TP.HCM mở chiến dịch tiêm vắc xin bạch hầu cho tất cả trẻ 7 tuổi
Sự kiện - Ngày đăng : 20:21, 23/07/2020
Bệnh bạch hầu tiếp tục gia tăng, Bộ Y tế gửi công văn đến tất cả các tỉnh, thành
Xuất hiện 16 ổ dịch bạch hầu tại các tỉnh Tây Nguyên
Đã có 68 ca dương tính: Vì sao dịch bệnh bạch hầu bất ngờ gia tăng?
Bệnh bạch hầu bùng phát, Bộ Y tế ra công điện khẩn
Chiều nay (23.7), tại Hội nghị sơ kết công tác tiêm chủng 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, đến hết tháng 6.2020, các trẻ sinh từ tháng 1 đến tháng 9.2019 trên địa bàn TP tiêm chủng đầy đủ chỉ được 54,5%, trong khi chỉ tiêu phải đạt là 71,3%, thiếu hơn 15%.
Đối với các trẻ sinh năm 2019 nói chung, đến tháng 4 năm 2020 còn thiếu 20% trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ; tháng 5 còn thiếu 18% trẻ chưa tiêm chủng đầy đủ; tháng 6 vừa qua còn thiếu15% trẻ chưa tiêm chủng đầy đủ, chậm hơn 2 tháng so với kế hoạch.
Bác sĩ Lê Hồng Nga- Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, hiện có 11 quận huyện thiếu hơn 15% trẻ sinh năm 2019 chưa tiêm đầy đủ các mũi tiêm theo lịch, 132 phường xã thiếu hơn 15% trẻ sinh năm 2019 chưa tiêm đầy đủ mũi tiêm theo lịch.
Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh bạch hầu đang bùng phát, tỷ lệ trẻ sinh năm 2019 tiêm đủ 3 mũi bạch hầu mới đạt 88% (trong khi thời điểm hiện tại phải đạt 95%), thiếu đến 7%, chậm khoảng 1 tháng.
Trong khi đó, trẻ sinh năm 2018 tỷ lệ tiêm nhắc bạch hầu mũi 4 chỉ có 65,4% (chỉ tiêu phải đạt là 80%), thiếu 25%, chậm gần 4 tháng. Riêng những trẻ sinh năm 2018 tiêm nhắc sởi 2 cũng chưa đạt chỉ tiêu, chỉ mới có 73,4%, trong khi đó chỉ tiêu hiện tại phải đạt 95%, thiếu 22%, chậm gần 4 tháng.
“Tiêm chủng đầy đủ, nhất là trong điều kiện dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp như hiện nay là cách tốt nhất để bảo vệ cho trẻ. Tuy nhiên, hiện nay các trẻ sinh từ tháng 9 trở lại của năm 2019 vẫn tiêm chưa đủ 3 mũi DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván). Trong khi đó, nếu theo lịch tiêm, những trẻ sinh vào cuối năm 2019 thì đã tiêm đủ 3 mũi DPT vào cuối tháng 4.2020 rồi”, bà Nga chia sẻ.
Theo bà Nga nguyên nhân của việc tiêm chủng chậm trễ, chưa đạt chỉ tiêu là do những tháng đầu năm 2020 trùng với thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, hơn nữa thói quen của nhiều cha mẹ không muốn đưa con mình tiêm chủng vào những ngày đầu năm; đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến tâm lý lo sợ lây bệnh, ngại đưa trẻ đến nơi đông người.
Để đảm bảo các trẻ sinh năm 2019 được tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm theo đúng lịch tiêm, bà Nga đề nghị các trung tâm y tế quận, huyện và các trạm y tế xã phường phải rà soát danh sách trẻ quản lý; rà soát mũi tiêm của trẻ; tăng cường công tác truyền thông đại chúng tuyến quận, huyện, phường xã; tăng số buổi tiêm để tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tiêm chủng.
“Các trung tâm y tế quận huyện, các trạm y tế xã phường quản lý trẻ là phải xem trẻ trong độ tuổi đó đang sống ở địa phương đã tiêm đủ mũi tiêm theo lịch tiêm chủng hay chưa, chứ không phải quản lý là buộc trẻ đó phải đến cở sở tiêm chủng của mình để tiêm. Các trẻ có thể tiêm chủng bất cứ ở đâu, không nhất thiết phải tiêm ở địa phương, nhưng địa phương phải có trách nhiệm quản lý”, bà Nga lưu ý.
Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bạch hầu đang lây lan phức tạp ở các tỉnh Tây Nguyên, Trung tâm kiểm soát bện tật TP.HCM quyết định mở chiến dịch tiêm vắc xin Td (uốn ván, bạch hầu) cho tất cả trẻ 7 tuổi để đảm bảo đủ miễn dịch, phòng ngừa lây nhiễm bạch hầu. “Bắt đầu từ tháng 10.2020, toàn TP sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi nhằm đảm bảo đủ miễn dịch bạch hầu, phòng lây nhiễm bệnh này; đồng thời trong tháng 9 và tháng 11, TP cũng sẽ mở chiến dịch uống bOPV cho trẻ dưới 5 tuổi tại các quận 8, 10, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận”, bà Nga cho biết.
Hồ Quang