Nga gán Meta là 'tổ chức cực đoan', Telegram vượt WhatsApp thành ứng dụng nhắn tin hàng đầu

Thế giới số - Ngày đăng : 23:00, 21/03/2022

Telegram đã vượt qua WhatsApp để trở thành ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất ở Nga.

Động thái này xảy ra sau khi người dùng đổ xô cài đặt và truy cập vào Telegram khi Nga hạn chế một số dịch vụ kỹ thuật số.

Meta Platforms (chủ sở hữu WhatsApp) bị lôi kéo vào vụ kiện tại tòa án Nga. Các công tố viên đang tìm cách gán cho công ty Mỹ là một "tổ chức cực đoan". Nhà chức trách Nga đã tích cực quảng bá Telegram vì đã cấm các nền tảng nước ngoài khác như Facebook, Instagram và Twitter.

Cuộc tấn công Ukraine của Nga đã đổ thêm dầu vào cuộc tranh chấp âm ỉ giữa các nền tảng kỹ thuật số nước ngoài và Moscow.

Theo Megafon, 1 trong 4 nhà khai thác viễn thông chính ở Nga, phân tích lưu lượng truy cập internet di động của họ cho thấy thị phần Telegram đã tăng vọt lên 63% trong 2 tuần đầu tháng 3, từ 48% vào 2 tuần đầu tháng 2. Trong khi đó, thị phần của WhatsApp giảm xuống 32% từ 48%.

Người dùng Telegram trung bình tiêu thụ 101 MB dữ liệu mỗi ngày, so với 26 MB của WhatsApp.

nga-gan-meta-la-to-chuc-cuc-doan-telegram-vuot-whatsapp.jpg
Người dùng Nga đổ xô cài đặt Telegram sau khi Nga cấm Facebook và Instagram

Được thành lập bởi Pavel Durov (người Nga), Telegram từ lâu trở thành nền tảng tin tức phổ biến ở Nga với hầu hết phương tiện truyền thông lớn, các tổ chức chính phủ và nhân vật đại chúng điều hành các kênh nội dung.

Megafon cho biết: "Sự phổ biến của dịch vụ đã tăng lên trong bối cảnh các hạn chế về quyền truy cập vào các ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội khác. Dịch vụ bắt đầu phát triển tích cực vào ngày 24.2".

Nga đã đưa hàng chục nghìn quân vào Ukraine vào ngày 24.2 nhằm làm suy giảm khả năng quân sự của nước láng giềng phía nam và loại bỏ tận gốc những người mà họ gọi là theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm.

Các lực lượng Ukraine đã kháng cự gay gắt và phương Tây đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt sâu rộng với Nga trong nỗ lực buộc nước này phải rút lực lượng của mình.

Nga gán Meta là “tổ chức cực đoan”, cho biết WhatsApp có thể ở lại

Một tòa án ở thủ đô Moscow hôm 21.3 đã bác bỏ nỗ lực của Meta Platforms nhằm phủ nhận các cáo buộc chống lại nó, trong trường hợp có thể buộc gã khổng lồ công nghệ Mỹ rút khỏi thị trường Nga.

Hãng thông tấn TASS trước đó đưa tin rằng Meta Platforms đã yêu cầu thêm thời gian để chuẩn bị vị trí pháp lý và đặt câu hỏi về thẩm quyền của tòa án trong việc cấm các hoạt động của nó theo yêu cầu từ các công tố viên nhà nước.

Meta Platforms không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

Victoria Shagina, luật sư Meta Platforms, nói trước tòa rằng công ty không thực hiện các hoạt động cực đoan và chống lại chứng sợ Nga, hãng thông tấn Interfax đưa tin.

Nga đã cấm Facebook vì hạn chế quyền truy cập vào các phương tiện truyền thông nhà nước này, trong khi Instagram bị chặn sau khi Meta Plaforms cho phép người dùng mạng xã hội ở Ukraine đăng các thông điệp kêu gọi bạo lực chống lại binh lính và lãnh đạo Nga.

Meta Plaforms kể từ đó đã thu hẹp hướng dẫn để cấm lời kêu gọi cho cái chết của một nguyên thủ quốc gia và cho biết hướng dẫn của họ không bao giờ được hiểu là dung túng bạo lực với người Nga nói chung.

Thế nhưng, mối đe dọa được nhận thấy với công dân Nga khiến các nhà chức trách tức giận.

Các công tố viên Nga muốn gán cho Meta Plaforms là "tổ chức cực đoan", cái tên từng được dành cho các nhóm như Taliban và Nhà nước Hồi giáo…

TASS trích dẫn lời các công tố viên cho biết họ không tìm cách hạn chế hoạt động của WhatsApp trên lãnh thổ Nga, nhưng việc Meta Plaforms bị coi là cực đoan sẽ cấm công ty này kinh doanh tại Nga.

Hiện vẫn chưa rõ bằng cách nào dịch vụ nhắn tin WhatsApp có thể tiếp tục hoạt động trong trường hợp Meta Plaforms bị chỉ định là "tổ chức cực đoan".

Chịu trách nhiệm chặn Facebook và Instagram, cơ quan quản lý truyền thông Nga (Roskomnadzor) cho biết sẽ ủng hộ lệnh cấm với các hoạt động của Meta Plaforms. TASS đưa tin, một đại diện của Tổng cục An ninh Liên bang Nga đã lặp lại quan điểm đó tại tòa án.

Sơn Vân