Vì sao giá xăng tăng phi mã, giảm nhỏ giọt?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 23:02, 25/03/2022
Trong các kỳ điều hành gần đây, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết đã thực hiện chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 200-1.500 đồng/lít.
Ở kỳ điều hành ngày 21.3 vừa qua, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới giữa 2 kỳ điều hành giảm so với giá bình quân kỳ trước mặc dù lại đang có xu hướng tăng trở lại trong vài ngày gần đây, mức chi Quỹ BOG cho các mặt hàng đang được áp dụng ở mức tương đối cao (từ 300-1.500 đồng/lít) trong khi số dư Quỹ BOG đã gần hết, tại 13 doanh nghiệp Quỹ đã âm.
Trước tình hình trên, để có dư địa điều hành giá trong các kỳ tới khi thị trường còn diễn biến phức tạp, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính đã quyết định giảm chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu, bắt đầu trích lập Quỹ BOG đối với một số mặt hàng để giá các mặt hàng xăng dầu trong nước biến động theo xu hướng của giá thế giới, giảm áp lực cho Quỹ BOG và có dư địa để điều hành giá cho các kỳ tiếp theo.
Về công tác điều hành giá xăng dầu, Liên Bộ cũng khẳng định đã liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhằm hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Cụ thể, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11.3 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 44,01% đến 60,02% nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 11.3 so với đầu năm 2022 chỉ tăng từ 24,91%-39,56%.
Trên thực tế, giá xăng dầu trong nước tăng hay giảm sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bên cạnh diễn biến giá thế giới, giá xăng dầu trong nước còn phụ thuộc vào việc trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG. Giới chuyên gia cho biết, giá xăng dầu trong nước tính theo giá thế giới cộng thêm cả thuế phí. Hiện nay, giá xăng dầu thế giới vẫn ở mức cao, trong khi công cụ hỗ trợ giảm giá cũng không còn thì giá xăng khó giảm sâu. Do đó, giá xăng trong nước trong kỳ điều hành ngày 21.3 vừa qua chỉ giảm hơn 600 đồng/lít.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Quỹ bình ổn đang âm. Vì vậy không thể trông chờ vào Quỹ này để kìm đà tăng giá xăng dầu. Thay vào đó cần phải tính tới các công cụ thuế linh hoạt hơn, như bài toán giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và phải có chiến lược tiết kiệm. Thậm chí trong cơ cấu về xăng, có đề xuất giảm thuế nhập khẩu bã ngô, nhiên liệu Ethanol để phối trộn, qua đó khuyến khích sử dụng xăng sinh học.
Liên quan tới Quỹ bình ổn (BOG), đại diện Vụ thị trường trong nước cho rằng, để giữ giá xăng dầu (khi giá thế giới biến động từ 40-60%), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Liên Bộ đã tính toán việc sử dụng quỹ linh hoạt nhằm giữ giá ở mức chịu đựng được của nền kinh tế, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nên giá xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 24-40%.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31.12. Theo đó mức giảm với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít… Với mức giảm này, người dân, doanh nghiệp hi vọng giá xăng có thể giảm sâu hơn.
Theo các chuyên gia, để giá xăng dầu giảm mạnh hơn, ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý cần phải tính toán dài hơn, như khi giá xăng dầu biến động mạnh hơn, lên tới 140 - 150 USD/thùng thì có thể tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu như: thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, cùng đó là đa dạng hóa nguồn cung...