Từ nghi án lừa đảo hạt điều, DN cần lưu ý gì trong thương mại quốc tế?

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 09:32, 24/03/2022

Luật sư Kiều Anh Vũ cho rằng trong giao kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp cần tìm hiểu, thẩm định thông tin kỹ lưỡng đối tác và lựa chọn các phương thức giao nhận hàng, chọn phương thức thanh toán phù hợp, an toàn.

Liên quan đến nghi án lừa đảo 100 container hạt điều xuất khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Ý cho biết tính đến ngày 22.3, các doanh nghiệp Việt Nam đã tái xuất khẩu sang Hà Lan 8 container hạt điều có chứng từ gốc trong vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ý - ông Nguyễn Đức Thanh cho biết: "Chính quyền cảng La Spezia cam kết cùng với cảnh sát tài chính của cảng sẽ giữ lại số container mà các công ty Việt Nam mất kiểm soát bộ chứng từ, cập cảng này”.

Từ nghi án lừa đảo trong xuất khẩu hạt điều lần này, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty Luật KAV Lawyers cho rằng trong giao kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp cần tìm hiểu, thẩm định thông tin kỹ lưỡng đối tác và lựa chọn các phương thức giao nhận hàng, chọn phương thức thanh toán phù hợp, an toàn.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vụ việc này? Khi xảy ra trường hợp có nguy cơ bị lừa như vụ hạt điều thì các doanh nghiệp phải làm gì?

Luật sư Kiều Anh Vũ: Tôi cho rằng đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, có nguy cơ gây thiệt hại lớn đối với thương nhân Việt Nam, cụ thể là các thương nhân xuất khẩu điều với thiệt hại hàng triệu USD. Vụ việc cũng cho thấy nhiều vấn đề, những rủi ro trong thương mại quốc tế, xuất khẩu hàng hóa và những bài học nhất định.

Qua những thông tin đã công bố hiện nay, vụ việc được cho là có dấu hiệu “lừa đảo”. Tuy nhiên, có thật sự lừa đảo hay không thì cũng phải chờ kết quả điều tra chính thức từ cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan có thẩm quyền tại Ý.

kav2.jpg
Nghi án lừa đảo 100 container hạt điều xuất khẩu khiến doanh nghiệp lo lắng

Về vấn đề lừa đảo trong các giao dịch quốc tế nói chung, theo tôi, không thể qua một vụ việc mà đánh giá được. Như vậy, sẽ không toàn diện, khách quan. Tuy nhiên, có thể thấy rằng số vụ việc có yếu tố lừa đảo, có yếu tố gian lận thương mại chỉ chiếm số ít trong số các giao dịch quốc tế mà thôi. Không vì có nguy cơ bị lừa đảo, gian lận thương mại mà không giao thương quốc tế. Điều quan trọng là việc đánh giá rủi ro, phòng ngừa rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế.

Khi xảy ra trường hợp tương tự, nếu có nhiều doanh nghiệp trong cùng một vụ việc như vậy, đặc biệt cùng là các doanh nghiệp trong nước, thì cần nhanh chóng hợp tác với nhau để cùng xử lý; việc liên kết lại sẽ tạo ra những tác động mạnh mẽ, tích cực hơn đến cơ quan chức năng.

Thứ hai, cần nhanh chóng liên hệ, “nhờ” các cơ quan có thẩm quyền, có chuyên môn, có liên quan xử lý, cụ thể là Thương vụ Việt Nam tại quốc gia nơi có hàng hóa, công an, cảnh sát (vì có dấu hiệu lừa đảo).

Thứ ba, cần rà soát lại toàn bộ quá trình giao dịch, củng cố các chứng cứ để sẵn sàng có các hành động pháp lý tiếp theo.

Vậy, việc khởi kiện sẽ được tiến hành ra sao, thưa ông?

Luật sư Kiều Anh Vũ: Việc khởi kiện là để giải quyết tranh chấp trong giao dịch thương mại thông thường, có người bán, có người mua rõ ràng, có hành vi vi phạm hợp đồng như người mua nhận hàng nhưng không thanh toán, người bán giao không đủ hàng, không đảm bảo chất lượng,…

Trong vụ việc này, có dấu hiệu lừa đảo nên cần phải chờ kết quả của cơ quan chức năng xem thế nào. Nếu thực sự có việc lừa đảo, có yếu tố tội phạm thì vụ việc sẽ được xử lý theo một vụ án hình sự chứ không phải khởi kiện thông thường như các vụ tranh chấp thương mại khác.

Trường hợp không có việc lừa đảo mà chỉ đơn thuần là bên mua không thanh toán tiền hàng thì việc khởi kiện ở đâu, như thế nào, cũng phải căn cứ vào điều khoản giải quyết tranh chấp, điều khoản luật áp dụng trong hợp đồng. Chẳng hạn, các bên lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết không, Trung tâm trọng tài nào, địa điểm giải quyết tranh chấp ở đâu; nếu là tòa án thì tòa án nước nào,…

Có cách nào để các doanh nghiệp yêu cầu các hãng tàu ngừng giao hàng không, thưa ông? Trong vụ việc này, mấu chốt sẽ là gì? Doanh nghiệp có thể khắc phục ra sao?

Luật sư Kiều Anh Vũ: Cách thì có nhưng sẽ…khó và mất thời gian. Việc yêu cầu ngừng giao hàng phải phù hợp với quy định của pháp luật, đặc biệt là pháp luật của quốc gia nơi đang giữ hàng. Và tất nhiên cũng phải phù hợp thông lệ quốc tế về điều kiện giao hàng, đặc biệt là các chứng từ về giao nhận hàng hóa. Do đó, như cách các doanh nghiệp đã làm, thông qua sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ Việt Nam và cơ quan chức năng tại Ý, trước mắt đã hỗ trợ để phong tỏa một số container hàng. Tuy nhiên, việc phong tỏa này là có thời hạn.

Trường hợp muốn ngừng giao hàng, không cho giải phóng hàng thì phải có lệnh hay quyết định của cơ quan có thẩm quyền, chẳng hạn một quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Để được áp dụng biện pháp này thường phải gắn liền với một thủ tục tố tụng tại tòa án hoặc trọng tài và cũng mất thời gian nhất định để xử lý.

Có thể thấy có 2 vấn đề nổi bật trong vụ việc này là vấn đề giao hàng và vấn đề thanh toán. Vấn đề giao hàng liên quan đến người mua hàng, người nhận hàng, đơn vị vận chuyển; vấn đề thanh toán liên quan đến điều kiện thanh toán, hồ sơ, bộ chứng từ thanh toán. Về việc khắc phục, phụ thuộc vào kết quả điều tra, xử lý của cơ quan chức năng để có thể buộc “bên lừa đảo”, bên vi phạm chịu các trách nhiệm liên quan.

Ông có khuyến nghị khi giao kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, các điều khoản nào cần lưu ý cho doanh nghiệp khi giao kết hợp đồng?

Luật sư Kiều Anh Vũ: Trước khi giao kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, cần phải có sự tìm hiểu, thẩm định thông tin đối tác đó, dù là có qua bên môi giới hay không. Một số vấn đề cần thẩm định như thông tin pháp lý của đối tác, thời gian thành lập, thực tế hoạt động; thẩm định cả thông tin về lịch sử tranh chấp, kiện tụng, năng lực tài chính…

kav.jpg
Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty luật KAV Lawyers

Về điều khoản của hợp đồng, cần lựa chọn các phương thức giao nhận hàng, chọn phương thức thanh toán phù hợp, an toàn. Trong trường hợp cần thiết, nên có biện pháp bảo đảm thanh toán. Ngoài ra, các điều khoản về luật áp dụng, giải quyết tranh chấp cũng rất quan trọng. Có lẽ các doanh nghiệp cần có luật sư để tư vấn cụ thể về các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng thương mại quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Lam Thanh thực hiện