Golf - môn thể thao nhà giàu và những góc khuất đằng sau ít ai biết

Phong cách - lối sống - Ngày đăng : 14:23, 23/03/2022

Từ lúc xuất hiện cho tới nay, golf vẫn luôn là môn thể thao đẳng cấp dành riêng cho giới thượng lưu, giàu có vì những chi phí đắt đỏ phải “đầu tư” khi tham gia bộ môn này.

Theo khảo sát trong năm 2021 của Viện nghiên cứu Wealth-X, golf là môn thể thao được giới nhà giàu ưa chuộng nhất. Dữ liệu cho thấy 18,6% những người có tài sản từ 5 triệu đến 30 triệu USD thích chơi và xem đánh golf.

Bóng đá, môn thể thao phổ biến nhất thế giới, đứng thứ hai với 11,6% người lựa chọn. Tuy nhiên, Wealth-X lưu ý rằng các cá nhân giàu có thường chỉ xem mà ít khi chơi môn thể thao vua. Trượt tuyết, được biết đến với những khu nghỉ dưỡng sang trọng và độc quyền được giới nhà giàu ưa chuộng, đứng thứ ba với 10,9% lựa chọn.

Kết quả không có gì đáng ngạc nhiên khi lâu nay golf vẫn được mệnh danh là "môn thể thao nhà giàu" hay "bộ môn chỉ dành cho giới thượng lưu".

sangolf.png
Golf được xem là môn thể thao của người giàu và là nơi gặp gỡ, trao đổi công việc, tìm kiếm cơ hội đầu tư, thậm chí là nơi "khởi nghiệp" 

Xuất xứ là môn thể thao bình dân nhưng lại là thú tiêu khiển của giới thượng lưu thế giới thời hiện đại

Theo các tài liệu ghi lại, golf ra đời vào khoảng thế kỷ 15, tại Scotland. Khi đó, đây là môn thể thao dành cho mọi tầng lớp trong xã hội, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Người Scotland thường chơi golf trên các bãi đất trống với dụng cụ thô sơ tự chế. Golf lúc này chưa có luật chơi rõ ràng, chỉ là một môn tiêu khiển khá thoải mái và lộn xộn, đi kèm với các cuộc nhậu nhẹt của cánh đàn ông. Tới năm 1457, Scotland phải ra luật cấm chơi golf vì môn thể thao này quá phổ biến tới mức người dân và binh sĩ trong nước vì đam mê golf mà bỏ bê việc luyện tập bắn cung – một kỹ năng vô cùng cần thiết trong chiến tranh để bảo vệ đất nước. Đến năm 1500, lệnh cấm này được gỡ bỏ.

Năm 1744, câu lạc bộ golf đầu tiên có tên gọi: “Honourable Company of Edinburgh Golfers” ra đời và soạn thảo luật chơi chính thức cho môn thể thao này, cũng như đứng ra tổ chức các cuộc thi đấu thường niên. Từ đó, các tổ chức tư nhân bắt đầu quan tâm hơn tới golf và đầu tư hoàn thiện, sản xuất các dụng cụ chơi cần thiết như bóng, gậy, trang phục chơi golf...

Ngày nay, golf đã trở thành môn thể thao phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới và được giới thượng lưu chọn làm thú vui tiêu khiển.

Tại Việt Nam, golf được du nhập về vào những năm 1920 nhờ vua Bảo Đại. Ở thời điểm đó, đây là môn thể thao cực kì xa xỉ, chỉ dành riêng cho vua chúa và hiếm có người dân nào biết tới. Tới những năm 1990, golf mới thực sự nổi tiếng và phổ biến ở nước ta, song vẫn không phải là môn thể thao đại chúng.

Vì sao golf là môn thể thao của nhà giàu?

Từ lúc xuất hiện cho tới nay, golf vẫn luôn là môn thể thao đẳng cấp dành riêng cho giới thượng lưu, giàu có vì những chi phí đắt đỏ phải “đầu tư” khi tham gia bộ môn này.

Trong khi đa phần các môn thể thao đều không yêu cầu quá cao hay cầu kỳ về trang phục, dụng cụ của người chơi, thì golf lại khác. Trang phục, thiết bị chơi golf, đặc biệt là những loại chất lượng, độc quyền, có giá rất cao.

Thông thường, bạn cần diện một chiếc áo phông có cổ và một chiếc quần short kiểu Docker hoặc quần dài kiểu slack, còn phụ nữ có thể mặc áo cùng với váy chuyên dụng để có thể đặt chân vào các sân golf; thế nhưng có một số sân golf lại đề ra những quy định cụ thể hơn về trang phục. Độ khắt khe của các quy định này phụ thuộc vào chính sách của từng sân golf, và bạn có thể dễ dàng đoán được điều này dựa vào phí sử dụng: phí sử dụng càng cao thì sân golf đó càng có nhiều yêu cầu về trang phục, quy cách dành cho người chơi.

Để chơi golf, bạn cần trang bị một bộ dụng cụ cơ bản, bao gồm: bộ gậy, túi đựng gậy, bóng, cọc đặt bóng, găng tay và giày chơi golf. Ngoài ra, bạn còn có thể sắm thêm cho mình các vật dụng khác tuỳ theo nhu cầu như kính râm, mũ, bình nước hoặc hộp cứu thương. Hầu hết các dụng cụ này đều được sản xuất bởi các hãng danh tiếng và có giá không hề rẻ. Người chơi golf còn thông qua trang phục hay dụng cụ chơi để thể hiện đẳng cấp, sự sang trọng, giàu có và độ chịu chơi của mình.

Thêm vào đó, chi phí để gia nhập các câu lạc bộ golf cũng không hề rẻ. Theo Forbes, phí để gia nhập Augusta National Golf Club (Georgia, Mỹ), câu lạc bộ golf hàng đầu với Warren Buffett và Bill Gates là thành viên, ở mức 250.000-500.000 USD.

chiphichoigolf.png
Bản liệt kê chi phí chơi golf của một triệu phú công nghệ Hùng Đinh chia sẻ trên mạng xã hội

Tại Việt Nam, chi phí chơi golf là con số có thể khiến dân văn phòng phải "rùng mình" vì riêng tiền thẻ hội viên đã hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Còn nếu là khách vãng lai thì tầm vài triệu đồng mỗi buổi. Khách còn phải trả tiền thuê xe điện, thuê caddy (nhân viên kéo gậy) và tip cho nhân viên, tốn thêm hàng triệu đồng.

Với những người mới làm quen với golf, gọi là “newbie”, còn phải trả tiền cho các khóa học nhập môn hoặc thuê người hướng dẫn chuyên nghiệp. Ở Việt Nam, chi phí để đầu tư cho người mới bắt đầu khoảng vài nghìn USD.

Theo số liệu thống kê của Asia Golf năm 2017, Việt Nam có khoảng 30.000 đến 35.000 người chơi golf nhưng chắc chắn trong thực tế con số này còn lớn hơn nhiều ở thời điểm hiện nay.

Tất cả những chi phí này khiến golf trở thành một môn thể thao khó tiếp cận và được mặc định chỉ dành cho nhóm người có thu nhập cao.

Và do chi phí nhập môn cao nên golf đã gắn liền với tiền bạc và địa vị xã hội.

Thực tế, ngay cả những người không nhất thiết phải chơi golf vẫn đăng ký làm thành viên các câu lạc bộ để được nhìn nhận là tầng lớp khá giả về kinh tế.

Thành viên của các câu lạc bộ chơi golf thường là doanh nhân, chính trị gia, người nổi tiếng… và trong đó, không phải ai cũng thích môn thể thao này mà chỉ đơn giản là chọn nơi này kết nối, giao lưu, mở ra cơ hội hợp tác làm ăn với những người giàu có khác.

hienho2.png
Hiền Hồ gần đây vướng phải những ồn ào xoay quanh đời tư. Nữ ca sĩ trẻ thường xuyên đăng tải những tấm ảnh ở sân golf với trang phục đắt tiền - Ảnh: Internet

Sân golf: Nơi tìm kiếm các mối quan hệ làm ăn, gái xinh tìm “nơi nương tựa”

Không chỉ là địa điểm chơi thể thao, mở ra cơ hội giao lưu, hợp tác mà các sân golf còn trở thành nơi phục vụ cho những mục đích riêng của một số người. Có thể là chỗ chụp hình sống ảo, là cơ hội tìm kiếm người yêu, mối quan hệ với người giàu có.

Trên nhiều trang web hay bài đăng tư vấn hẹn hò, "sân golf" luôn lọt top những nơi nên đến dành cho các cô gái muốn tìm được người bạn đời giàu có, bên cạnh các bữa tiệc từ thiện, spa sang trọng hay buổi đấu giá.

"Golf là bộ môn không phải ai cũng có thể chơi. Nếu muốn gặp những người đàn ông giàu có, hãy đến sân golf. Hãy nhớ kiểm tra quy tắc về trang phục để trông ổn nhất khi tới", trang Amolife viết.

Với nhiều CEO, sân golf không chỉ là nơi để thư giãn, rèn luyện sức khỏe mà còn là nơi để họ có thể tạo dựng mối quan hệ cũng như trao đổi về công việc kinh doanh. Đây là lý do golf là môn thể thao yêu thích của giới CEO, doanh nhân thành đạt. Thậm chí, sân golf là nơi trao đổi công việc, và ký kết những hợp đồng triệu đô.

Theo Forbes, những CEO thường xuyên chơi golf được trả lương trung bình cao hơn 17% so với những người không chơi.

Golf không chỉ hút nam giới mà nó cũng có sức hút đối với phái đẹp. Tờ CNBC dẫn số liệu của Hiệp hội golf chuyên nghiệp nữ ở Mỹ cho thấy, có 79% người chơi golf là nữ được hỏi cho rằng môn thể thao này giúp họ hiểu hơn về ai đó trên sân, 73% người được hỏi cho rằng golf giúp phát triển các mối quan hệ mới và 62% chị em cho rằng chơi golf giúp thử sức với những điều mới mẻ.

phunu.jpg

Nhiều phụ nữ thừa nhận, sân golf là nơi có thể tìm thấy đàn ông thành đạt - Ảnh: Fine Magazine

Bên cạnh đó, sân golf lại chính là nơi được gợi ý có thể giúp chị em tìm được đàn ông giàu có. Trong bài viết đăng tải hồi năm 2015 trên website Hubapes, tác giả bài viết cho rằng, đàn ông giàu có chơi golf. Cho nên, địa điểm có thể tìm được những người đàn ông giàu có là sân golf.

Tạp chí GolfDigest uy tín từng đăng tải bài viết kể về câu chuyện hẹn hò nhờ cuộc đánh golf của một cặp đôi.

Thậm chí, sân golf còn là địa điểm lý tưởng của những sugar baby 'săn kiếm đại gia', tìm người 'nương tựa'.

Ở góc khác, sân golf còn là nơi núp bóng cho một số hoạt động phi pháp như mại dâm. Korea Times đăng tải, nhiều công ty môi giới trực tuyến ở xứ kim chi chuyên cung cấp các dịch vụ ghép đôi bạn đồng hành chơi golf song trên thực tế là kết nối những người mua dâm và bán dâm.

Những kẻ môi giới thường không nói thẳng việc mua bán dâm mà ngụ ý bằng cách dùng các cụm từ liên quan đến việc chơi golf, ví dụ như "after" và "handi". Theo đó, "after" đề cập đến dịch vụ tình dục được cung cấp bởi gái mại dâm sau khi cặp đôi kết thúc chơi golf, còn "handi" - viết tắt của "handicap", chỉ điểm số của người chơi golf - lại có nghĩa là phí mua dâm.

Sau khi khách hàng liên hệ với nhà môi giới thông qua mạng xã hội và chỉ định người phụ nữ mình muốn "chơi golf" cùng, anh ta sẽ nhận được tin nhắn thông báo về các dịch vụ đi kèm, giá cả. Khách hàng có thể chọn thời lượng sử dụng dịch vụ, từ 1, 2 ngày đến lâu hơn.

Minh An