Vốn FDI vào Việt Nam giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:24, 29/03/2022
Vốn FDI giảm 12,1%
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý 1/2022 tăng trưởng tích cực, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất so với quý 1 của các năm 2018-2022. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư, đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20.3 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,91 tỉ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 341 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 819.7 triệu USD và 393 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 811.4 triệu USD.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2022 có 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 180.2 triệu USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước; có 3 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 31,2 triệu USD, giảm 92,8%.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 211.5 triệu USD, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất nhập khẩu hàng hóa phục hồi
Trong tháng 3.2022, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa hồi phục mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,73 tỉ USD, tăng 36,8% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý 1/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỉ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%.
Về xuất nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3.2022 ước đạt 34,06 tỉ USD, tăng 45,5% so với tháng trước. Tính chung quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 88,58 tỉ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 23,27 tỉ USD, tăng 22%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 65,31 tỉ USD, tăng 10%, chiếm 73,7%. Trong quý 1/2022 có 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỉ USD, chiếm 58%).
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3.2022 ước đạt 32,67 tỉ USD, tăng 28,7% so với tháng trước. Tính chung quý 1/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 87,77 tỉ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 29,43 tỉ USD, tăng 13,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 58,34 tỉ USD, tăng 17,1%. Trong quý 1/2022 có 16 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 76,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 2 nhập siêu 1,96 tỉ USD; 2 tháng nhập siêu 581 triệu USD; tháng 3 ước tính xuất siêu 1,39 tỉ USD. Tính chung quý 1/2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 809 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,76 tỉ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,16 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,97 tỉ USD.
CPI tháng 3 tăng 0,7% do giá xăng dầu
Cũng theo cơ quan thống kê, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3.2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12.2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung quý 1/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%. Do chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị trên thế giới, cùng với đà phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia và trong nước, chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý 1/2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, cơ quan thống kê cũng cho biết giá vàng trong nước biến động tăng cùng chiều với giá vàng thế giới khi lạm phát các quốc gia tăng cao và ảnh hưởng của chiến tranh giữa Nga – Ukraine. Chỉ số giá vàng tháng 3.2022 tăng 4,51% so với tháng trước; tăng 9,36% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý 1/2022, chỉ số giá vàng trong nước tăng 3,52%.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3.2022 tăng 0,64% so với tháng trước; giảm 0,43% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý 1/2022, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước giảm 0,67%.