Tổ tiên nhiều loài động vật ngày nay từng sống ở Trung Quốc hơn 500 triệu năm trước
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 23:00, 24/03/2022
Quần thể sinh vật Chengjiang ở Vân Nam, tây nam Trung Quốc, là một trong những bộ sưu tập hóa thạch động vật lâu đời nhất hiện nay được khoa học biết đến. Nơi đây cũng là hồ sơ quan trọng về Vụ nổ kỷ Cambri.
Vụ nổ kỷ Cambri là sự hình thành sự sống trong một giai đoạn tương đối ngắn, bắt đầu từ khoảng 542 triệu năm trước trong kỷ Cambri, trong đó hầu hết các ngành động vật mà ta thấy ngày nay đã xuất hiện.
Các hóa thạch 518 triệu năm tuổi của hơn 250 loài đã được tìm thấy ở Chengjiang, bao gồm nhiều loài giun khác nhau, động vật chân đốt (tổ tiên của tôm sống, côn trùng, nhện, bọ cạp) và thậm chí cả động vật có xương sống sớm nhất (tổ tiên của cá, lưỡng cư, bò sát, chim và động vật có vú).
Phát hiện mới cũng tiết lộ Chengjiang từng là một vùng đồng bằng biển nông, giàu chất dinh dưỡng và dễ bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Khu vực này hiện nằm trên đất liền ở vùng núi Vân Nam.
Tiến sĩ Xiaoya Ma, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Exeter và Đại học Vân Nam, cho biết: “Việc phát hiện Chengjiang là môi trường đồng bằng đã làm sáng tỏ thêm về các yếu tố nhân quả có thể có đối với sự phát triển mạnh mẽ của những loài động vật đối xứng hai bên trong kỷ Cambri và khả năng bảo tồn mô mềm đặc biệt của chúng”.
Theo tiến sĩ Xiaoya Ma, các tác nhân gây căng thẳng trong môi trường không ổn định có thể góp phần vào bức xạ thích ứng. Đó là một quá trình mà một loài động vật hoặc thực vật tiến hóa thành nhiều loại khác nhau, với các đặc điểm và thói quen thích nghi với môi trường khác, đồng thời phát triển các cách sống chuyên biệt hơn.
Changshi Qi, đồng tác giả nghiên cứu và là nhà địa hóa học tại Đại học Vân Nam, nhận định: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng quần thể sinh vật Chengjiang chủ yếu sống trong môi trường đồng bằng nước nông được cung cấp oxy tốt. Lũ bão đã vận chuyển những sinh vật này xuống các vùng nước sâu thiếu oxy gần kề, dẫn đến việc bảo tồn đặc biệt mà chúng ta thấy ngày nay”.
Nhóm nghiên cứu cho rằng hệ sinh vật Chengjiang, giống như trường hợp của các loài động vật tương tự được mô tả ở nơi khác, được bảo tồn trong các trầm tích hạt mịn.
“Sự hiểu biết của chúng tôi về cách mà những trầm tích bùn này lắng đọng đã thay đổi đáng kể trong suốt 15 năm qua. Việc áp dụng kiến thức thu được gần đây để nghiên cứu các trầm tích hóa thạch có khả năng bảo tồn đặc biệt sẽ thay đổi đáng kể hiểu biết của chúng ta về cách thức và vị trí tích tụ của những trầm tích này”, Luis Buatois, nhà cổ sinh vật học và trầm tích học tại Đại học Saskatchewan, cho biết.
Kết quả của nghiên cứu này rất quan trọng vì nó cho thấy rằng hầu hết các động vật ban đầu đều chịu đựng được các điều kiện căng thẳng, chẳng hạn như biến động độ mặn (muối) và lượng trầm tích lắng đọng cao. Điều này trái ngược với nghiên cứu trước đó cho rằng các loài động vật tương tự sống ở môi trường biển sâu hơn, ổn định hơn.
Được biết, công trình nghiên cứu này là sự hợp tác quốc tế giữa Đại học Vân Nam, Đại học Exeter, Đại học Saskatchewan, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Đại học Lausanne và Đại học Leicester.