Cuộc chiến tại Ukraine làm thay đổi suy nghĩ của người Nhật
Quốc tế - Ngày đăng : 14:06, 07/04/2022
Cuộc chiến do Nga phát động tại Ukraine khiến nhiều người Nhật suy xét lại khả năng xảy ra xung đột vì hàng loạt tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết tại Đông Á.
Một số cuộc thăm dò chỉ ra rằng người Nhật lo ngại việc không ngăn chặn được Nga có thể thúc đẩy Trung Quốc phát động tấn công Đài Loan, hoặc chiếm quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông mà Nhật đang kiểm soát. Nhật cũng có tranh chấp đảo với Nga.
Gần 2/3 người tham gia cuộc thăm dò do báo Yomiuri Shimbun thực hiện cuối tuần trước muốn năng lực phòng thủ của Nhật được củng cố. Trước đây an ninh quốc gia thường đứng sau ưu tiên kinh tế.
Giáo sư Kyoko Hatakeyama thuộc Đại học Niigata đánh giá: “Cú sốc Ukraine đang bắt đầu làm thay đổi chuẩn mực và niềm tin của Nhật. Nhưng phía trước vẫn còn một chặng đường dài”.
Mặc dù Thủ tướng Fumio Kishida khiến giới quan sát bất ngờ khi nhanh chóng áp đặt trừng phạt với Nga và viện trợ cho Ukraine, củng cố năng lực phòng thủ lại là nỗ lực khá khó khăn. Nỗ lực diễn giải hiến pháp hòa bình thời hậu chiến bị trì hoãn vì nhiều cuộc phản đối lớn của công chúng, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền cũng khó thuyết phục các đảng đối lập vốn phản đối triển khai quân sự. Lực lượng phòng vệ Nhật vẫn phụ thuộc vào “chiếc ô hạt nhân” của đồng minh Mỹ.
Vài tuần gần đây, cựu Thủ tướng Shinzo Abe - người liên tục tăng chi tiêu quốc phòng Nhật qua từng năm khi làm Thủ tướng - đã kêu gọi thực hiện các biện pháp giúp phá bỏ cấm kị với vũ khí hạt nhân hoặc sở hữu hệ thống tấn công chẳng hạn như tên lửa. Ông nhấn mạnh Nhật cần sở hữu năng lực tấn công vào “trung tâm” của một quốc gia thù địch, đồng thời cho rằng chi tiêu quốc phòng lớn sẽ giúp tránh nguy cơ đụng độ với Trung Quốc.
“Không có quốc gia nào trên thế giới liều mạng bảo vệ một quốc gia không nỗ lực bảo vệ chính mình”, cựu Thủ tướng Abe phát biểu trên đài NHK. Trước đây ông từng khơi dậy cuộc tranh luận về “chia sẻ hạt nhân” – giống như cơ chế cho phép thành viên NATO sở hữu vũ khí hạt nhân Mỹ.
Thủ tướng đương nhiệm Kishida từ chối ý tưởng trên với lý do làm vậy vi phạm nguyên tắc của Nhật về sở hữu, sản xuất hoặc cho phép giới thiệu vũ khí nguyên tử. Phía Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích đề xuất “chia sẻ hạt nhân”.
Đáp trả trừng phạt mà Nhật áp đặt gần đây vì cuộc chiến tại Ukraine, Nga hủy bỏ đàm phán về quần đảo Nam Kuril (phía Nhật gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc) đồng thời tiến hành tập trận tại đây.
Ngày 5.4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi cho biết Bộ Quốc phòng muốn tài trợ mạnh mẽ để nâng cao năng lực phòng vệ của đất nước. Quan chức này ca ngợi mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng mà NATO đặt ra cho các nước thành viên.
Đảng Komeito liên minh với LDP tỏ ra thận trọng hơn. Tổng thư ký Komeito Keiichi Ishii phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tuần trước: “Chúng ta nên đảm bảo ngân sách quốc phòng thực sự cần thiết cho an ninh quốc gia. Tăng gấp đôi là bất khả thi. Nhật Bản đang có khoản nợ hơn 1.000 nghìn tỉ yên, tình hình khác với nhiều nước khác”.
Theo Tiến sĩ Brad Glosserman – giáo sư thỉnh giảng của Đại học Tama, ngoài tăng chi tiêu quốc phòng, Nhật có thể củng cố năng lực quốc phòng bằng cách hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ cũng như với Hàn Quốc.