Người Chính thống giáo Hy Lạp tuần hành ủng hộ Nga, Ukraine phẫn nộ
Quốc tế - Ngày đăng : 14:56, 04/04/2022
Hôm Chủ nhật, hàng trăm người biểu tình, nhiều người trong số họ vẫy cờ Hy Lạp và Nga và bấm còi của họ để tạo một đoàn xe đoàn kết với Nga ở trung tâm của Athens. Những người biểu tình lái xe qua Quảng trường Syntagma, lúc đó cũng đang tổ chức một cuộc mít tinh ủng hộ Ukraine.
Một số phương tiện được phát hiện có trang trí biểu tượng "Z" khét tiếng, được coi là biểu tượng cho sự ủng hộ của Nga đối với cuộc chiến ở Ukraine. Logo Z lần đầu tiên được phát hiện trên sườn xe tăng và xe quân sự của Nga đang tập trung ở biên giới với Ukraine.
Trước đó, vào tối thứ bảy, những người biểu tình đã mang quốc kỳ Hy Lạp và Nga đã xuống đường ở Thessaloniki - thành phố lớn thứ hai của Hy Lạp, hô vang "Hy Lạp, Nga, Chính thống giáo" để lên án cách tiếp cận của chính phủ đối với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin cuộc biểu tình đi kèm với một cuộc diễu hành của khoảng 50 chiếc xe hơi kêu gọi "hòa bình với Nga".
Cuộc biểu tình được tổ chức bởi Tổ chức chính thống giáo Hy Lạp Holy Corps 2012. Họ đã kêu gọi người dân thành phố tham gia “một cuộc biểu tình ôn hòa của những người yêu nước chống lại “Hội chứng sợ người Nga”.
Holy Corps 2012 ra tuyên bố: “Một sự phá hủy chưa từng có đối với mọi thứ của Nga và các biện pháp trừng phạt khiêu khích chống lại Nga chỉ gây hại cho du lịch Hy Lạp, xuất khẩu của Hy Lạp và nền kinh tế Hy Lạp. Giá nhiên liệu, khí đốt và các nhu yếu phẩm đang tăng hàng ngày do các lệnh trừng phạt của NATO đối với Nga. Trong khi đó, họ phá vỡ mối quan hệ hữu nghị với những người anh em chính thống giáo Nga trong đức tin của chúng ta”.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, một người ủng hộ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, đã được gặp gỡ với người biểu tình ở Thessaloniki để làm dịu tình hình.
Mitsotakis ủng hộ một gói trừng phạt toàn diện áp đặt đối với Nga vì hoạt động quân sự đặc biệt của họ ở Ukraine, nhấn mạnh rằng những biện pháp này sẽ giáng một đòn mạnh vào Moscow, ảnh hưởng đến lập trường kinh tế và địa chính trị của nước này từ quan điểm trung hạn và có thể là dài hạn. Tuy nhiên, vẫn nhiều người Hy Lạp coi người Nga là những người anh em Chính thống giáo, không hài lòng về chính sách này.
Các cuộc biểu tình ở Hy Lạp phản đối chính sách cứng rắn của chinh phủ với Nga, diễn ra trong khi Ukraine cáo buộc các lực lượng Nga thực hiện một "vụ thảm sát" ở thị trấn Bucha, phía tây bắc thủ đô Kyiv. Các quốc gia phương Tây phản ứng trước những hình ảnh xác chết ở đó bằng cách kêu gọi các biện pháp trừng phạt mới chống lại Moscow.
Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ cáo buộc của Ukraine, nói rằng các đoạn phim và ảnh chụp các thi thể ở Bucha là "một hành động khiêu khích khác" của chính phủ Ukraine.
Bộ Quốc phòng ở Moscow mô tả các bức ảnh và video từ thị trấn là một "màn trình diễn được dàn dựng".
Nga đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập họp vào ngày 4.4 để thảo luận về điều mà Moscow gọi là "sự khiêu khích của những người cực đoan Ukraine" ở Bucha.
Quay trở lại vụ việc tại Hy Lạp, Đại sứ quán Ukraine ra tuyên bố: “Chúng tôi vô cùng lo ngại về việc tụ tập cái gọi là cuộc diễu hành vận động “chống lại hội chứng sợ Nga và phân biệt chủng tộc”.
Đại sứ quán Ukraine cho rằng tổ chức một sự kiện như vậy, trong khi người dân Ukraine đang chịu thống khổ vì chiến tranh là "không thể chấp nhận được".
Trong khi đó, tại một nước Chính thống giáo anh em khác với Nga, người dân Serbia đã bầu chọn Tổng thống Aleksandar Vucic tái đắc cử.
Trong cuộc vận động tranh cử, Tổng thống Vucic thừa nhận: “Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với kết quả bầu cử là rất lớn. Chúng tôi sẽ duy trì chính sách quan trọng đối với người châu Âu, người Nga và người Mỹ, và đó là… sự trung lập về quân sự”, đồng thời nói thêm: “Serbia sẽ cố gắng duy trì các mối quan hệ hữu nghị và đối tác trong nhiều lĩnh vực với Liên bang Nga.”
Trước cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, các nhóm đối lập cũng hầu như không chịu công khai ủng hộ một đường lối cứng rắn hơn đối với Moscow. Với tình cảm của dân chúng Serbia với người Nga do quan hệ đặc biệt mật thiết giữa hai nước trong lịch sử, phe đối lập cũng lo ngại bất kỳ lời kêu gọi nào về các biện pháp khắc nghiệt hơn đối với Nga sẽ phản tác dụng tại hòm phiếu.