Y tá chết vì không được nhập viện, nhiều người Trung Quốc bức xúc với chiến lược Zero COVID
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:27, 25/03/2022
Hôm 25.3, Trung Quốc cho biết đã ghi nhận gần 5.000 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, khi các nhà chức trách tiếp tục chiến đấu với sự bùng phát dịch Omicron trên nhiều tỉnh và là nguồn cơn sự thất vọng trong người dân.
Sau cái chết của một y tá ở Thượng Hải, người bị từ chối cho nhập viện khi lên cơn hen suyễn, nhiều người dân Trung Quốc tức giận và cho rằng chiến lược Zero COVID dường như gây ra nhiều ca tử vong hơn so với vi rút SARS-CoV-2.
Hôm 25.3, Ủy ban Y tế Quốc gia đã báo cáo 4.988 ca mắc COVID-19 toàn quốc, với sự gia tăng các trường hợp không triệu chứng mà Trung Quốc ghi nhận riêng.
Dân chúng ở Thượng Hải ngày càng lo lắng khi các quan chức y tế của thành phố 25 triệu dân này báo cáo 1.609 ca mắc COVID-19 mới. Trong đó có hơn 1.500 ca mắc COVID-19 không có triệu chứng, đánh dấu sự gia tăng mạnh so với con số 979 ca của ngày hôm trước.
Các nhà chức trách Thượng Hải đã chống lại việc phong tỏa toàn thành phố, một biện pháp khắc nghiệt vẫn đang được sử dụng ở các tỉnh thành khác. Thay vào đó, họ đang phong tỏa các tòa nhà và cộng đồng riêng lẻ để xét nghiệm. Thế nhưng, một số cư dân nói bị cấm túc tại nhà lâu hơn so với thông báo. Những người khác báo cáo các vấn đề trong việc đảm bảo thực phẩm tươi sống và các hoạt động giao hàng khác.
“2 + 2 + 2 + 2 + 2, số ngày phong tỏa tăng lên gấp đôi. Chính sách thay đổi hàng ngày, giá cả tăng lên từng ngày. Tôi phải dậy lúc 5 giờ đồng hồ mỗi ngày để kiếm thức ăn. Vẫn chưa biết liệu nó có thể được giao hay không?”, một người dân phàn nàn trên mạng xã hội Weibo.
Hôm 23.3, một y tá ở Thượng Hải đã qua đời sau khi bị từ chối cho nhập viện dù lên cơn hen suyễn, lặp lại trường hợp những người chết trong một cuộc phong tỏa tại thành phố Tây An năm ngoái sau khi họ bị từ chối chăm sóc y tế vì các chính sách COVID-19 quá nghiêm ngặt.
Wu Jinglei, Giám đốc ủy ban y tế thành phố Thượng Hải, gửi lời chia buồn đến gia đình y tá, kêu gọi các bệnh viện sắp xếp hợp lý hơn các quy trình sàng lọc và khử trùng, vốn đã đóng cửa các khu vực bệnh viện quá lâu.
Hôm 19.3, Trung Quốc ghi nhận 2 người chết do COVID-19 trong đợt bùng phát dịch Omicron và một số cuộc thảo luận trực tuyến tập trung vào các trường hợp tử vong “thứ phát” do các biện pháp chống dịch khắc nghiệt gây ra.
Một người trên Weibo cho biết: “Tôi không sợ vi rút SARS-CoV-2, mà sợ rằng mình không thể điều trị các bệnh khác”.
“Tôi thực sự không biết tại sao những người nên được điều trị lại không được điều trị? Sẽ mất bao nhiêu mạng sống để thay đổi chính sách phù hợp với tất cả của chúng ta?”, một người khác chia sẻ.
Trên khắp Trung Quốc, các nhà chức trách đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau khi thực hiện mệnh lệnh của Chủ tịch Tập Cận Bình để đảm bảo "phòng ngừa và kiểm soát tối đa với chi phí thấp nhất, giảm thiểu tác động của dịch bệnh với sự phát triển kinh tế và xã hội". Tuần trước, Wang Hesheng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia, nói các chiến thuật ngày càng đổi mới của Trung Quốc đã giảm bớt sự bất tiện.
Thế nhưng, sự thất vọng đang leo thang. Tuần trước, các bài đăng trên mạng xã hội lan truyền video clip đám đông ở Thẩm Dương đập vào cửa sổ và hét lên thất vọng khi được thông báo về một đợt xét nghiệm khác.
Trong khi hầu hết tỉnh ở Trung Quốc từng bị phong tỏa, việc từ chối làm điều này ở thành phố như Thượng Hải (trung tâm tài chính Trung Quốc) và Thâm Quyến (trung tâm công nghệ Trung Quốc) đã dẫn đến cáo buộc rằng họ đang kéo giảm nỗ lực ứng phó COVID-19.
Một người bình luận: “Trong khi các thành phố khác đã mất 1 tháng để kiểm soát dịch COVID-19, Thượng Hải bùng phát dịch trong một tháng”.
"Tại sao Trung Quốc không thể dỡ bỏ các biện pháp an toàn, giống như các nước ngoài?" là chủ đề thịnh hành hàng đầu trên mạng xã hội Weibo hôm 23.3, theo trang What’s On Weibo.
Được xem hơn 5,4 triệu lần, chủ đề này thu hút cuộc tranh luận về các quan điểm do nhà dịch tễ học Liang Wannian đưa ra gần đây.
Liang Wannian ủng hộ chiến lược Zero COVID của ông Tập Cận Bình, phản đối nhận xét của Giám đốc bệnh viện Bắc Kinh - Jiang Rongmeng rằng nhiễm Omicron “giống như bị cảm lạnh”.