Số ca COVID-19 trên thế giới tăng tuần thứ 2 liên tiếp, lò thiêu và nhà tang lễ ở Hàn Quốc quá tải

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 23:34, 23/03/2022

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca mắc COVID-19 mới trên thế giới tăng 7% trong tuần trước do lây nhiễm gia tăng ở Tây Thái Bình Dương, ngay cả khi số người chết được báo cáo giảm xuống.

Có hơn 12 triệu ca mắc COVID-19 mới tuần vừa qua và dưới 33.000 người chết, tỷ lệ tử vong giảm 23%, theo báo cáo của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc về đại dịch.

Số ca mắc COVID-19 giảm đều đặn trên toàn thế giới kể từ tháng 1.2022 nhưng tăng trở lại hai tuần gần đây do biến thể Omicron BA.2 dễ lây nhiễm hơn và việc ngừng các biện pháp hạn chế ở nhiều quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ cùng những nơi khác.

Các quan chức y tế đã nhiều lần nói rằng Omicron gây bệnh nhẹ hơn so với các biến thể SARS-CoV-2 trước đó và việc tiêm vắc xin, nhất là mũi tăng cường, có thể ngăn ngừa bệnh trở nặng.

Tây Thái Bình Dương vẫn là khu vực duy nhất trên thế giới có số ca mắc COVID-19 tăng (thêm 21% trong tuần qua).

WHO cảnh báo rằng với việc nhiều quốc gia bỏ các chương trình xét nghiệm rộng rãi, nhiều trường hợp mắc COVID-19 có khả năng bị bỏ sót.

Những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 tăng dần trên khắp châu Âu do BA.2 và việc nới lỏng gần như tất cả các biện pháp y tế công cộng.

Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc WHO châu Âu, cho biết các hạn chế ở nhiều quốc gia trên khắp lục địa này đã được dỡ bỏ “từ quá nhiều thành quá ít", lưu ý rằng trong những ngày gần đây số ca mắc COVID-19 gia tăng đáng kể ở Anh, Pháp, Ý và Đức.

Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Anh - Sajid Javid cho biết người dân Anh nên chuẩn bị cho sự gia tăng ca mắc COVID-19 nhưng nước này vẫn ở "vị trí rất tốt" do mức độ tiêm vắc xin cao.

Trong khi đó, cơ quan y tế của Trung Quốc hôm 19.3 đã báo cáo 2 trường hợp tử vong do COVID-19 đầu tiên sau 14 tháng khi nước này phải đối mặt với đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất kể từ khi vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện ở thành phố Vũ Hán.

so-ca-covid-tren-the-gioi-tang-tuan-thu-2-lien-tiep1.jpg
Nhân viên mặc đồ bảo hộ xịt thuốc khử trùng khi người dân đi xét nghiệm COVID-19 tại một địa điểm bên ngoài Tháp Trống ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: AP

Hồng Kông cũng đang cố thủ trong làn sóng chết người do Omicron gây ra. Thành phố 7,4 triệu dân này đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do COVID-19 hơn Trung Quốc trong đại dịch (6.569 so với 4.638).

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông – Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết nhà chức trách sẽ xem xét nới lỏng một số biện pháp nghiêm ngặt về đại dịch khi số ca mắc COVID-19 bắt đầu giảm, sau nhiều tuần gia tăng làm quá tải các bệnh viện và nghĩa trang.

Hàn Quốc ghi nhận 10 triệu ca COVID-19, lò thiêu và nhà tang lễ quá tải

Hôm 23.3, các nhà chức trách cho biết tổng số ca mắc COVID-19 của Hàn Quốc lên tới 10 triệu, tương đương gần 20% dân số, khi số người mắc bệnh nặng và tử vong ngày càng gia tăng khiến các lò hỏa táng, nhà tang lễ trên toàn quốc quá tải.

Hàn Quốc đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19 lớn nhất, do biến thể Omicron gây ra, khi đã loại bỏ phần lớn các nỗ lực truy vết và cách ly nghiêm ngặt trước đây cũng như nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã báo cáo 490.881 ca mắc COVID-19 hôm 22.3 (mức cao thứ hai hàng ngày sau khi đạt đỉnh vào ngày 16.3 với 621.205 ca) và 291 người chết.

Tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng lên 10.427.247 với 13.432 trường hợp tử vong.

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 của Hàn Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với nhiều nơi khác, vì gần 87% trong số 52 triệu dân đã tiêm vắc xin đầy đủ và 63% nhận mũi tăng cường.

Thế nhưng, số người chết do COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng gần gấp đôi chỉ trong khoảng 6 tuần. Số ca tử vong do COVID-19 trong một ngày cao nhất vào hôm 18.3 với 429 người, làm gia tăng nhu cầu tổ chức tang lễ.

Ngày 21.2, Bộ Y tế Hàn Quốc đã yêu cầu 60 lò hỏa táng trên toàn quốc hoạt động trong nhiều giờ hơn và 1.136 nhà tang lễ với khả năng lưu giữ khoảng 8.700 thi thể mở rộng cơ sở của họ.

"Sức chứa của các lò hỏa táng đang tăng lên, nhưng vẫn có sự khác biệt giữa các khu vực", theo Son Young-rae, quan chức của Bộ Y tế Hàn Quốc.

Các nhà chức trách đã tăng công suất hỏa táng từ khoảng 1.000 lên 1.400 thi thể mỗi ngày bắt đầu từ tuần trước. Tuy nhiên, một lượng lớn thi thể tồn đọng và phải chờ đợi lâu tiếp tục được ghi nhận tại khu vực dân cư đông đúc ở thủ đô Seoul.

Dữ liệu của Bộ Y tế cho thấy 28 lò hỏa táng ở thành phố Seoul đang hoạt động với 114,2% công suất tính đến ngày 21.3, trong khi tỷ lệ này là khoảng 83% ở các khu vực khác như Sejong và Jeju.

Các nhà hỏa táng sẽ tạm thời được phép nhận đặt trước từ bên ngoài khu vực của họ để giảm bớt tình trạng chất đống thi thể, ông Son Young-rae nói.

so-ca-covid-tren-the-gioi-tang-tuan-thu-2-lien-tiep.jpg
Nhiều người xếp hàng chờ đợi để được xét nghiệm COVID-19 tại địa điểm tạm thời ở trung tâm y tế công cộng thuộc thủ đô Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: Reuters

Park Hyang, quan chức khác của Bộ Y tế Hàn Quốc, nói số lượng ca mắc COVID-19 nặng ở mức trên 1.000 trong 2 tuần qua, nhưng có thể lên đến 2.000 vào đầu tháng 4. Khoảng 64,4% số giường trong phòng chăm sóc đặc biệt đã được lấp đầy vào ngày 23.3, so với khoảng 59% 2 tuần trước đó.

Là một phần trong nỗ lực hạn chế các ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19, cơ quan an toàn dược phẩm Hàn Quốc đã phê duyệt khẩn cấp việc sử dụng thuốc kháng uống vi rút molnupiravir của Merck & Co cho người lớn.

Molnupiravir (có nhãn hiệu Lagevrio ở Hàn Quốc) là thuốc kháng vi rút đường uống thứ hai được phê duyệt tại Hàn Quốc sau Paxlovid của Pfizer.

Cơ quan an toàn dược phẩm Hàn Quốc cho biết Lagevrio sẽ chỉ được phép sử dụng cho những bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên không mang thai, không thể điều trị bằng thuốc tiêm hoặc Paxlovid với hiệu quả cao hơn.

Bộ Y tế nói lô hàng Lagevrio đầu tiên cho 20.000 người dự kiến ​​sẽ đến vào 24.3.

"Hệ thống y tế đang chịu áp lực đáng kể, dù nó vẫn được vận hành trong phạm vi có thể kiểm soát được. Chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào các nhóm rủi ro cao trong tương lai và kiểm tra liên tục để đảm bảo rằng không có điểm mù", Park Hyang nói trong một cuộc họp báo hôm 23.3.

Sơn Vân