Cách nhìn về 'Putin – Logic của quyền lực’ của một nhà báo Đức
Văn hóa - Ngày đăng : 15:35, 04/04/2022
“Putin - Logic của quyền lực” được First News tái bản lần thứ 3 là công trình của nhà báo người Đức Hubert Seipel, người từng theo chân Tổng thống Nga từ năm 2010. Cuốn sách hé lộ góc nhìn của một nhà báo phương Tây về vị nguyên thủ lên nắm quyền nước Nga từ đầu năm 2000, trên di sản kinh tế của “chủ nghĩa tư bản ăn cướp” do Boris Yeltsin để lại.
Góc nhìn của Hubert Seipel không dựa trên “ly cocktail cảm xúc pha từ thiện cảm và niềm tin vào giá trị của riêng mình”, mà là dựa trên “thông tin và niềm tin, điều chỉ có thể xảy ra khi hai phía nhìn nhận nhau nghiêm túc”.
Vladimir Putin – Cái tên đang được nhắc đến nhiều nhất bởi “chiến dịch quân sự đặc biệt”
“Putin – Logic của quyền lực” được tái bản khi cả thế giới đang dõi theo “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine. Trung thành với bài học từ thuở nhỏ trên đường phố Leningrad, “nếu không tránh khỏi việc đánh nhau, hãy là người ra đòn trước” – như phát biểu nổi tiếng của mình ở Câu lạc bộ Valdai năm 2015, V. Putin ngày 24.2.2022 đã cho tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong một phát biểu khẩn được kênh truyền hình Russia-1 phát đi sáng sớm 24.2, theo giờ Moscow, Tổng thống Nga nhắc lại, “trong 30 năm qua, chúng tôi đã kiên trì và nhẫn nại cố gắng đạt được một thỏa thuận với các nước NATO hàng đầu về các nguyên tắc an ninh bình đẳng và không thể chia cắt ở châu Âu. Đáp lại các đề xuất của chúng tôi, chúng tôi liên tục phải đối mặt với sự lọc lừa và dối trá, hoặc những nỗ lực gây sức ép, trong khi Liên minh Bắc Đại Tây Dương, bất chấp mọi phản đối và lo ngại của chúng tôi, đang ngày càng mở rộng. Bộ máy quân sự đang di chuyển và tôi nhắc lại, đang tiến gần đến biên giới của chúng tôi”. Vì lý do đó mà, theo tổng thống Nga - ngầm ám chỉ về hai thỏa thuận Minsk 2014, 2015 mãi vẫn không được Kiev thực thi - “những hiệp ước, những thỏa thuận trước đây thực sự không có hiệu lực”, trong khi “thuyết phục và yêu cầu không giúp ích gì”.
Tổng thống Nga cho rằng sau khi Liên Xô sụp đổ, thực sự đã bắt đầu diễn ra sự phân chia lại thế giới. Những quy chuẩn quan hệ quốc tế cơ bản, quan trọng được thông qua sau Thế chiến thứ hai đã cản trở những kẻ tuyên bố mình là người chiến thắng trong “chiến tranh lạnh”.
Có thể nói, chúng ta đang là chứng nhân cho một hoạt động được ông Putin gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” bởi nó bao gồm một tổ hợp các hoạt động săn tìm, trinh sát, phản gián, các biện pháp ngăn ngừa do các lực lượng liên quan thực hiện theo một kế hoạch duy nhất ở một hoặc một số khu vực, dưới sự kiểm soát tập trung, nhằm ngăn chặn, trấn áp và loại bỏ hậu quả của tình huống khủng hoảng. Moscow không gọi đây là chiến tranh “bởi nó không nhằm mục đích chiếm đóng lãnh thổ Ukraine và tiêu diệt thường dân vô tội, mà chỉ nhằm phá hủy và vô hiệu các cơ sở hạ tầng quân sự, quốc phòng của chế độ Kiev đã tiến hành nội chiến suốt tám năm qua ở đông nam Ukraine, gây nên cái chết của gần 14.000 người”.
Hơn một tháng sau chiến dịch, theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Toàn Nga (VTsIOM), mức ủng hộ Tổng thống Nga Putin từ ngày 7.3 đến 13.3.2022 là 77,2%. Đồng thời, tới 79,6% nói họ tin tưởng Putin, bất chấp việc Mỹ và phương Tây đang gây sức ép toàn thế giới cô lập nước Nga.
“Putin – Logic của quyền lực” – bức chân dung chân thật và rõ nét nhất về Tổng thống V. Putin
Cuốn sách Putin – Logic của quyền lực kể về những giai đoạn quan trọng khác nhau trong cuộc đời của V.Putin, trùng khớp với những thời khắc bước ngoặt của lịch sử Nga. Từ tuổi thơ ở Leningrad (nay là Saint Petersburg) vào thời ổn định Xô Viết, đến sự tan rã của Liên Xô và 5 năm làm tình báo đối ngoại ở Dresden. Sau vài năm làm việc cho chính quyền Kremlin, chứng kiến sự tan rã của nhà nước và nhanh chóng học hỏi cách thức vận hành của cơ chế quyền lực trong kỷ nguyên hỗn loạn của Yeltsin, V.Putin bước vào chiếc ghế kế nhiệm. Từ đó trên cương vị tổng thống Nga, ông cố gắng khôi phục lòng tự trọng đã bị suy sụp của nhân dân mình, tìm khởi nguồn cho nó trong kinh nghiệm lịch sử của ông ông – từ đế chế Nga đến thời Xô viết, đồng thời trong Chính thống giáo, bất chấp phương Tây có thích hay không.
Putin – Logic của quyền lực là tác phẩm khá “nặng ký”. Để có thể hoàn thành tác phẩm này, tác giả Seipel đã tiếp cận Tổng thống Putin trong vai trò một nhà làm phim từ năm 2010, để rồi suốt 5 năm sau đó, ông đã có hơn 20 buổi phỏng vấn chuyên sâu, tháp tùng Putin trên hàng chục chuyến đi cả trong và ngoài nước để lấy thông tin. Đây là một đặc quyền hiếm hoi, bởi Putin thường không gần gũi với bất kỳ nhà báo phương Tây nào. Từ những cuộc phỏng vấn này, Hubert Seipel dẫn dắt độc giả bước vào thế giới của Putin, về mối quan hệ giữa quan điểm thật sự của nhà lãnh đạo Nga với những lợi ích cạnh tranh.
Cuốn sách hấp dẫn ngay từ những trang đầu tiên, kể về ngày 17.7.2014 khi chiếc máy bay MH 17 bị bắn rơi trên bầu trời Đông Ukraine, gần như cùng thời gian với chuyến bay đưa ông Putin trở về Moskva sau chuyến công du Nam Mỹ 6 ngày.
Từ đó là cuộc đối đầu giữa V. Putin với chiến lược mở rộng NATO về phía Đông của phương Tây, với việc xét lại lịch sử chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại trên trường quốc tế. Trong nước Nga, đó là việc phục hưng Giáo hội Chính thống giáo Nga như một thế lực chính trị, việc vạch rõ vai trò của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như những mưu toan can thiệp vào chính trị nội bộ Nga. Để chấm dứt nạn cướp đoạt quốc gia Nga, cuốn sách giới thiệu cách V. Putin xử lý giới tài phiệt Nga, từ Boris Berezovsky, Mikhail Khodorkovsky tới Roman Abramovich. Và không chỉ các quan điểm chính trị kinh tế của V. Putin được giới thiệu, cái nhìn xã hội của ông qua cách giải quyết các vấn đề về đồng tính, về truyền thông cũng được Hubert Seipel lý giải.
Với “chiến dịch quân sự đặc biệt” đang diễn ra ở Ukraine, “Putin – Logic của quyền lực” này sẽ giúp bạn có cái nhìn hệ thống về V.Putin, người sẽ còn được nhắc đến dài lâu trong lịch sử thế giới.