Lễ khởi công công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:01, 30/03/2022

Cùng với việc khởi công gói thầu thi công cọc công trình nhà ga hành khách trong tháng 3.2022 như một lời tái khẳng định cam kết giữ lời hứa của ACV (chủ đầu tư dự án) với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân tỉnh Đồng Nai. Dự án thành phần 3 sẽ về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu.
cc7746ce-5a8b-4f28-a856-cefa8516fefb.jpeg
Trang thiết bị máy móc nhộn nhịp tại công trình thi công gói thầu xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành 

Theo đó, vào sáng ngày 30.3, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tổ chức lễ khởi công gói thầu số 5.6 "Thi công cọc công trình nhà ga hành khách của dự án thành phần 3” thuộc dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước khởi động mạnh mẽ của dự án nhằm hình thành một đại công trường nhộn nhịp, khẩn trương, hướng đến mục tiêu hoàn thành dự án đúng tiến độ và đạt chất lượng theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.

Theo ACV việc khởi công gói thầu thi công cọc công trình nhà ga hành khách trong tháng 3.2022 như một lời tái khẳng định cam kết giữ lời hứa của ACV (chủ đầu tư dự án) với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân tỉnh Đồng Nai. Dự án thành phần 3 sẽ về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu.

Tại buổi lễ khởi công gói thầu số 5.6 "Thi công cọc công trình nhà ga hành khách của dự án thành phần 3 sân bay Long Thành giai đoạn 1", ACV đã phát động và ký giao ước thi đua 50 ngày đêm thi công hạng mục san nền thoát nước và hạng mục móng cọc công trình nhà ga hành khách.

Ban Quản lý dự án (QLDA) sân bay Long Thành và đại diện các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát ký cam kết thi đua nhằm hoàn thành một số hạng mục quan trọng trước mùa mưa tránh ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình.

Theo Ban QLDA sân bay Long Thành sau hơn một tháng khởi công hạng mục san nền và thoát nước, khu vực mặt bằng cho thi công cọc thử hạng mục nhà ga đã sẵn sàng. Đến nay công tác thiết kế phần móng cọc nhà ga cũng đã hoàn thành, được thẩm tra, thẩm định và phê duyệt theo quy định; công tác lựa chọn nhà thầu thi công hạng mục cọc nhà ga cũng đã hoàn tất.

Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với quy mô đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong đó, công trình nhà ga hành khách có tính chất kỹ thuật phức tạp, áp dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại, hướng tới cạnh tranh với các trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Do đó, việc khởi công hạng mục cọc, nền móng của công trình Nhà ga hành khách - công trình quan trọng nhất có ý nghĩa quyết định đến tiến độ của Dự án thành phần 3 do ACV làm chủ đầu tư cũng như tiến độ của toàn bộ đại dự án đặc biệt quan trọng này.

Đầu tư gần 90 nghìn tỉ cho 2 tuyến đường sắt kết nối sân bay Long Thành

Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với các bộ, địa phương liên quan về phương án đầu tư dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cụ thể, tại Công văn số 1941/VPCP-CN, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND TP.HCM và các bộ liên quan về phương án đầu tư dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – cảng hàng không quốc tế Long Thành, bảo đảm phù hợp quy hoạch, đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được đưa vào quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM. Theo đó, tuyến có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối là cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chiều dài toàn tuyến khoảng 38km. Tính toán ban đầu cho thấy, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40,5 nghìn tỉ đồng.

Trong khi đó, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84km, có điểm đầu từ ga Trảng Bom, điểm cuối tại cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 50 nghìn tỉ đồng.

2 tuyến đường sắt trên được đầu tư xây dựng sớm sẽ giúp đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với sân bay Long Thành, từ đó tạo điều kiện để phát huy tối đa lợi thế của "siêu" dự án này.

Trịnh Thể - Trí Lâm