Trung Quốc lên kế hoạch đón khách du lịch trên trạm vũ trụ Thiên Cung

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:46, 23/03/2022

Trung Quốc đang khuyến khích các chuyến du lịch không gian thương mại. Theo đó, trạm vũ trụ Thiên Cung có thể mở cửa cho khách du lịch vũ trụ trong vòng 10 năm tới.
tram-v-tru.jpg
Hình ảnh minh họa trạm vũ trụ Trung Quốc bay trên quỹ đạo Trái đất

Yang Liwei, người đã làm nên lịch sử vào năm 2003 khi trở thành phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc lên không gian, nói với truyền thông rằng những người không được đào tạo thành phi hành gia chính thức có thể sớm đến thăm trạm vũ trụ Thiên Cung.

“Đây không phải là vấn đề công nghệ mà là nhu cầu. Và nó có thể thành hiện thực trong vòng một thập kỷ miễn là có nhu cầu như vậy”, Yang nói khi được hỏi liệu người dân có thể tham quan trạm Thiên Cung hay không.

Ông Yang đã trả lời với tư cách là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), một phần của các phiên họp chính trị hàng năm của Trung Quốc đang diễn ra tại Bắc Kinh.

Chu Jianping, nhà thiết kế chính của chương trình tàu vũ trụ chở người của Trung Quốc, nói rằng tàu vũ trụ của phi hành đoàn Thần có thể được sử dụng cho du lịch vũ trụ. Những phát biểu trên cho thấy Trung Quốc đang tìm cách xây dựng thị trường du lịch vũ trụ.

Nhưng trước tiên, Trung Quốc cần hoàn thiện trạm vũ trụ 3 module hình chữ T và đưa nó vào hoạt động hoàn chỉnh. Trung Quốc có kế hoạch thực hiện 6 nhiệm vụ trong năm nay để hoàn thành trạm vũ trụ Thiên Cung.

Các nhiệm vụ bao gồm phóng 2 module mới, 2 tàu cung ứng hàng hóa và 2 tàu chở phi hành đoàn là Thần Châu 14 và Thần Châu 15. Mỗi chuyến tàu sẽ chở 3 phi hành gia, đồng nghĩa sẽ có 6 phi hành gia cùng lúc làm việc trên trạm vũ trụ trong thời gian ngắn.

Tàu vũ trụ Thần Châu, thường được phóng từ trung tâm Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi bằng tên lửa bằng tên lửa Trường Chinh 2F, sẽ không phải là lựa chọn duy nhất để đưa khách du lịch vào vũ trụ. Trung Quốc đang nghiên cứu một tên lửa có thể tái sử dụng cho các chuyến bay chở người lên không gian. Tên lửa này có khả năng phóng một mẫu tàu chở người mới với kích thước lớn hơn và có thể tái sử dụng một phần. Cách tiếp cận mới có nghĩa là nhiều người có thể bay lên vũ trụ cùng một lúc.

Trong khi tàu vũ trụ Thần Châu chỉ có thể chở 3 phi hành gia, phương tiện mới có khả năng chở 6-7 người, theo Huang Kewu, chuyên gia tại Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc.

Một số công ty khác cũng đang phát triển mảng du lịch vũ trụ. CAS Space, công ty thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), hướng tới việc cung cấp các chuyến bay vào vũ trụ cho khách du lịch sớm nhất vào năm 2025.

Trong khi đó, công ty máy bay vũ trụ Space Transportation đang phát triển một “tên lửa có cánh” cho du lịch vũ trụ. Công ty này đặt mục tiêu thực hiện chuyến bay dưới quỹ đạo đầu tiên năm 2025 và các chuyến bay lên quỹ đạo dự kiến diễn ra khoảng năm 2030.

Wu Ji, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Vũ trụ quốc gia thuộc CAS, hy vọng các công ty Trung Quốc có thể cạnh tranh trên thị trường du lịch vũ trụ quốc tế.

“Các chương trình thương mại có thể giúp giảm giá thành và nâng cao hiệu quả của các hoạt động không gian. Điều đó cũng sẽ mang lại lợi ích cho những người chơi truyền thống trong lĩnh vực này”, Wu nói.

Long Hải