Ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:15, 22/03/2022
Chiều 22.3, Đoàn Thanh niên của Bộ KH-CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc, ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt”.
Tái cơ cấu nền nông nghiệp trong bối cảnh mới
Truy xuất nguồn gốc đã và đang trở thành vấn đề cấp thiết và trở thành xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc trong xuất, nhập khẩu và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong lĩnh vực nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc trở nên đặc biệt quan trọng khi các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực này liên quan đến sức khỏe con người.
Theo ông Lê Xuân Định – Thứ trưởng Bộ KH-CN, trong nền kinh tế 4.0, thông tin về sản phẩm hàng hóa đều được theo dõi một cách toàn diện. Truy xuất nguồn gốc là nền tảng cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh 4.0.
Thứ trưởng cho biết trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng nền tảng số được xác định là một trong những khâu đột phá, tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp, thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản, hướng tới các tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức lớn của cuộc CMCN 4.0 cùng tác động của dịch COVID-19, chuyển đổi số chính là xu hướng tất yếu để các ngành kinh doanh tái cơ cấu sau đại dịch. Đặc biệt, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng nền tảng số sẽ giúp tái cơ cấu nền nông nghiệp trong bối cảnh mới, đảm bảo sự minh bạch của hàng hóa.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH-CN cũng cho biết hiện Bộ KH-CN đang xây dựng kế hoạch với nhiều nội dung triển khai liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc, trong đó có xây dựng Cổng thông tin truy xuất hàng hóa quốc gia...
Nâng cao uy tín nông sản Việt Nam
Ông Lê Nhật Thành - Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: “Truy xuất nguồn gốc giúp nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam vào các thị trường có giá trị cao, để việc đàm phán mở cửa hàng nông sản vào các thị trường khác được thuận lợi hơn...".
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương) đã giới thiệu về ứng dụng iTRACE247.
Theo bà Thúy, ứng dụng này đã triển khai thí điểm thành công cho nhiều sản phẩm của Việt Nam. Điển hình như mận Yên Châu, xoài Yên Châu (Sơn La); nhãn Hưng Yên, vải Lục Ngạn (Bắc Giang); vải Thanh Hà và su hảo, bắp cải, cà rốt ở Hải Dương.
Ngoài ra, liên quan đến Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số DECOBIZ, bà Thúy cho biết hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số là kết cấu hạ tầng mềm trong thương mại do Chính phủ đầu tư, phát triển, gồm các nền tảng cơ bản dùng chung cho nền kinh tế, như Hội chợ, triển lãm số, Kết nối giao thương thông minh…
Trong Hệ sinh thái này, bao gồm Hệ thống quản trị thông tin điều hành xúc tiến thương mại, Nền tảng Hội chợ, Triển lãm số, Định danh điện tử/Truy xuất, Nền tảng kết nối kinh doanh, Thông tin khuyến mại, Tư vấn – huấn luyện chuyên ngành xúc tiến thương mại, Logistics và các nền tảng khác.
Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến Bản đồ xúc tiến thương mại nông sản Việt Nam. Nền tảng bản đồ phát triển theo quy định Cục đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.
Bản đồ có chức năng giới thiệu, tìm kiếm (theo sản phẩm, địa lý, thời gian…), liên hệ (các kênh hỗ trợ), bản đồ điện tử, danh sách các sản phẩm nông sản, danh sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, còn có Nền tảng định danh điện tử với Chứng minh thư QR là cơ sở để quản lý và xúc tiến thương mại. Trong đó, có chứng minh thư QR cho từng thành viên; chứng minh thư QR cho từng loại sản phẩm và dịch vụ; chứng minh thư QR từng lô sản phẩm; chứng minh thư QR cho từng sản phẩm.
Nền tảng định danh điện tử cho doanh nghiệp xúc tiến thương mại, phục vụ các tổ chức khẳng định uy tín, sự tồn tại hợp pháp của mình trên thị trường.