Thủ tướng: Kiên định với những giá trị mà du lịch Việt Nam đã tạo dựng và xác lập
Sự kiện - Ngày đăng : 07:16, 27/03/2022
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng cùng với lễ khai mạc, chuỗi các sự kiện du lịch xuyên suốt cả năm 2022 sẽ là đòn bẩy quan trọng và cơ hội cho ngành du lịch tăng tốc, bứt phá.
"Qua đó, góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước tươi đẹp và con người Việt Nam hiền hòa, mến khách đến với bạn bè quốc tế", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước - công nghiệp không khói. Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, được cộng đồng quốc tế công nhận với nhiều giải thưởng hàng đầu thế giới.
Dù gặp muôn vàn khó khăn do dịch COVID-19, ngành du lịch vẫn không ngừng nỗ lực thích ứng bằng những cách làm sáng tạo như đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh, ứng dụng du lịch thực tế ảo… Đại dịch cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu nguồn nhân lực, sửa chữa, nâng cấp, làm mới các cơ sở đón khách, tăng thêm sức hấp dẫn và hiệu quả hơn trong tình hình mới.
Trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới, Thủ tướng cho rằng cần có tư duy và cách làm mới để "biến nguy thành cơ". Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, hoạt động du lịch cần được tổ chức an toàn, khoa học, phù hợp với sự phối hợp thống nhất, đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các địa phương và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và du khách.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, tỉnh Quảng Nam và các địa phương cả nước cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, khắc phục hạn chế, yếu kém, chủ động phối hợp thực hiện một số nội dung quan trọng sau:
Một là, tiếp tục nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa của dân tộc. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả.
Hai là, tập trung xây dựng môi trường du lịch "xanh" đúng như chủ đề Năm du lịch quốc gia 2022. Đó là môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách; là sự cam kết của tất cả các bên liên quan, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường và hệ sinh thái.
Ba là, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng miền, tạo thành chuỗi các điểm đến và phát huy sức mạnh sáng tạo của mỗi người dân trong vùng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch và kinh tế nói chung. Xây dựng cơ chế, chính sách mang tính đột phá, đưa du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Bốn là, cần chủ động, linh hoạt và đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với việc thích ứng an toàn, linh hoạt, đảm bảo an toàn, khoa học, phù hợp với Chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Bối cảnh mới, cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch để tập trung quảng bá, xúc tiến các thị trường tiềm năng và làm mới các sản phẩm du lịch để phục vụ xu hướng của thế giới sau COVID-19.
Năm là, thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững. Tăng cường thu hút đầu tư; khai thác hợp lý các tiềm năng, giữ gìn môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh, an toàn cho du lịch. Đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa, văn minh du lịch, khuyến khích mỗi người dân và mỗi khách du lịch có trách nhiệm cùng chung tay xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh, văn minh, thân thiện và bền vững.
Sáu là, các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động du lịch, thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, hợp tác công tư trong hoạt động và phát triển ngành du lịch, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân trên chính mảnh đất, quê hương mình.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động du lịch, doanh nghiệp và ngành du lịch nói chung. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam ra thế giới bằng nhiều kênh và hình thức khác nhau.
Đặc biệt giới thiệu những địa danh nổi tiếng, những nét đặc trưng riêng có của thiên nhiên, văn hóa, con người Việt Nam, trong đó chú trọng giới thiệu văn hóa phi vật thể. Đồng thời, chúng ta cần mở rộng dịch vụ, thu hút đầu tư phát triển du lịch, nâng cao tính cạnh tranh để Việt Nam trở thành điểm đến, điểm quay trở lại hấp dẫn và liên tục.
Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đã xác định chủ đề của năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển". Cùng với chủ đề chung này, những "từ khóa" chủ đạo của du lịch Việt Nam trong năm 2022 và giai đoạn sắp tới sẽ là: Hòa bình, hợp tác, phát triển, xanh hóa, an toàn, thân thiện, số hóa, kết nối.