồ Bồ Hông, công viên nước Thanh Long… Trong số này, có công viên nước sẽ thu giá vé 100.000 đồng/người lớn và 50.000 đồng/trẻ em. Nếu du khách đã lên tới đỉnh núi Cấm, ghé hồ Thủy Liêm, chùa Phật lớn… mà lại không vào được công viên nước vì… hụt tiền, thì đó sẽ là một điều đáng tiếc và hụt hẫng”, ông Sang nhận định.

Cũng theo ông Sang, hiện đơn vị đang có chương trình ưu đãi đặc biệt, trong đó áp dụng khuyến mãi mua vé combo chỉ 250.000 đồng, sẽ bao gồm vé vào cổng, vé cáp treo, và vé công viên nước.

“Mức giá này thấp hơn gần 100.000 đồng so với bình thường. Bình quân, nếu mỗi đoàn du khách có 10 người sẽ tiết kiệm gần 1 triệu đồng”, ông Sang khẳng định.

2-du-lich.jpg
Các điểm du lịch tại An Giang luôn phục vụ tốt nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cho du khách, đồng thời luôn đảm bảo các yếu tố nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, công tác phòng chống dịch bệnh - Ảnh: Tô Văn

Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, việc đảm bảo an toàn, phục vụ tốt nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cho du khách, ngoài đảm bảo các yếu tố về nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho du khách cũng đang được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Ông Hiếu cho biết thêm: “Chúng tôi đã triển khai tập huấn cho các doanh nghiệp trong ứng xử, giao tiếp, mua bán, phục vụ du khách; phát huy phong cách của người An Giang là hiền hòa, thanh lịch, mến khách. Ngoài ra, chúng tôi tăng cường quảng bá xúc tiến trên các trang web, điện tử của tỉnh để du khách nắm rõ, điều kiện, hưởng thụ, quy định giá dịch vụ tại các điểm du lịch nhằm tạo mọi điều kiện cho du khách đến đây vui chơi được thuận lợi và thoải mái. Đảm bảo việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên toàn địa bàn”.

6-my-luong.jpg
Khu du lịch sinh thái Mỹ Luông (huyện chợ Mới, tỉnh An Giang) được các du khách đánh giá cao từ khâu vệ sinh, phong cách phục vụ chuyên nghiệp - Ảnh: Tô Văn

Trước đó, vào ngày 18.3, tại tỉnh Bạc Liêu đã diễn ra Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và phát động “Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới”.

Tại hội nghị, các đại biểu bàn thảo, đề xuất đến Bộ VH-TT-DL sớm phối hợp với các bộ, ngành hữu quan kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cho khu vực ÐBSCL để tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch vùng.

Đồng thời, trong quá trình lập Ðề án quy hoạch du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, chú trọng đưa các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của ÐBSCL vào tổng thể quy hoạch, để có định hướng và dành nguồn lực đầu tư phát triển; xây dựng và hoàn thiện cơ chế liên kết vùng.

Cũng tại hội nghị, TP.HCM và 13 tỉnh, thành ÐBSCL đề ra phương hướng và những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, tập trung vào 5 nội dung chính: quản lý Nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

Tô Văn