Giá niken tăng cao ảnh hưởng thế nào đến các hãng sản xuất ô tô điện?

Quốc tế - Ngày đăng : 20:24, 31/03/2022

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã làm rung chuyển giá niken trên thị trường toàn cầu khi kim loại này trở nên quan trọng như một thành phần trong sản xuất pin ô tô điện. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng giá niken tăng cao có thể làm chậm quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hoá thạch.

Vào sáng ngày 8.3, sàn giao dịch kim loại London (Anh) đã đình chỉ giao dịch niken (hay kền), sau khi giá niken tăng hơn gấp đôi so với 3 tháng trước, lên hơn 100.000 USD/tấn.

Niken là một thành phần quan trọng trong sản xuất pin lithium-ion, được sử dụng trong hầu hết các loại xe ô tô điện (EV) đang được bán rộng rãi trên toàn cầu, đặc biệt là thị trường Mỹ. Sự tăng giá đột ngột của niken đã khiến các nhà phân tích và nhà đầu tư đặt ra câu hỏi về các chương trình sản xuất EV đầy tham vọng của nhiều nhà sản xuất ô tô.

Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất ô tô đã phát hiện ra rằng việc thêm nhiều niken vào cực âm có thể tăng tích trữ năng lượng của pin, giúp thời lượng sử dụng kéo dài hơn. Pin lithium-ion loại cũ thường sử dụng cực âm có lượng niken chỉ chiếm 1/3. Các nhà sản xuất ô tô đã tăng tỷ lệ niken để tăng dung lượng của pin và tăng thời gian hoạt động của xe.

Hiện hầu hết các loại xe điện đang sử dụng cực âm có chứa ít nhất 60% niken. Một số loại xe thậm chí còn sử dụng nhiều niken hơn, một phần để giảm hoặc loại bỏ bớt coban, và một phần để tăng cường độ hoạt động cho các ứng dụng cao cấp. Ví dụ, cực âm trong pin mà tập đoàn LG Chem của Hàn Quốc cung cấp cho Tesla chứa 90% niken.

screen-shot-2022-03-31-at-10.46.12.png
Một nhà máy thuộc sở hữu của Nornickel, nhà sản xuất niken và paladi hàng đầu thế giới ở Nga - Ảnh:  Reuters

Ngay cả trước khi căng thẳng Nga - Ukraine diễn ra, niken vẫn không hề rẻ và các chuyên gia đang lo ngại về khả năng thiếu hụt kim loại này khi các nhà sản xuất ô tô toàn cầu tăng cường sản xuất xe điện.

Các nhà sản xuất ô tô và các công ty khác cần niken, cũng như các nguyên liệu thô khác của pin như lithium hoặc coban, đã bắt đầu tìm cách để bảo vệ mình trước những cú sốc trong tương lai.

Ví dụ, Volkswagen đã bắt đầu thăm dò việc mua niken trực tiếp từ các công ty khai thác mỏ. Markus Duesmann, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất ô tô Audi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Nguyên liệu thô sẽ là một vấn đề trong nhiều năm tới". 

Bo Stensgaard, Giám đốc điều hành của Bluejay Mining, cho biết: "Niken, coban, bạch kim, paladi, thậm chí cả đồng, chúng tôi đã nhận ra rằng chúng tôi cần những kim loại đó cho quá trình chuyển đổi xanh, để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Khi bạn nhìn thấy những diễn biến địa chính trị giữa Ukraine và Nga, rõ ràng là sẽ có những rủi ro về nguồn cung với những kim loại này".

Tuy nhiên, việc thiết lập các hoạt động khai thác mới có thể sẽ mất nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ. Trong khi đó, các công ty sử dụng niken - một nhóm bao gồm cả các nhà sản xuất thép sẽ cần phải cạnh tranh với mức giá cao hơn. Điều này sẽ khiến những người tiêu dùng là những người cảm nhận rõ nhất. 

Một bình ắc quy ô tô điện trung bình chứa khoảng 80 pound niken. Theo ước tính của công ty thương mại Cantor Fitzgerald, đợt tăng giá vào tháng 3 sẽ làm tăng gấp đôi giá niken đó lên 1.750 USD/ một chiếc ô tô.

Nga chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong sản xuất niken trên thế giới, và hầu hết được sử dụng để sản xuất thép không gỉ, không phải pin ô tô. Nhưng Nga đóng một vai trò quá lớn trong thị trường niken. Norilsk Nickel là nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới, với các hoạt động rộng lớn ở Siberia. Chủ sở hữu của nó, Vladimir Potanin, là một trong những người giàu nhất nước Nga. Norilsk là một trong số ít các công ty được phép bán một dạng niken chuyên biệt trên sàn giao dịch kim loại London, nơi xử lý tất cả các giao dịch niken.

Không giống như các nhà tài phiệt khác, Potanin không phải là mục tiêu của các lệnh trừng phạt. Bên cạnh đó Mỹ và châu Âu đã không cố gắng ngăn chặn xuất khẩu niken, một bước đi có thể gây tổn hại cho nền kinh tế của họ cũng như của Nga. Viễn cảnh niken của Nga có thể bị loại khỏi thị trường thế giới là đủ để gây ra sự chao đảo.

Các nhà phân tích kỳ vọng giá niken sẽ giảm so với mức đỉnh gần đây nhưng sẽ vẫn cao hơn nhiều so với một năm trước. Adrian Gardner, nhà phân tích chính chuyên về niken tại Wood Mackenzie, cho biết: “Xu hướng sẽ giảm xuống mức gần với mức chúng ta đã dừng lại lần trước, khoảng 25.000 USD/tấn so với mức đỉnh 100.000 USD/tấn".

Niken đã tăng ngay cả trước cuộc chiến tranh tại Ukraine xảy ra khi các quỹ đầu cơ và các nhà đầu tư khác đặt cược vào nhu cầu niken tăng cao đối với xe điện. Giá đạt mức 20.000 USD/tấn trong năm nay sau khi dao động trong khoảng 10.000 - 15.000 USD/tấn trong nhiều năm qua. Đồng thời, lượng niken được sản xuất ít hơn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Không có dấu hiệu nào cho thấy giá niken sẽ dẫn đến việc đóng cửa nhà máy trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt linh kiện sản xuất tại Ukraine đã khiến dây chuyền lắp ráp tại Volkswagen, BMW và các nhà sản xuất ô tô khác rơi vào bế tắc. 

Hiện tại, các nhà sản xuất ô tô và những người mua nhiều niken khác như các nhà sản xuất thép có thể tìm nhà cung cấp thay thế, sử dụng nhiều vật liệu tái chế hơn hoặc chuyển sang thiết kế pin cần ít niken hơn. Ví dụ, có một loại pin thay thế đã được sử dụng cho EV giá rẻ hơn, đó là pin Lithium iron phốt phát (LFP), sử dụng phốt phát sắt trong cực âm, không cần niken hoặc coban.

Các loại pin LFP có chi phí thấp hơn so với các pin lithium-ion, nhưng chúng cũng có cường độ năng lượng thấp hơn, với trọng lượng nặng hơn. Điều đó đã làm cho pin LFP trở nên ít lý tưởng hơn cho các loại xe cao cấp hơn, vì trọng lượng tăng sẽ hạn chế hiệu suất và có thể cản trở việc xử lý của xe.

Ola Källenius, Giám đốc điều hành của Mercedes-Benz, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Sẽ có đủ niken. Không có khả năng là chúng ta sẽ bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga". Song ông nhấn mạnh các nhà sản xuất ô tô có thể sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua niken.

Ông Duesmann cho biết cuộc xung đột Ukraine đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Dầu mỏ của Nga đóng một vai trò lớn hơn nhiều trong nền kinh tế toàn cầu so với niken. 

Ngoài việc nguồn cung bị gián đoạn, các nhà sản xuất ô tô còn lo ngại về việc rút lui khỏi các thị trường mở vốn rất tốt cho hoạt động kinh doanh. Katrin Kamin, một chuyên gia thương mại tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel ở Đức, lưu ý rằng thương mại toàn cầu đã phát triển đáng kể trong thời kỳ đại dịch.

Bà Kamin nói trong một email: “Có lẽ chúng ta nên bớt nói về việc toàn cầu hóa đang bị khủng hoảng và nhiều mối quan hệ quốc tế đang ở mức thấp. Song cuộc xung đột Nga - Ukraine là một đòn giáng mạnh vào thương mại". 

Đan Thuỳ