Cần có chế tài đủ mạnh xử lý trường hợp trúng đấu giá đất nhưng không thực hiện
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:32, 31/03/2022
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 đã yêu cầu tập trung xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và các luật có liên quan.
Đồng thời hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất, các quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, tỷ lệ tiền đặt trước, tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường.
Song song với đó, có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các trường hợp trúng thầu, trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các chỉ tiêu sử dụng đất đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ cho từng địa phương, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tỷ lệ che phủ rừng và đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu việc lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phải gắn với năng lực thực hiện. Kiên quyết thu hồi đất của các nhà đầu tư hạ tầng không có năng lực, để chậm tiến độ nhằm sử dụng có hiệu quả đất khu công nghiệp để tạo môi trường đầu tư lành mạnh.
Nghị quyết này cũng nêu rõ, cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 (trong đó, quan tâm rà soát, phân bổ chỉ tiêu đất ở phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất gắn với xây dựng nhà ở, tránh lãng phí đất, lãng phí nguồn lực xã hội đầu tư vào đất), kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh 5 năm 2021-2025 trước 31.12.2022.
Đồng thời công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất; tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, kiểm soát, trong quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong khâu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Ngoài ra, giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, các hành vi cố ý gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất; có chính sách hỗ trợ người dân phục hồi đất hoang hóa, đất bị thoái hóa do ảnh hưởng của quá trình sản xuất. Hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai.
Một yêu cầu nữa là triển khai thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có chính sách khuyến khích sử dụng công nghệ xanh, hạn chế xả thải ra môi trường, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải, khí thải, chất thải rắn công nghiệp; đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (kể cả nguồn lực xã hội hóa) cho công tác thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn sinh hoạt (rác thải); tăng cường năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo về môi trường.
Thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý nước thải và rác thải. Chú trọng giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa, chất thải y tế, nhất là chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
Năm 2022, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, hướng dẫn xử lý rác thải để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Ưu tiên sử dụng công nghệ xử lý, tái chế thân thiện môi trường, công nghệ xử lý chất thải rắn thu hồi năng lượng, giảm dần việc xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, nhất là trong lĩnh vực quản lý rác thải, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.
Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm. Nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Nghị quyết cũng đề nghị các cơ quan liên quan có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi các lưu vực sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt, như lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Bắc Hưng Hải…