Chuyển đổi số: Nông dân Việt cũng có điều kiện vươn mình ra thế giới
Sự kiện - Ngày đăng : 17:14, 28/07/2020
Một nền thương mại không biên giới
Hiểu nôm na, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Chuyển đổi số đã mở ra khả năng tiếp cận một thị trường lớn là EU cho cả doanh nghiệp và mọi người dân Việt Nam.
Tại Diễn đàn “Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA - VOIEF 2020” ngày 28.7, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết trước đây chưa có thương mại điện tử, hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới là lãnh địa của các doanh nghiệp lớn. Điều đó có nghĩa là chỉ những doanh nghiệp lớn mới có thể tiếp cận và tổ chức các hoạt động xuyên biên giới và họ là những người thống lĩnh trên thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, khi xuất hiện thương mại điện tử, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thậm chí là nông dân đã có cơ hội chắp cánh vươn ra thị trường thế giới và đang trở nên bình đẳng với các doanh nghiệp lớn trong nền thương mại toàn cầu.
Ông Lộc ví dụ: "Có chuyển đổi số, thương mại điện tử thì một anh nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk bằng một cú nhấp chuột có thể tiếp cận và bán hàng cho một quán cà phê ở châu Âu, New York (Mỹ). Hay một thợ may ở Hội An có thể may đo cho một gia đình ở Paris. Có thương mại điện tử thì bà đồng nát cũng có thể dùng internet để bán hàng... Thương mại điện tử hiện thực hóa một nền thương mại không biên giới trên cả hai góc độ không gian và thời gian. Cả người mua và người bán đều có thể mày mò trên thị trường toàn cầu".
Qua đó có thể thấy sự tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và người mua có thể định hướng cho một nền sản xuất, dẫn dắt nền sản xuất theo kiểu "C to B" (to - tới) chứ không phải là "B to C". Theo ông Vũ Tiến Lộc, người mua đặt hàng người sản xuất cho thấy một mối quan hệ xã hội mới được hình thành giữa người mua và người bán không chỉ trong vấn đề mua bán hàng hóa.
"Khi đó thị trường thương mại thế giới trở về với trạng thái nguyên thủy của chợ quê, có nghĩa là người bán - người mua ra chợ không phải chỉ mua hàng hóa, mà ở đó còn là cộng đồng giao tiếp xã hội. Trên không gian mạng, người sản xuất và người tiêu dùng có thể liên hệ trực tiếp với nhau như vậy. Điều này sẽ rất quan trọng và thú vị với một nền thương mại thế giới trong thời gian tới", ông Lộc cho hay.
Đẩy mạnh "truyền miệng trực tuyến"
Trong Hiệp định EVFTA, cả Việt Nam và EU đều đưa ra những chỉ dẫn địa lý như một tài sản quý giá cần được bảo vệ. Đây chính là các thương hiệu có danh tiếng của mỗi bên đã được thế giới biết đến. Chính vì sự nổi tiếng này, các thương hiệu này mới cần được bảo vệ một cách chặt chẽ hơn để đấu tranh với những hàng hóa mượn những thương hiệu này để bán tới tay khách hàng.
Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết trên thực tế, những chỉ dẫn địa lý của EU trong Hiệp định EVFTA như: Rượu vang Bordeaux (Pháp), Pho mát Mozzarella (Ý) cùng nhiều chỉ dẫn khác đều là những thương hiệu đã nổi tiếng lâu đời, trong khi đó, những chỉ dẫn địa lý của Việt Nam điển hình như Gạo Hải Hậu hay Trà Tân Cương thực tế chỉ có “tiếng” ở trong nước. Ở các quốc gia thuộc khối EU, nhiều chỉ dẫn địa lý của Việt Nam vẫn còn mờ nhạt trong khái niệm của người tiêu dùng.
Bằng cách tận dụng quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là các trào lưu mạng xã hội, các chỉ dẫn địa lý này có thể tới được với người tiêu dùng EU nhanh chóng và hiệu quả hơn. Vẫn là phương thức truyền thông cũ là hình thức truyền miệng, nhưng hình thức truyền miệng trực tuyến thông qua các khả năng lan truyền thông tin viral hay trending lại có hiệu quả vô cùng lớn trong thời đại số. Cách thức mới này không chỉ giúp tạo ra ấn tượng về sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam với người tiêu dùng EU mà còn tạo ra lớp bảo vệ trong chính nhận thức của người tiêu dùng EU cho các thương hiệu, các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
"Suy cho cùng, chuyển đổi số đã và đang có tác động nhiều mặt đến cuộc sống của mỗi con người cũng như hoạt động của mỗi doanh nghiệp, tổ chức. Dù việc áp dụng các thành quả của chuyển đổi số để tận dụng các cơ hội mà EVFTA mang lại không mang tính bắt buộc nhưng là một cách thức tốt để tối đa hóa khả năng tiếp cận và tận dung các cơ hội này", Vụ Chính sách thương mại đa biên nhận định.
Bài và ảnh: Tuyết Nhung