Người mắc COVID-19 có thể gặp di chứng cục máu đông tới 6 tháng sau khi nhiễm bệnh
Thông tin Y học - Ngày đăng : 10:01, 07/04/2022
Trước đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng COVID-19 làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, nhưng nghiên cứu mới trên tạp chí y khoa BMJ cho thấy mối đe dọa có thể tồn tại trong bao lâu.
Để tìm hiểu, các nhà nghiên cứu đã so sánh dữ liệu từ hơn một triệu người tại các cơ quan đăng ký quốc gia của Thụy Điển, những người đã nhiễm COVID-19 từ tháng 2.2020 đến tháng 5.2021, với một nhóm đối chứng với hơn 4 triệu người không nhiễm bệnh.
Họ phát hiện ra rằng những người nhiễm COVID-19 có nguy cơ cao bị thuyên tắc phổi, cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch trong phổi, lên đến 6 tháng sau khi khỏi bệnh. Bên cạnh đó họ cũng có nguy cơ gia tăng huyết khối tĩnh mạch sâu - một cục máu đông thường ở chân, lên đến 3 tháng sau khi khỏi COVID-19.
Sau khi điều chỉnh một loạt các yếu tố, họ nhận thấy nguy cơ thuyên tắc phổi tăng gấp 33 lần đối với những người mắc COVID-19, cũng như tăng gấp 5 lần đối với huyết khối tĩnh mạch sâu.
Nghiên cứu cho thấy những người bị các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19 và những người mắc bệnh nền có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn. Nhưng ngay cả những người bị bệnh nhẹ không cần nhập viện cũng có nguy cơ thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn.
Nguy cơ cục máu đông trong đợt đầu tiên của đại dịch cao hơn so với các giai đoạn sau, các nhà nghiên cứu cho biết là do mức độ bao phủ của vắc xin và các phương pháp điều trị tốt hơn theo thời gian.
Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện của họ có "ý nghĩa chính sách lớn", kêu gọi điều trị nhiều hơn để ngăn ngừa cục máu đông phát triển, đặc biệt trong những trường hợp có nguy cơ cao. Họ cũng nhấn mạnh rằng kết quả của họ đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc tiêm chủng.
Trong một bài viết, các nhà nghiên cứu từ Đại học Glasgow (Anh) không tham gia vào nghiên cứu cho biết nghiên cứu này "nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải cảnh giác với các biến chứng liên quan đến vi rút Sars-CoV-2 ở mức độ nhẹ".