Quảng Nam xin giảm diện tích rừng phòng hộ xuống còn 2.000 ha

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:40, 28/03/2022

Tỉnh Quảng Nam kiến nghị sắp xếp 3.636 ha rừng phòng hộ ven biển xuống còn 2.000 ha để có quỹ đất xây dựng.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam giải thích, kiến nghị sắp xếp lại rừng phòng hộ ven biển để kết hợp phát triển kinh tế với phòng chống thiên tai. Cụ thể, rừng phòng hộ ven biển phía Đông tỉnh Quảng Nam có diện tích 3.636 ha, trong đó diện tích có rừng 2.875 ha (761 ha còn lại là đất trống, ngập nước theo mùa), đa số được trồng từ những năm 90 (không phải rừng tự nhiên) khi đây là đất cát, không có hạ tầng, thuộc địa bàn các xã đặc biệt khó khăn ven biển, chất lượng cây trồng rất thấp, đa số là cây keo, phi lao còi cọc. Năm 2020 bị ngã đổ do thiên tai 292 ha nên diện tích có rừng trên thực tế là 2.583 ha.

Nay hạ tầng giao thông đã được đầu tư đồng bộ, có điều kiện rất thuận lợi cho phát triển kinh tế và được Đảng bộ tỉnh Quảng Nam xác định là vùng động lực phát triển, trong đó hạt nhân là Khu kinh tế mở Chu Lai.

Do đó, tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ ven biển tỉnh Quảng Nam với diện tích 2.000 ha trên cơ sở phù hợp với hiện trạng rừng đủ điều kiện công nhận thành rừng hiện nay tại khu vực này, đồng thời thực hiện sắp xếp lại trồng rừng phòng hộ theo nội dung tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 13.12.2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai (dọc các tuyến đường, bao quanh các khu chức năng, khu dân cư).

image0-16483877878311619858994.jpeg
Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh - Ảnh: VGP

Tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện các hoạt động trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển theo hình thức hợp tác công - tư thông qua việc giao khoán cho các doanh nghiệp đang triển khai dự án tại khu vực này nhằm đảm bảo việc trồng, chăm sóc, quản lý thường xuyên kết hợp phát triển kinh tế với chức năng phòng chống thiên tai. Các loại cây trồng vừa có chức năng phòng hộ vừa có chức năng cảnh quan để tạo mỹ quan đô thị.

Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc giảm diện tích rừng cần phải xem xét. Thủ tướng giao cho Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường rà soát đánh giá cụ thể và phối hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến.

Ngoài ra, về chủ trương phát triển ngành công nghiệp dược liệu tự nhiên, Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương cho tỉnh được cho thuê môi trường rừng để phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên thuộc phạm vi rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, rừng sản xuất với quy mô lớn để đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến sâu, hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu thiên nhiên cấp quốc gia, với Sâm Ngọc Linh làm cây chủ lực (các nhà máy chế biến sâu đặt tại Khu kinh tế mở Chu Lai, vùng nguyên liệu công nghiệp tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam).

Cụ thể, đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16.11.2018 quy định một số điều của Luật Lâm nghiệp cho phép trồng, khai thác các loài dược liệu và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng đặc dụng, phòng hộ để khai thác tạo nguồn nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến theo Phương án trồng và khai thác bền vững, có tổ chức, quản lý chặt chẽ, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (Luật Lâm nghiệp hiện nay chỉ cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, chưa cho trồng dược liệu).

Tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phát triển Sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2045; đồng thời cho phép nghiên cứu cơ chế hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tự nhiên cấp quốc gia tại Quảng Nam, phát triển các sản phẩm thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, thực phẩm tiêu dùng, hóa mỹ phẩm và các sản phẩm khác có sử dụng Sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu được trồng trong tự nhiên, có ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ cao.

Ngoài đề nghị trên, Quảng Nam nêu ra những khó khăn, trở ngại trong phát triển của địa phương và đề xuất với Thủ tướng để tháo gỡ như cơ chế đặc thù bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới; đầu tư phát triển sân bay Chu Lai; hệ thống cảng biển; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai; chính sách đất đai khi triển khai các dự án đầu tư trong khu Kinh tế mở Chu Lai, kiến nghị hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu ngành Silica, kiến nghị nạo vét sông Trường Giang, kiến nghị đầu tư nâng cấp quốc lộ 14D, 14E để tăng cường kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây....

Tuyết Nhung