Vì sao những người thường xuyên đeo kính có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn?

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 14:39, 07/04/2022

Những người thường xuyên đeo kính có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn, theo một nghiên cứu lớn nhấn mạnh tầm quan trọng của mắt như một con đường lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Hơn 19.000 người tham gia nghiên cứu Virus Watch ở Anh và xứ Wales đã trả lời bảng câu hỏi về việc đeo kính và sử dụng kính áp tròng. Bắt đầu từ tháng 6.2020, những người tham gia đã báo cáo hàng tuần về tình trạng COVID-19 của họ và hơn 11.000 đã cung cấp mẫu máu hàng tháng để cho biết liệu họ có nhiễm SARS-CoV-2 hay không.

Sau khi tính đến các yếu tố nguy cơ khác, các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 thấp hơn 15% với những người cho biết luôn đeo kính trong quá trình tiếp xúc hàng ngày so với những ai không bao giờ đeo.

Hiệu quả bảo vệ trước COVID-19 bị giảm ở những người cho biết kính của họ cản trở việc đeo khẩu trang. Với những người đeo kính áp tròng, theo báo cáo được đăng trên trang medRxiv trước khi đánh giá đồng cấp, thì kính áp tròng không có tác dụng bảo vệ nào

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Đeo kính bảo vệ mắt nên được coi là một phần của các chiến lược rộng lớn hơn để ngăn chặn sự lây truyền bệnh nhiễm trùng trong cộng đồng và có thể có giá trị để xem xét trong trường hợp có đại dịch trong tương lai và ở các ngành nghề tiếp xúc nhiều, bao gồm cả chăm sóc sức khỏe”.

vi-sao-nhung-nguoi-thuong-xuyen-deo-kinh-co-nguy-co-mac-covid-19-thap-hon.jpg
Đeo kính bảo vệ mắt có thể giảm nguy cơ mắc COVID-19

Trước đó, các nhà nghiên cứu Ấn Độ phát hiện những người đeo kính thường xuyên có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn 2 đến 3 lần.

Lý do vì vi rút SARS-CoV-2 thường lây nhiễm qua tiếp xúc. Nếu tay có mầm bệnh và dụi vào mắt thì SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm vào người.

Do đó, nhóm nghiên cứu tin rằng một trong những nguyên nhân khiến người đeo kính ít có nguy cơ mắc COVID-19 do ít dụi mắt hơn.

Các nhà nghiên cứu Ấn Độ đã theo dõi 304 bệnh nhân tại một bệnh viện ở miền bắc nước này trong 2 tuần. Thời điểm nghiên cứu là vào mùa hè năm 2020. Tất cả đều có độ tuổi từ 10 đến 80, 19% trong số họ đeo kính gần như cả ngày.

Nhóm phát hiện trung bình mỗi giờ, một người sẽ chạm vào mặt 23 lần, chạm vào mắt 3 lần.

Amit Kumar Saxena, trưởng nhóm nghiên cứu, giải thích: “Bệnh lây nhiễm khi chạm tay vào mũi, miệng và mắt. Việc chạm vào mũi và miệng sẽ giảm đáng kể khi chúng ta đeo khẩu trang đúng cách. Nhưng đeo khẩu trang lại không thể bảo vệ mắt”.

Hành động dụi hay chạm tay vào mắt có thể là một con đường chính lây nhiễm SARS-CoV-2. Theo Amit Kumar Saxena, nguy cơ mắc COVID-19 ở nhóm người đeo kính ít hơn từ 2 đến 3 lần so với nhóm người không đeo.

Trước đây, các bác sĩ đã khuyến cáo mọi người nên chuyển từ đeo kính áp tròng sang kính có gọng. Việc này có thể giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19 do lây truyền vi rút từ tay sang mắt, theo trang The Independent.

Hyperimmune globulin giúp ích những bệnh nhân COVID-19 bị ức chế miễn dịch

Theo thử nghiệm nhỏ, những bệnh nhân COVID-19 nhập viện bị suy giảm miễn dịch có thể được hưởng lợi từ việc điều trị bằng một dạng huyết tương giàu kháng thể tinh khiết, cô đặc cao từ những người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trước đó được gọi là hyperimmune globulin.

Các nhà nghiên cứu tại Hà Lan đã đo lường nhu cầu thở máy, thở oxy dòng cao qua ống thông mũi, khả năng nhập viện do COVID-19 sau khi xuất viện hoặc tình trạng thiếu cải thiện lâm sàng trong số 18 người bốn tuần sau khi sử dụng hyperimmune globulin hoặc huyết thanh miễn dịch không chứa kháng thể SARS-CoV-2.

Những kết quả bất lợi xảy ra ở 20% bệnh nhân được tiêm hyperimmune globulin với kháng thể SARS-CoV-2, so với 88% những người không dùng, theo một báo cáo được đăng trên trang medRxiv trước khi đánh giá đồng cấp.

Những người tham gia thử nghiệm là những bệnh nhân cấy ghép nội tạng dùng thuốc ức chế miễn dịch mạnh và những người khác mắc bệnh hoặc có chế độ dùng thuốc làm suy giảm chức năng của các tế bào miễn dịch được gọi là tế bào B.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, hyperimmune globulin "có thể làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng và có thể được sử dụng khi không có sẵn liệu pháp kháng thể đơn dòng".

Đông máu sau khi tiêm vắc xin COVID-19 liên quan các biến thể gien, kháng thể

Nghiên cứu mới có thể giúp làm sáng tỏ vấn đề đông máu hiếm gặp nhưng nghiêm trọng liên quan đến vắc xin COVID-19 của AstraZeneca và Johnson & Johnson.

Các nhà nghiên cứu phát hiện 5 người không liên quan với biến chứng đông máu này, được gọi là giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do vắc xin (vaccine-induced immune thrombotic thrombocytopenia - VITT), tất cả đều có kháng thể với cấu trúc bất thường chống lại protein PF4 liên quan đến quá trình đông máu. Hơn nữa, cả 5 người đều có một phiên bản cụ thể của gien chịu trách nhiệm sản xuất các kháng thể này.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Sự kết hợp của một biến thể trong một gien và sự tiến hóa của kháng thể này theo hướng nhắm mục tiêu một cách rất có hại cho protein PF4... dẫn đến biến chứng tai hại đó”.

Theo báo cáo, tỷ lệ phổ biến của gien này cao nhất ở những người gốc châu Âu.

Phát hiện đó "mở đường cho công cụ sàng lọc gien tiềm năng để xác định những bệnh nhân mang biến thể gien này có nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng" sau khi nhận được vắc xin AstraZeneca và Johnson & Johnson, theo Tom Gordon và Jing Jing Wang thuộc Đại học Flinders (Úc), hai trong số các tác giả của nghiên cứu.

Họ đã báo cáo điều này trên trang medRxiv trước khi được đánh giá đồng cấp.

Sơn Vân