Chiếu đèn điều trị trẻ vàng da có nguy cơ gây ung thư

Thông tin Y học - Ngày đăng : 16:49, 25/03/2022

Thông tin trên được TS-BS Nguyễn Thu Tịnh - Giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết tại Hội thảo Sản - Nhi năm 2022 Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức diễn ra hôm nay (25.3).

Theo bác sĩ Tịnh, hiện nay trẻ sinh ra bị vàng da chiếm một tỷ lệ rất lớn, nhất là trẻ sinh thiếu tháng; tỷ lệ trẻ vàng da trong số trẻ mới sinh chiếm từ 60 - 80%.

Nguyên nhân chính khiến trẻ bị vàng da là bilirubin trong máu tăng bất thường. Tăng bilirubin quá mức có thể dẫn đến vàng da nhân, là bệnh não do bilirubin. Bilirubin toàn phần, bilirubin trực tiếp, bilirubin gián tiếp, bilirubin tự do là thủ phạm trực tiếp của bệnh não cấp do bilirubin ở trẻ sơ sinh.

chieu-den-dieu-tri-tre-vang-vang-da-co-nguy-co-gay-ung-thu-hinh-anh(1).png
TS-BS Nguyễn Thu Tịnh- Giảng viên Trường đại học Y dược TP.HCM chia sẻ về nguy cơ điều trị trẻ vàng da bằng phương pháp chiếu đèn - Ảnh: PV

Trong vàng da có vàng da do sinh lý và vàng da do bệnh lý. Theo TS-BS Nguyễn Thu Tịnh, nếu vàng da do bệnh lý thì trẻ không khỏe, xuất hiện vàng da sau 24 giờ sinh, bil tới ngưỡng chiếu đèn, kéo dài trên 14 ngày, tăng bilirubin trên 5 mg/dL/ngày (0,2 mg/dL/giờ), bil TT trên 1 mg/dL (170 µmol/L), không cải thiện với chiếu đèn hiệu quả.

Trong trường hợp vàng da là bệnh não do bilirubin, sớm từ 1 - 2 ngày với biểu hiện trẻ bú giảm, TLC giảm, khóc thét. Ở giai đoạn tiếp theo trẻ mút yếu, tăng TLC duỗi khi kích thích, quấy khóc khó dỗ, sốt. Giai đoạn tiến triển nặng kéo dài trên 1 tuần với triệu chứng trẻ bỏ bú, co cứng cơ duỗi, cơn ngưng thở, đạp xe, vặn vẹo tứ chi, lơ mơ, sốt.

Biểu hiện của trẻ bị vàng da nặng thường xuất hiện dưới 24 giờ tuổi; vàng da tới cẳng chân ở trẻ 2 ngày tuổi; vàng da tới bàn chân/tay ở trẻ từ 3 ngày tuổi; vàng da và trẻ không khỏe  (biểu hiện thần kinh)…

Để xử lý vàng da ở trẻ, theo bác sĩ Tịnh phải nhận biết sớm và theo dõi chặt trẻ có nguy cơ vàng da nặng; đảm bảo tiêu, tiểu, dịch và năng lượng nhập đủ; loại trừ các yếu tố nguy cơ bệnh não và nguyên nhân vàng da (nếu có); chỉ định chiếu đèn hiệu quả đúng lúc.

“Hiện nay các cơ sở y tế điều trị trẻ vàng da được thực hiện chủ yếu 2 phương pháp là chiếu đèn và hỗ trợ với IVIg, trong đó chiếu đèn là phương pháp phổ biến”, bác sĩ Tịnh cho biết.

Tuy nhiên qua phân tích của bác sĩ Tịnh, chiếu đèn không hoàn toàn vô hại, tác động của chiếu đèn điều trị vàng da có liên quan tăng các kết cục trên ở tuổi trưởng thành. Cụ thể, tác động trước mắt của chiếu đèn là cầu nối mẹ - con, cân bằng nhiệt, nước, điện giải, rối loạn nhịp ngày - đêm, hội chứng em bé đồng.

“Về lâu dài, việc chiếu đèn trên có nguy cơ tổn thương do oxy hóa quan học ở trẻ, liên quan ung thư, co giật, đái tháo đường, suyễn. Những bằng chứng này có thể không mạnh, nhưng cần phải quan tâm và không nên chiếu đèn một cách rộng rãi”, bác sĩ Tịnh nói.

Chính việc chiếu đèn có thể gây những nguy cơ trên khi trẻ trưởng thành, nên ngoài việc không chiếu đèn rộng rãi, bác sĩ Tịnh khuyến cáo trong trường hợp phải chiếu đèn thì cần ngưng khi ngưỡng bilirubin không gây bệnh não; yếu tố nguy cơ đã ổn định; đủ khả năng chuyển hóa hết lượng bili tạo ra; Bil TP khoảng  13-14 mg/dL, hoặc Bil TP dưới 40th percentile trên toán đồ Bhutani.

Hồ Quang