Đồng tiền ẩn danh tăng giá khi bitcoin giảm và không đủ bảo mật với người dùng

Thế giới số - Ngày đăng : 17:22, 22/03/2022

Bitcoin không đủ ẩn danh với một nhóm người dùng tiền điện tử ngày càng tăng, những người đang tìm kiếm sự tách biệt hơn.

Được tạo ra với mục đích chính là che giấu danh tính của người dùng và thông tin chi tiết các giao dịch, đồng tiền ẩn danh (privacy coins) đã lặng lẽ tăng giá trong tháng này.

Monero và Zcash, hai trong số những đồng tiền ẩn danh phổ biến nhất, đã tăng lần lượt 7,6% và 46% kể từ ngày 1.3 ngay cả khi bitcoin mất giá khoảng 5%, theo dữ liệu của trang CoinMarketCap.

Monero và Zcash đã tăng 4,7% và 16% trong tuần qua. Một chỉ số theo dõi các đồng tiền ẩn danh rộng hơn, được biên soạn bởi công ty nghiên cứu Macro Hive, đã tăng 4%.

Đây có thể là một điểm sáng trong sự phát triển hoang dã của các đồng tiền ẩn danh, vốn che giấu nhiều thông tin hơn về số tiền giao dịch và các bên thông qua sự khác biệt trong các blockchain cơ bản của chúng.

dong-tien-an-danh-tang-gia-khi-bitcoin-giam.png
Monero và Zcash tăng giá thời gian qua

Trong 5 năm qua, vốn hóa thị trường của Monero (tổng giá trị tất cả các đồng tiền hiện có) đã tăng từ 100 triệu USD lên 6,8 tỉ USD, theo dữ liệu của CoinMarketCap.

Tuy nhiên, sự quan tâm đến quyền riêng tư của tiền mã hóa trùng khớp với chức năng giảm dần của bitcoin như một loại tiền tệ ẩn danh. Điều này cũng diễn ra trong bối cảnh chiến tranh ở châu Âu, một mạng lưới cấm vận thắt chặt và những ồn ào từ các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản về việc điều tiết thị trường tiền mã hóa.

Aidan Arasasingham và Gerard DiPippo, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington (Mỹ), lưu ý rằng bitcoin không thực sự ẩn danh, mà là bút danh, có thể giữ tiền trong ví được mở dưới tên thay thế hoặc tên giả.

"Nếu một ví có thể được liên kết với một thực thể hoặc một người thì người đó có thể được xác định. Các giao dịch và ví của họ có thể truy tìm được", Aidan Arasasingham và Gerard DiPippo viết trong bối cảnh có khả năng tiền mã hóa được sử dụng ở Nga và Ukraine để chuyển tiền.

Tuy nhiên, có một số trở ngại khiến các đồng tiền ẩn danh không trở thành một loại tiền thay thế hàng đầu hoặc thay cho bitcoin (có vốn hóa thị trường khoảng 776 tỉ USD).

Ví dụ, một số sàn giao dịch tiền điện tử lớn không liệt kê các đồng tiền ẩn danh do khả năng hoạt động bất hợp pháp của chúng. Khối lượng giao dịch hàng ngày của Monero chủ yếu dưới 250 triệu USD trong tháng 3 này, trong khi Ripple chứng kiến ​​hơn 1,5 tỉ USD được giao dịch mỗi ngày.

Dave Siemer, Giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản Wave Financial (thành phố Los Angeles, Mỹ), người sở hữu một số đồng Monero, nói: "Đồng tiền ẩn danh có thể sẽ phát triển. Thách thức là bạn phải làm nhiều việc khiến chúng trở nên ẩn danh, điều này khiến trải nghiệm của người dùng tồi tệ và làm tăng thêm chi phí giao dịch lớn".

Đồng tiền ẩn danh đã phát triển những năm gần đây khi khả năng các cơ quan chức năng theo dõi hoạt động của blockchain với bitcoin và các loại tiền mã hóa lớn khác trở nên tiên tiến hơn.

Teunis Brosens, nhà kinh tế trưởng về tài chính kỹ thuật số và quy định tại ING (ngân hàng và dịch vụ tài chính đa quốc gia Hà Lan), nói: “Với một số nỗ lực, các coin có thể bị truy ngược trở lại đến satoshi, đơn vị nhỏ nhất của bitcoin. Các báo cáo gần đây về việc thu hồi tiền từ vụ tấn công bằng ransomware và bắt giữ những kẻ hack sàn giao dịch tiền điện tử được thực hiện cách đây nhiều năm, đã chứng minh cho tiến trình này".

Coin là loại tài sản tiền điện tử hoạt động độc lập và được phát hành trên chính blockchain của nó.

Satoshi là đơn vị nhỏ nhất của bitcoin được đặt tên theo tên cha đẻ đồng tiền này - Satoshi Nakamoto.

Ransomware là một loại phần mềm độc hại, sau khi lây nhiễm vào máy tính, mã hóa hoặc chặn truy cập dữ liệu trên đĩa và sau đó thông báo cho nạn nhân về khả năng khôi phục chúng. Tất nhiên việc này không miễn phí và cần phải chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định.

Các cơ quan quản lý lớn đã đưa thị trường tiền mã hóa vào tầm ngắm, với những nỗ lực tăng cường do lo ngại rằng các nhà tài phiệt Nga và những người bị trừng phạt khác có thể sử dụng bitcoin để chuyển tiền một cách bí mật.

Các thượng nghị sĩ Mỹ đã giới thiệu một dự luật có thể trao quyền cho Tổng thống trừng phạt các công ty tiền điện tử nước ngoài. EU cũng đã bỏ phiếu ủng hộ luật tài sản kỹ thuật số toàn diện. Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản nói sẽ trừng phạt bất kỳ ai thanh toán trái phép cho những đối tượng bị trừng phạt.

Bitcoin chuyển động như thế nào?

Các chuyển động của bitcoin đã bị kìm hãm một phần bởi cuộc chiến ở Ukraine và động thái từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Kingpin đã bị mắc kẹt trong khoảng 35.000 đến 45.000 USD kể từ giữa tháng 1.2022, không thể đạt được mức 50.000 USD mà nó đã giữ vào cuối năm 2021. Tỷ lệ vị thế long-to-short của bitcoin trên sàn Binance là 1,5, tương đương mức vào ngày 24.2 khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine.

Trong khi đó, dữ liệu từ công ty Glassnode cho thấy một bước nhảy vọt về tỷ lệ nguồn cung bitcoin được hấp thụ bởi các thực thể có lịch sử thống kê thấp về việc chi tiêu nó.

Marcus Sotiriou, nhà phân tích tại công ty môi giới tài sản kỹ thuật số GlobalBlock (Anh), coi đây là "gợi ý về cấu trúc thị trường tăng giá trong trung dài hạn".

Marcus Sotiriou nói: “Bitcoin đang ở mức dưới 41.000 USD khi tỷ lệ người nắm giữ dài hạn trên thị trường tiếp tục tăng”.

Sơn Vân