Doanh nghiệp Hàn Quốc đòi chính phủ đưa Việt Nam trở lại danh sách miễn cách ly khi nhập cảnh sau 1.4

Sự kiện - Ngày đăng : 16:29, 22/03/2022

Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã loại Việt Nam khỏi danh sách quốc gia được miễn cách ly sau nhập cảnh từ ngày 1.4 tới. Điều này vấp lại phản ứng mạnh mẽ của doanh nghiệp Hàn Quốc.

Ban đầu, KDCA đã loại bỏ Pakistan và Uzbekistan khỏi danh sách quốc gia được miễn cách ly sau nhập cảnh kể từ ngày 1.4, rồi sau đó bổ sung Việt Nam. Theo đó, từ ngày 1.4, công dân Hàn Quốc và người nước ngoài nhập cảnh từ Việt Nam, Pakistan và Uzbekistan sẽ phải cách ly 7 ngày dù đã hoàn tất tiêm chủng.

Theo đài KBS, khi công văn về nội dung này được đưa ra, phần lớn người Hàn Quốc đang cư trú tại Việt Nam đều cảm thấy bất bình, thậm chí có người còn yêu cầu Đại sứ quán Hàn Quốc giải thích lý do loại Việt Nam khỏi danh sách được miễn cách ly. Nhiều trường hợp công dân Hàn Quốc hủy lịch trình về nước và vé máy bay.

Chiều 21.3, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan đã mở cuộc họp khẩn cấp với đại diện các tổ chức như Hội người Hàn và KORCHAM, thu thập ý kiến và chuyển cho Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.

Trang Facebook của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam hôm qua cũng thông báo:

"Trong thời gian chờ đợi, Đại sứ quán của chúng tôi đã và đang làm việc để giảm thiểu những bất tiện liên quan đến việc xuất nhập cảnh của công dân Hàn Quốc.

Để đạt được mục tiêu, chúng tôi đã liên tục tham khảo ý kiến ​​của các bộ ngành liên quan trong nước về việc chỉ định này. Về việc chỉ định, chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực thông báo về tình hình kiểm dịch tại Việt Nam và những khó khăn của người Hàn Quốc với các bộ, ban ngành liên quan ở nước sở tại để những bất tiện của công dân có thể được giải quyết trong thời gian sớm nhất".

han.jpg
Thông báo của Đại sứ quán Hàn Quốc

Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, năm 2021 có khoảng 156.000 người Hàn Quốc sinh sống tại Việt Nam. Con số này chỉ đứng sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM) Kim Han-yong nhận định biện pháp lần này không có lợi trong quan hệ giữa hai nước, gây tổn thất cho doanh nghiệp Hàn Quốc, kêu gọi Seoul sớm chỉ định Việt Nam là nước được miễn cách ly.

Hồi giữa tháng 3, Chính phủ Việt Nam đã quyết định miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 13 nước, gồm cả Hàn Quốc, sau 2 năm áp dụng nhiều biện pháp chống dịch, nhằm thúc đẩy ngành du lịch. Do đó, người Hàn Quốc có thể nhập cảnh miễn thị thực vào Việt Nam, bất kể loại hộ chiếu hay mục đích nhập cảnh, với thời gian lưu trú là 15 ngày. Ngoài ra, nếu có xét nghiệm âm tính với COVID-19 thì người nhập cảnh sẽ được miễn cách ly.

Ngày 21.3, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin Việt Nam công nhận lẫn nhau hộ chiếu vắc xin với các nước, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã rất tích cực, chủ động đàm phán, đẩy nhanh quá trình công nhận lẫn nhau hộ chiếu vắc xin với các quốc gia/vùng lãnh thổ.

Theo đó, tính đến ngày 17.3.2022, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vắc xin lẫn nhau với 17 quốc gia, bao gồm Mỹ, Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Nhật Bản, Úc, Belarus, Ấn Độ, Campuchia, Philippines, Maldives, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Sri Lanka, New Zealand, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc.

Người mang hộ chiếu vắc xin của các nước này vào Việt Nam và của Việt Nam đến các nước này được áp dụng những biện pháp y tế như người đã tiêm vắc xin ở sở tại. Sự công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận. Ngoài ra, đến nay Việt Nam vẫn đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm vắc xin  của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.

Hộ chiếu vắc xin được hiểu là giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 hoặc/và giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19. Hộ chiếu vắc xin được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng, khỏi bệnh của cá nhân, không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực… Hộ chiếu vắc xin nước ngoài được coi là hợp lệ và được sử dụng trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam nếu được công nhận chính thức hoặc tạm thời bởi Chính phủ Việt Nam.

A.T