Trung Quốc đứng về phía Nga, nhưng từng nhờ Ukraine hiện đại hóa công nghệ quân sự

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:45, 27/03/2022

Trung Quốc đã trở thành đồng minh thân cận với Nga và được coi đang ngầm ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Thế nhưng Trung Quốc cũng có quan hệ kinh tế và quốc phòng gần gũi với Ukraine.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine và Kyiv từng giúp Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội.

Tờ SCMP đưa tin, những thập kỷ gần đây, Ukraine đã bán các thiết bị và công nghệ quân sự quan trọng cho Trung Quốc bao gồm hàng không mẫu hạm (tàu sân bay) đầu tiên, hệ thống tên lửa và một nguyên mẫu máy bay chiến đấu.

Theo một cựu quan chức quốc phòng Ukraine, những giao dịch đó đã giúp giảm bớt những rắc rối tài chính của nước này.

Giao dịch bắt đầu với một thỏa thuận lớn nhất và quan trọng nhất - bán một tàu sân bay chưa hoàn thành mang tên Varyag. Con tàu được đóng khoảng 2/3 tại nhà máy đóng tàu ở Biển Đen khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.

Konstantin Khivrenko, người từng phục vụ trong Bộ Quốc phòng Ukraine từ năm 1993 đến 2004, cho biết chính phủ đã phải bán Varyag để giúp công ty đóng tàu thiếu tiền.

Thỏa thuận trị giá 25 triệu USD với Varyag được ký kết vào năm 1998 bởi một doanh nhân Hồng Kông được Hải quân Trung Quốc cử đến, với một câu chuyện che đậy rằng ông sẽ biến con tàu này thành sòng bạc nổi ở Ma Cao.

Theo Konstantin Khivrenko, hiện là đại tá dự bị của Ukraine, chính phủ vào thời điểm đó đã được thuyết phục rằng Varyag sẽ hoạt động như một sòng bạc và “sẽ không góp phần vào việc quân sự hóa khu vực”. Varyag cung cấp một lượng tiền mặt rất cần thiết cho Ukraine.

Ông nói: “Sẽ phải mất ít nhất 10 triệu đến 15 triệu USD từ ngân sách của Ukraine để hoàn thành con tàu - đất nước non trẻ chỉ đơn giản là không có số tiền này”.

Bằng cách bán tàu sân bay, Ukraine đã bổ sung ngân sách của mình thêm 25 triệu USD. Số tiền này là khá lớn với đất nước vào thời điểm đó”, Konstantin Khivrenko tiết lộ và nói thêm rằng Varyag không phù hợp với nhu cầu quốc phòng của Ukraine.

Con tàu chiến cuối cùng đã được hoàn thành tại Trung Quốc, đổi tên thành Liêu Ninh và trở thành trung tâm của Hải quân Trung Quốc.

trung-quoc-dung-ve-phia-nga-nhung-tung-nho-ukraine-hien-dai-hoa-cong-nghe-quan-su.jpg
Trung Quốc mua một tàu chiến chưa hoàn thành của Liên Xô từ Ukraine vào năm 1998. Nó đi vào hoạt động vào năm 2012 với tư cách là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc với tên gọi Liêu Ninh - Ảnh: AFP

Việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc được hưởng lợi từ các thỏa thuận khác của Ukraine trong những thập kỷ tiếp theo, bao gồm nguyên mẫu T-10K của máy bay chiến đấu Su-33, công nghệ động cơ đẩy tua bin khí UGT 25000 và thủy phi cơ lớp Zubr.

Những công nghệ đó đã giúp Trung Quốc phát triển máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay và các tua bin khí QC 280 cung cấp năng lượng cho Type 055 - tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tàng hình tiên tiến nhất của hải quân. Các nhà đóng tàu Trung Quốc cũng tự phát triển tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Ukraine.

Thế nhưng, Konstantin Khivrenko bác bỏ các thông tin cho rằng phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã cố gắng can thiệp và ngăn chặn việc Ukraine chuyển giao công nghệ quân sự cho Trung Quốc. Ông nói: “Không ai từng trói tay Ukraine để ngăn cản bất kỳ thỏa thuận thương mại kỹ thuật - quân sự nào với Trung Quốc”.

Không có một trường hợp gián điệp công nghiệp nào của phía Trung Quốc được ghi nhận ở Ukraine trong 7 hoặc 8 năm qua - điều đó cũng nói lên rất nhiều điều. Trung Quốc không còn quan tâm đến việc mua hàng nữa. Trung Quốc muốn có công nghệ và Ukraine không chỉ hiểu điều này mà còn hợp tác thành công theo hướng đó”, Konstantin Khivrenko chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản đầu tư đều thành công.

Năm ngoái, Ukraine đã chặn Skyrizon Aviation (công ty hàng không vũ trụ Trung Quốc) đấu thầu tiếp quản nhà sản xuất động cơ máy bay Motor Sich (Ukraine), trong bối cảnh Mỹ lo ngại về việc chuyển giao công nghệ quan trọng.

Ukraine cho biết Motor Sich sẽ được quốc hữu hóa và Skyrizon Aviation đang yêu cầu chính phủ Ukraine bồi thường 4,5 tỉ USD tại Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague (Hà Lan).

Quyết định đã được đưa ra nhằm đưa Motor Sich trở về với người dân Ukraine", ông Oleksiy Danylov, người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Ukraine, tuyên bố.

Trước đó, Skyrizon Aviation được cho đã thâu tóm 75% cổ phần trong Motor Sich.

Ngoài ra, Konstantin Khivrenko chỉ ra mối quan hệ gần gũi giữa Ukraine với Trung Quốc trong các lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp, khoa học và văn hóa.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại đơn lẻ lớn nhất của Ukraine, vượt qua Nga vào năm 2020 với kim ngạch thương mại là 15,4 tỉ USD, bao gồm cả 7,1 tỉ USD hàng xuất khẩu của Ukraine, theo Cơ quan Thống kê Nhà nước ở Kyiv. Song việc Nga tấn công Ukraine đã khiến Trung Quốc rơi vào tình thế khó khăn. Trung Quốc nói phản đối chiến tranh nhưng không lên án hành động của Nga. Trung Quốc chỉ nói tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của cả hai nước và kêu gọi một giải pháp ngoại giao.

Konstantin Khivrenko cho hay: “Tôi nghĩ chính phủ Ukraine cũng không mong đợi các quan chức Trung Quốc bắt đầu chỉ trích nặng nề Nga. Trung Quốc hầu như chưa bao giờ đưa ra những tuyên bố nhanh chóng và kịch liệt về bất kỳ chủ đề địa chính trị nào”.

Dù vậy, Konstantin Khivrenko nói Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình có thể sử dụng ảnh hưởng của mình với Tổng thống Nga - Vladimir Putin để đóng góp cho lịch sử hòa bình.

Konstantin Khivrenko bình luận: “Điều quan trọng là ông Tập Cận Bình không chỉ sử dụng các công cụ chính trị mà còn phải tham gia vào quá trình kết thúc chiến tranh ở cấp độ cá nhân. Trung Quốc có thể trở thành nước điều tiết thuận lợi cho Nga trong các cuộc đàm phán trong tương lai nhằm chấm dứt chiến tranh và mở rộng sự tham gia ngoại giao của mình dưới các hình thức khác”.

Sơn Vân