Vai trò quan trọng của đường vành đai gần 4.000 tỷ đồng với TP.Cần Thơ

Sự kiện - Ngày đăng : 18:40, 01/04/2022

Dự án đường vành đai phía Tây TP.Cần Thơ nối quốc lộ 91 với quốc lộ 61C được UBND TP phê duyệt tháng 11.2021. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 19,3 km, đi qua địa bàn 5 quận, huyện: Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng, Phong Điền. Tổng mức đầu tư dự án 4.000 tỷ đồng.

Mới đây, trong cuộc họp về tiến độ triển khai dự án đường vành đai phía Tây của TP.Cần Thơ, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đánh giá công trình là quan trọng bậc nhất của địa phương trong nhiệm kỳ này.

Bí thư cho biết dự án đường vành đai phía Tây với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh bổ sung là quy mô vốn rất lớn, là công trình quan trọng bậc nhất của TP trong nhiệm kỳ này.

Dự án này sẽ quyết định đến không gian phát triển mới của TP, thu hút đầu tư cũng như các vấn đề liên quan đến tăng trưởng, phát triển của Cần Thơ trong nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Mạnh cho rằng, thời gian tới có rất nhiều vấn đề cần phải cải thiện, như năng lực thi công, năng lực quản lý dự án. Do đó, đây chính là công trình để TP nâng cao năng lực quản lý dự án, chuẩn bị mặt bằng cũng như có được những công trình tốt nhất, được triển khai nhanh nhất trong giai đoạn hiện nay.

Ông Mạnh đề nghị các địa phương có dự án đi qua sau cuộc họp cần lập kế hoạch của mình, đến hết tháng 4.2022 phải trình cho hội đồng thẩm định giá TP liên quan đến giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án.

Đối với Sở GTVT - đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án, Bí thư đề nghị cần triển khai đồng loạt các gói thầu xây lắp của dự án, dồn tất cả nguồn lực vào thực hiện, vừa làm vừa học cách quản lý một dự án với quy mô lớn như vậy. Chủ đầu tư cần đặt mục tiêu quyết liệt, quyết tâm cao, tổ chức giao ban hàng tuần cho đến lúc giao thầu.

Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, đây là dự án trọng điểm của TP và cần có ưu tiên tập trung đầu tư cho dự án. Qua báo cáo tại cuộc họp, dự án phát sinh thêm 1,6 km thuộc địa bàn quận Ninh Kiều, ông Hiển yêu cầu Sở KH-ĐT trình kế hoạch thu hồi phần đất và giao cho Sở GTVT để thực hiện dự án.

can-tho-trung-tam.jpg
Đường vành đai phía Tây có vai trò quan trọng trong việc phát triển của TP.Cần Thơ - Ảnh: Nguyên Việt

Ông Hiển cũng nhấn mạnh, cần phải hoàn thiện các khâu để tháng 5, tháng 6 tiến hành đấu thầu dự án và việc giải phóng mặt bằng phải được 50% thì sẽ tiến hành khởi công. Về bồi thường tái định cư, các quận, huyện phải rà soát các trình tự, thủ tục, đo đạc, tiến hành kiểm kê hoa màu, vật kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, tất cả mọi công việc phải thực hiện song song và hoàn thành trước 30.4 để trình ủy ban.

Để dự án nhanh được triển khai, các địa phương, sở, ngành cùng phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình thẩm định và phê duyệt giá bồi thường. Đồng thời phải ra thông báo thu hồi đất trong tuần tới và tháng 5 hoàn thành các bước phê duyệt kinh phí và thông báo để người dân nhận tiền bồi thường.

Ngoài ra, các địa phương, sở, ngành đẩy nhanh việc thực hiện tái định cư đảm bảo nhanh, đúng quy định; trong đó, huyện Phong Điền tập trung làm ngay khu tái định cư để bố trí cho người dân. Các quận Bình Thủy, Ô Môn, Cái Răng mở rộng các khu tái định cư sẵn có để sớm bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Dự án đường vành đai phía Tây có 7 gói thầu, bao gồm 6 gói thầu xây lắp và một gói thầu điện chiếu sáng; trong đó, gói thầu có giá trị cao nhất là công trình cầu Ba Láng bắc qua sông Cần Thơ với mức đầu tư hơn 520 tỷ đồng và đây cũng là gói thầu sẽ được khởi công đầu tiên của dự án.

Điểm đầu của đường vành đai sẽ giao quốc lộ 91 (Km20+370, gần cầu Ô Môn) và giao đường tỉnh 922, điểm cuối giao Quốc lộ 61C (Km1+400). Mặt cắt ngang đầu tư 2 đơn nguyên, mỗi bên 16,5m; trong đó phần mặt đường 11m, vận tốc thiết kế từ 50 – 60 km/giờ.
Toàn tuyến có 25 cây cầu; trong đó, lớn nhất là cầu Ba Láng vượt sông Cần Thơ dài gần 518m; 14 cống mỗi bên cùng 9 nút giao và 9 điểm quay đầu xe.

Theo phê duyệt ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án là gần 3.838 tỷ đồng (chưa tính đoạn bổ sung dài 1,6 km qua địa bàn quận Ninh Kiều); trong đó, chi phí xây dựng 2.684 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 829 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn các chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng… Nguồn vốn đầu tư là từ ngân sách Trung ương, địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
Thời gian thực hiện từ năm 2021-2026; trong đó, giai đoạn 2021-2025 là gần 3.400 tỷ đồng (ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác). Sau năm 2025, tiếp tục bố trí các kinh phí còn lại sau khi dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án.

Trong phạm vi của dự án có khoảng 598 hộ dân đủ điều kiện tái định cư, chiếm khoảng 2,8% trong tổng thể diện tích cần giải phóng mặt bằng, phần diện tích còn lại chủ yếu là đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp. Do đó không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự án.
Cần Thơ ưu tiên và khuyến khích tái định cư phân tán, trường hợp phải bố trí tái định cư sẽ xem xét bố trí tái định cư vào các khu tái định cư được đầu tư xây dựng trên địa bàn các quận, huyện.

Nguyên Việt