Trung Quốc hé lộ cách dùng y học cổ truyền giảm ca tử vong do COVID-19

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 22:25, 03/04/2022

Một hội đồng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị các quốc gia thành viên nên cân nhắc sử dụng y học cổ truyền Trung Quốc (TCM) để giúp điều trị COVID-19.

Hội đồng này nói rằng có bằng chứng cho thấy TCM có lợi trong một số trường hợp.

Đề xuất được đưa ra trong một báo cáo về cuộc họp 3 ngày xem xét giá trị của việc sử dụng TCM để điều trị COVID-19.

Hội đồng của WHO đồng ý rằng TCM có lợi trong việc giảm nguy cơ tiến triển từ các trường hợp nhẹ đến trung bình thành COVID-19 nặng.

Hội đồng cho biết: “Dù các thử nghiệm liên quan đến các cơ sở khác nhau, dữ liệu cho thấy TCM vừa an toàn vừa có lợi khi kết hợp với thuốc kháng vi rút thông thường”, đồng thời cũng đề nghị rằng các phân tích, thử nghiệm sâu hơn được tiến hành và chia sẻ kết quả với các quốc gia thành viên.

Cuộc họp có sự tham gia của 21 chuyên gia quốc tế, bao gồm cả đại diện WHO và các thành viên của Viện Khoa học Y tế Trung Quốc.

Yu Wenming, Ủy viên Cục Quản lý Y học Cổ truyền Quốc gia Trung Quốc, nói với cuộc họp rằng ba loại thuốc TCM được phát triển vì COVID-19 đang được tối ưu hóa để điều trị các biến thể mới và việc sử dụng TCM là chìa khóa để “giữ mức độ dịch bệnh thấp ở Trung Quốc”.

Rudi Eggers, Giám đốc bộ phận dịch vụ y tế tổng hợp của WHO, cho biết cơ quan y tế toàn cầu coi thuốc bổ sung và truyền thống là thiết yếu. Đây là một trong những chủ đề được tải xuống thường xuyên nhất từ ​​trang web của WHO năm qua.

Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã hỗ trợ mạnh mẽ cho TCM, với một số phương pháp điều trị truyền thống được đưa vào hướng dẫn quốc gia về điều trị COVID-19.

Các phương pháp điều trị COVID-19 bao gồm một loạt triệu chứng từ trường hợp nhẹ nhất đến bệnh nghiêm trọng. Một số có thể được dùng dưới dạng chất lỏng, trong khi những loại khác tiêm tĩnh mạch. Trong số đó có Lianhua Qingwen, dạng viên nang và được phát triển vào năm 2003 để điều trị hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng, hay còn gọi là SARS.

trung-quoc-he-lo-cac-dung-y-hoc-co-truyen-giam-ca-tu-vong-do-covid-19.jpg
Lianhua Qingwen có dạng viên nang, được phát triển vào năm 2003 để điều trị SARS- Ảnh: Handoout

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại cuộc họp của WHO đã trích dẫn một thử nghiệm trên 284 bệnh nhân COVID-19, một nửa trong số họ được cho uống viên nang Lianhua Qingwen.

Theo nghiên cứu, những người dùng Lianhua Qingwen đã khỏi các triệu chứng trong thời gian ngắn hơn so với những bệnh nhân không được can thiệp bằng TCM.

Phương pháp điều trị này có 13 thành phần, bao gồm cả nhân hạt mơ, đại hoàng, kim ngân hoa và bột lá kim thất. Công thức này dựa trên các đơn thuốc có từ thời các văn bản y học được viết dưới triều đại nhà Hán.

Theo một chuyên gia y học Trung Quốc, Lianhua Qingwen có thể giúp loại bỏ vi rút và độc tố, mở rộng phổi và hạ sốt.

Tờ báo The Paper có trụ sở tại Thượng Hải đưa tin rằng 8 triệu hộp Lianhua Qingwen đã đến thành phố này vào ngày 2.4 để hỗ trợ trong cuộc chiến chống lại SARS-CoV-2.

Li Guangxi, Giám đốc khoa hô hấp tại Bệnh viện Quảng An Môn thuộc Học viện Khoa học Y khoa Trung Quốc, cho biết TCM nhằm “tăng cường hệ thống miễn dịch trước khi nhiễm trùng phát triển và bệnh nặng xảy ra, để hỗ trợ phục hồi bằng cách giảm nhiễm trùng huyết và rối loạn cảm xúc”.

Ông cho biết các thử nghiệm lâm sàng cho thấy với người mắc COVID-19 nhẹ và trung bình, TCM rút ngắn thời gian giải quyết các triệu chứng, loại bỏ vi rút và giảm tỷ lệ tiến triển thành bệnh nặng.

Với những bệnh nhân nặng và nguy kịch được điều trị bằng thuốc thông thường và TCM, “phương pháp kết hợp vừa rút ngắn thời gian nằm điều trị tích cực vừa giảm thời gian thở máy”.

trung-quoc-he-lo-cac-dung-y-hoc-co-truyen-giam-ca-tu-vong-do-covid-19-2(1).jpg
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ủng hộ mạnh mẽ y học cổ truyền - Ảnh: Getty

Các nhà khoa học Trung Quốc cũng trích dẫn một nghiên cứu chẩn đoán hồi cứu quốc gia trên gần 9.000 bệnh nhân cho thấy tỷ lệ tử vong do COVID-19 là 1,2% ở những người dùng công thức TCM có tên Qingfei Paidu Tang, so với 4,8% ở những người không dùng.

Các tác giả của nghiên cứu kết luận rằng Qingfei Paidu Tang “có liên quan đến việc giảm đáng kể nguy cơ tử vong trong bệnh viện, không có thêm nguy cơ tổn thương gan cấp tính hoặc tổn thương thận cấp tính ở những người nhập viện vì COVID-19”.

Tại Hồng Kông, TCM độc quyền đã được đưa vào bộ dụng cụ chống dịch như một phần nỗ lực phân phối trên toàn thành phố của chính quyền.

Đến nay Trung Quốc ghi nhận 154.738 ca mắc COVID-19 có triệu chứng với 4.638 người chết, con số nhỏ so với nhiều nước. Ngày 19.3 vừa qua, Trung Quốc mới báo cáo hai ca tử vong đầu tiên do COVID-19 kể từ tháng 1.2021 sau khi đối mặt đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay, do biến thể Omicron gây ra.

Sơn Vân