TP.HCM: Vì sao F0 vẫn chưa được đi học và làm việc?
Sự kiện - Ngày đăng : 18:56, 24/03/2022
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh văn phòng Sở Y tế TP đã chia sẻ như thế với báo chí vào chiều 24.3 về tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Số ca chuyển biến nặng giảm chưa bền vững
Theo bà Mai, sau khi đánh giá tình hình các ca nhiễm, ca tử vong, ca nặng, ca nhập viện, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND TP ban hành văn bản 822/ UBND-VX hướng dẫn biện pháp y tế đối với người tiếp xúc gần (F1). Theo đó, TP cho phép F1 được đi làm và học sinh được đi học với điều kiện phải kiểm soát để tránh lây lan dịch bệnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tại sao một số tỉnh thành như Long An, Cà Mau cho phép F0 được đi học và đi làm, nhưng TP lại chưa cho phép, bà Mai nói hiện nay theo chỉ đạo của Bộ Y tế F0 vẫn phải cách ly và điều trị, trong đó có cách ly tại nhà và điều trị tại bệnh viện theo hướng dẫn 20 của Bộ Y tế. “Khi có thông tin và hướng dẫn mới về điều này thì Sở Y tế sẽ cung cấp thông tin cho báo chí”, bà Mai nói.
Việc Sở Y tế tham mưu cho UBND TP, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP là nhằm mục đích kiểm soát dịch thật tốt để đảm bảo an ninh trật tự, để ổn định nhằm phát triển kinh tế.
“Hiện nay, TP chưa thực hiện cho F0 đi làm và học tập như các tỉnh, thành khác là do trong thời gian vừa qua theo dõi các ca mắc COVID-19 trong bệnh viện cũng như các ca chuyển biến nặng cho thấy, mặc dù số ca tử vong đang giảm xuống rất thấp, nhưng những ca nặng thật sự giảm chưa bền vững. Chắc chắn một điều khi số ca mắc tăng thì sẽ kéo theo số ca nặng, số ca tử vong tăng cao. Đây là điều mà chúng ta đã rút ra được qua những đợt dịch trước. Do đó, tất cả các đề xuất của Sở Y tế đều xuất phát từ thực tiễn của TP”, bà Mai giải thích.
Chia sẻ thêm về điều này, ông Nguyễn Hồng Tâm – Phó giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP cho biết, hiện nay, Bộ Y tế chỉ mới đề xuất cho phép F0 đi làm có điều kiện, chứ không phải F0 nào cũng được đi làm. “Bộ Y tế chỉ đề xuất cho F0 làm việc trực tuyến thì cũng có thể làm việc trong khu cách ly hay ở nhà làm việc nên vẫn cách ly. Hoặc F0 chỉ làm việc trong các cơ sở chăm sóc F0 khác và cũng có một số quy định ràng buộc”, ông Tâm nói.
Lúc này Việt Nam chưa thể coi dịch bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành
Đề cập đến việc hiện nay TP đã đạt được độ bao phủ vắc xin trong cộng đồng và có thể xem bệnh COVID-19 là bệnh thông thường hay chưa, bà Mai cho biết trong Nghị quyết 25 ngày 7.3.2022 của Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế rà soát, đánh giá lại các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, các quy định về người nhiễm SARS- CoV-2, người tiếp xúc gần với người nhiễm để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, sát thực tế; đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, tham khảo kinh nghiệm quốc tế từ đó có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Bộ Y tế đã trao đổi với các chuyên gia trong và ngoài nước, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hòa Kỳ.
Tuy nhiên, nhận định của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ về tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam cho cho thấy, vi rút SARS- CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước; số trường hợp nhiễm vi rút SARS- CoV-2 cũng được báo cáo ghi nhận tại tất cả các tỉnh, thành phố. Như vậy, dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn dịch bệnh sang giai đoạn bệnh lưu hành.
Tỷ lệ mắc COVID-19 tại Việt Nam chưa ổn định, có sự khác biệt lớn giữa các địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố đã từng có tỷ lệ mắc cao trước đó và những tỉnh, thành phố mới có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, số trường hợp tử vong trong ngày tại Việt Nam vẫn còn cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trước đây. Đặc biệt, vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi ghi nhận những biến thể mới như: Alpha, Delta, Omicron… kể cả trong biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ. Chẳng hạn biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ như: BA.1, BA.2, BA.3… và các biến thể này có thể “né” miễn dịch gây tái nhiễm. Do đó, tỷ lệ mắc tại các vùng cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính chất ổn định.
“Như vậy, trong thời gian này, Việt Nam chưa coi dịch bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tổ chức y tế thế giới cũng như các tổ chức y tế quốc gia khác để theo dõi tình hình dịch COVID-19 cũng như cập nhập sự biến đổi của SARS-CoV-2 để có thể tham mưu cho Thủ tướng Chính Phủ quyết định coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành hay bệnh đặc hữu khi thời điểm thích hợp”, bà Mai thông tin.