Dữ liệu cá nhân – vấn đề quan trọng trong quá trình chuyển đổi số
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:36, 26/03/2022
Theo Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chính phủ quyết nghị đồng ý quy định dữ liệu cá nhân được xử lý mà không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong 5 trường hợp.
Thứ nhất, việc xử lý là cần thiết để ứng phó với tình huống khẩn cấp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe hoặc sự an toàn của chủ thể dữ liệu hoặc cá nhân khác.
Thứ hai, việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật.
Thứ ba, việc xử lý là cần thiết vì yêu cầu quốc phòng, an ninh quốc gia, được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật khác.
Thứ tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của luật.
Cuối cùng, dữ liệu cá nhân được xử lý bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền với mục đích phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của luật.
Trao đổi với PV Một Thế Giới, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích: “Trong mối quan hệ giữa con người với con người, quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản là 2 mối quan hệ cơ bản và quan trọng nhất, đó cũng là những vấn đề mà lĩnh vực Luật Dân sự điều chỉnh”.
Theo luật sư Cường, trước đây, chúng ta chỉ quan tâm nhiều đến vấn đề tài sản, quyền tài sản, bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Tuy nhiên, trong xã hội chuyển đổi số của thời kỳ CMCN 4.0, quan hệ nhân thân, yếu tố nhân thân có khi lại là vấn đề quan trọng hơn là yếu tố tài sản.
Cùng với sự phát triển của xã hội, các thông tin cá nhân dần dần được mã hóa, số hóa để sử dụng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trên không gian mạng và các ứng dụng CNTT. “Việc bảo vệ thông tin cá nhân, các dữ liệu cá nhân được mã hóa là cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân”, luật sư nhấn mạnh.
Được biết, hiện nay chúng ta cơ bản cập nhật dữ liệu cá nhân, hoàn thiện hệ thống thông tin dân cư, tiến tới bỏ sổ hộ khẩu giấy, sử dụng hộ khẩu điện tử và thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử.
Theo báo cáo của Bộ Công an tại Hội nghị sơ kết công tác công an Quý I năm 2022, Bộ Công an đã tập trung thúc đẩy các nhiệm vụ công tác trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đối số quốc gia giai đoạn 2021–2025, tầm nhìn đến năm 2030...
Vì vậy, dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Cường cho rằng việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, sử dụng dữ liệu cá nhân là vấn đề quan trọng trong thời điểm này để đảm bảo quản lý xã hội, quản lý công dân có hiệu quả, khoa học, tiến bộ, phù hợp với cuộc CMCN lần thứ tư, phù hợp với tiến trình chuyển đổi số, kinh tế số.
Theo luật sư, về nguyên tắc, dữ liệu cá nhân là một bộ phận cấu thành thông tin nhân thân của cá nhân được Hiến pháp, cũng như Bộ Luật Dân sự quy định và đảm bảo thực hiện. Việc sử dụng thông tin dữ liệu cá nhân phải thuộc trường hợp pháp luật quy định, cho phép. Hành vi xâm phạm trái phép đến quyền nhân thân của cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, để có cơ sở pháp lý cho các cơ quan tổ chức sử dụng dữ liệu cá nhân thì cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Theo luật sư Cường, Điều 21 Hiến pháp, Điều 32 Bộ Luật Dân sự đã có những quy định về bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, thông tin nhân thân. Trên cơ sở các quy định này, các văn bản dưới luật cũng như các văn bản pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng thông tin về đời tư cá nhân phải cụ thể, đầy đủ, khoa học để việc áp dụng trong việc chuyển đổi số, nền kinh tế số được hiệu quả.
Đặc biệt, luật sư cũng nêu rõ khi đã có dữ liệu cá nhân, việc sử dụng dữ liệu cá nhân như thế nào, trong trường hợp nào, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân như thế nào là vấn đề pháp lý cần phải bổ sung để đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đảm bảo việc quản lý xã hội có hiệu quả…
Như vậy, luật sư nhấn mạnh: “Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết làm cơ sở hoàn thiện pháp luật liên quan đến quản lý dữ liệu cá nhân trong thời điểm này là thật sự cần thiết và hợp lý”.